Thời cơ tăng tốc phát triển
Hậu Giang là tỉnh nằm ở trung tâm của Tiểu vùng Tây sông Hậu, cửa ngõ của Bắc bán đảo Cà Mau, có tiềm năng phong phú, đa dạng trên nhiều lĩnh vực. Bên cạnh lợi thế phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, Hậu Giang còn là trung tâm kết nối giao thông, vận tải thủy bộ, thương mại - dịch vụ, logistics của vùng Nam Sông Hậu thông qua các tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 61, Quốc lộ 61B, Quốc lộ 61C, Quốc lộ Quản Lộ - Phụng Hiệp, Quốc lộ Nam Sông Hậu, tuyến giao thông Bốn Tổng - Một Ngàn, cùng với hệ thống đường tỉnh lộ kết nối vào hệ thống đường quốc lộ, rất thuận tiện cho lưu thông, phân phối, vận chuyển hàng hóa, đi lại của người dân và doanh nghiệp.
Đặc biệt, sắp tới đây Hậu Giang sẽ có khoảng 100 km đường bộ cao tốc đi qua, gồm tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, sẽ tạo ra không gian phát triển lớn cho tỉnh, đồng thời đưa Hậu Giang trở thành trung tâm kết nối giao thông theo trục dọc và trục ngang của các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện nay, quỹ đất của Hậu Giang còn nhiều, lại có vị trí tiếp giáp với TP. Cần Thơ - trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, gần sân bay, cảng biển... nên tỉnh có nhiều lợi thế trong phát triển bất động sản công nghiệp, đô thị, logistics.
Hậu Giang còn hấp dẫn các nhà đầu tư bởi cơ chế chính sách ưu đãi mà tỉnh đang áp dụng cho nhà đầu tư. Tỉnh có 7/8 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Khi đầu tư vào Hậu Giang, doanh nghiệp được những ưu đãi cao nhất về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, tiền thuê đất, thuê mặt nước... theo quy định.
Phát triển theo 4 trụ cột
Phát biểu tại Hội nghị giao ban báo chí quý II/2022, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành cho biết, chiến lược phát triển Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025 là cải thiện vị trí xếp hạng về quy mô kinh tế, với mục tiêu phát triển nhanh hơn bình quân của cả nước; tăng thu ngân sách, với mục tiêu giai đoạn 2021-2025, mỗi năm tăng thu nội địa 1.000 tỷ đồng; phấn đấu đến năm 2025, tăng gấp 2 lần so với giai đoạn 2015 - 2020.
Cùng với đó, cải thiện môi trường cạnh tranh của tỉnh; tập trung đầu tư hạ tầng cho tăng tốc phát triển. Giai đoạn 2026 - 2030, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 8 - 10%, thu ngân sách đạt 13.000 tỷ đồng, tỉnh sẽ cơ bản tự chủ ngân sách.
Hậu Giang xác định 3 đột phá chiến lược là: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chủ chốt, lãnh đạo các cấp, kể cả nguồn nhân lực ngoài nhà nước (doanh nghiệp, hợp tác xã...); hoàn thiện, đồng bộ các cơ chế chính sách, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh và xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông.
Theo ông Nghiêm Xuân Thành, 4 trụ cột phát triển của tỉnh thời gian tới là công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch. Cụ thể, trong phát triển công nghiệp, định hướng của tỉnh là thu hút doanh nghiệp đầu tư tạo ra sản phẩm, giải quyết công ăn việc làm, thu hút lao động làm việc từ các tỉnh, thành phố khác trở về theo quan điểm “ly nông bất ly hương”; doanh nghiệp sử dụng ít đất; có đóng góp ngân sách lớn trên địa bàn, đồng thời đảm bảo môi trường hệ sinh thái.
“Doanh nghiệp nào hoạt động ảnh hưởng đến môi trường, không nộp ngân sách thì không được tỉnh ưu tiên phát triển”, ông Thành nói.
Đối với nông nghiệp, Hậu Giang định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu; tối ưu hóa thu nhập, lợi ích nhằm cải thiện đời sống nông dân.
Đối với đô thị, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa theo hướng phát triển đô thị xanh, thông minh, hiện đại.
Đối với du lịch, khơi dậy, hiện thực hóa tiềm năng du lịch của tỉnh, trong đó tập trung phát triển hai sản phẩm du lịch đặc trưng là du lịch kênh xáng Xà No và Lung Ngọc Hoàng. Bên cạnh đó, thu hút đầu tư hình thành các khu du lịch cấp vùng, cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh.
