Phóng viên Báo Đầu tư trao đổi với LS. Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM về vấn đề này.
Không riêng hai trường hợp trên, trước đó, Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh cũng bị Cục Thuế TP.HCM truy thu 117 tỷ đồng tiền thuế. Ông bình luận gì về vấn đề này?
Trong ngành thuế, các văn bản quy định về thuế rất nhiều. Bản thân cán bộ thuế có khi còn chưa hiểu hết, thì việc doanh nghiệp nhầm lẫn là điều dễ hiểu, nhất là khi doanh nghiệp tự khai thuế.
Vấn đề là, việc hạch toán sai của doanh nghiệp không phải do lỗi chủ quan, mà do hiểu không đúng, thì vẫn bị phạt. Các doanh nghiệp rất sợ bị phạt, do mức phạt lớn quá. Đặc biệt, quá trình truy thu thuế hiện kéo dài đến 5 năm, mà tính lũy tiến phạt, thì số tiền phạt rất lớn, có khi trả xong khoản truy thuế là doanh nghiệp có thể phá sản.
Theo góc độ là một tổ chức đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp ở một địa bàn có số lượng doanh nghiệp đông nhất nước, ông có kiến nghị gì với ngành thuế?
Chúng ta cần cân nhắc, cái nào do doanh nghiệp cố ý khai sai và cái nào doanh nghiệp không cố ý mà vẫn bị sai.
Chẳng hạn, một doanh nghiệp thuê một công ty vận tải giao hàng, rồi tài xế của công ty vận tải đó lấy hóa đơn của một hợp tác xã hay một công ty nào đó đưa cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp hạch toán đàng hoàng, thì cơ quan thuế vào kiểm tra, nói là “hóa đơn này của doanh nghiệp đã bỏ trốn”, nhưng thực tế, ở thời điểm hạch toán, không có thông tin nào về doanh nghiệp bỏ trốn và doanh nghiệp mua dịch vụ không biết, nên đã hạch toán và bị phạt.
Liên quan đến việc thanh tra thuế đối với doanh nghiệp niêm yết, theo ông, bản thân doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị gì để giảm thiểu ảnh hưởng từ việc truy thu thuế?
Khi một doanh nghiệp nào đó niêm yết trên sàn mà bị kiểm tra truy thu thuế, thì giá trị cổ phiếu của doanh nghiệp đó sẽ giảm ngay lập tức. Do đó, những người điều hành doanh nghiệp phải rất cẩn trọng trong hành xử về thuế.
Có những vấn đề mà doanh nghiệp chưa rõ, thì nên có văn bản hỏi ý kiến cơ quan chức năng. Đây là việc mà nhiều doanh nghiệp chưa quen thực hiện. Đối với doanh nghiệp lớn, ngành nghề kinh doanh phức tạp, dễ bị sai sót về thuế, thì nên thuê các công ty tư vấn về thuế.
Tốt nhất, doanh nghiệp nên hạch toán cho đúng theo quy định của pháp luật. Nếu gặp trường hợp có sự mâu thuẫn giữa doanh nghiệp và cơ quan thuế, thì nên đấu tranh tới cùng (như Công ty Maseco), bằng những quy định mà pháp luật cho phép, như khiếu nại, khởi kiện ra tòa.
Từ đầu năm đến nay, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM có nhận được thông tin từ doanh nghiệp hội viên về vấn đề liên quan đến truy thu thuế không, thưa ông?
Các vấn đề liên quan đến thuế rất nhiều. Trên thế giới, người ta mô tả cụ thể những cách giải thích để áp dụng vào thuế, còn ở Việt Nam chưa có công cụ đó, nên dẫn tới cách ứng xử không đúng, gây phiền hà cho doanh nghiệp. Do đó, hoàn chỉnh các quy định về thuế là việc làm bức thiết hiện nay.