Tạo dựng niềm tin
Trong tháng 6 này, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Hậu Giang sẽ diễn ra Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2022 với chủ đề “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”. Đây là hoạt động nhằm quảng bá những dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư của tỉnh trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch để thu hút, lựa chọn doanh nghiệp tiềm năng thực hiện dự án.
Ngoài ra, Hội nghị còn là diễn đàn để các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà đầu tư gặp gỡ, trao đổi về cơ chế chính sách, môi trường đầu tư, đề xuất các giải pháp thu hút đầu tư phù hợp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hậu Giang chia sẻ: “Thông qua Hội nghị xúc tiến đầu tư, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang kỳ vọng các nhà đầu tư sẽ tìm hiểu cụ thể những lợi thế, tiềm năng và những dự án trọng điểm của tỉnh. Hội nghị cũng là dịp để chính quyền tỉnh Hậu Giang thể hiện sự cầu thị, quyết tâm mạnh mẽ đưa tỉnh vươn lên, phát triển nhanh, bền vững, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân”.
Tại Hội nghị này, tỉnh Hậu Giang sẽ công bố Ban Chỉ đạo xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh; trao chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; ký biên bản ghi nhớ đầu tư và ký kết hợp tác đầu tư...
Theo ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, quỹ đất công nghiệp để thu hút đầu tư của tỉnh còn rất nhiều. Hiện 2 khu công nghiệp lớn là Khu công nghiệp Sông Hậu (huyện Châu Thành) và Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh (huyện Châu Thành A) đã lấp đầy 80% diện tích, còn 3 nhà đầu tư đăng ký đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 700 ha. Các dự án phát triển khu công nghiệp này triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu mặt bằng cho các nhà đầu tư đến với Hậu Giang.
Với tiềm năng, lợi thế vượt trội, hạ tầng giao thông đang phát triển theo hướng đồng bộ, kết nối nội tỉnh và liên vùng, Hậu Giang ngày càng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành cho biết, gần đây, tỉnh liên tục tiếp các doanh nghiệp tới nghiên cứu, khảo sát tìm hiểu đầu tư trên các lĩnh vực phát triển khu công nghiệp, đô thị, du lịch... Đây là những nhà đầu tư tiềm năng, họ đã làm ở các địa phương khác rất thành công.
Ông Nghiêm Xuân Thành cho rằng, bên cạnh việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, kỹ thuật (điện, nước...) đồng bộ, thì việc cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, thân thiện là rất quan trọng để thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào tỉnh. Tỉnh cam kết cải thiện mạnh mẽ về môi trường đầu tư với thủ tục nhanh chóng, minh bạch, rõ ràng.
“Quan điểm của tỉnh là thay đổi tư duy từ ‘cho phép’, ‘cấp phép’ sang ‘phục vụ’, trên cơ sở xây dựng một văn hóa, một ngôn ngữ chung vì lợi ích hài hòa giữa chính quyền - người dân - doanh nghiệp, tránh tình trạng trên thì mở nhưng dưới lại khép”, ông Thành chia sẻ.
Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hậu Giang cho biết, trong khuôn khổ Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2022 sẽ diễn ra các hoạt động:
Tuần lễ thúc đẩy chuyển đổi số phát triển kinh tế vùng năm 2022 với 50 - 60 gian hàng, có chủ đề: “Thúc đẩy chuyển đổi số phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022”.
Tổ chức 3 phiên chuyên đề: Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao; Chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, khách sạn, nhà hàng; Hội thảo xúc tiến đầu tư và kết nối cung cầu sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin.
Bên cạnh đó, trong chuỗi hoạt động của Hội nghị xúc tiến đầu tư sẽ tổ chức 5 Hội thảo về tiềm năng và cơ hội đầu tư phát triển vào Hậu Giang, bao gồm:
-Hội thảo Tiềm năng và cơ hội đầu tư phát triển vào lĩnh vực công nghiệp.
-Hội thảo Tiềm năng và cơ hội đầu tư phát triển vào lĩnh vực nông nghiệp.
-Hội thảo Tiềm năng và cơ hội đầu tư phát triển vào lĩnh vực đô thị.
-Hội thảo Tiềm năng và cơ hội đầu tư phát triển vào lĩnh vực du lịch.
-Hội thảo Xúc tiến đầu tư lĩnh vực công nghệ thông tin, do Sở Thông tin và Truyền thông và Công ty Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung thực hiện.