Hậu Giang: Chậm trễ hỗ trợ người lao động, UBND cấp huyện phải tự chi trả

0:00 / 0:00
0:00
Sau ngày 15/9/2021, nếu vẫn còn phát sinh hồ sơ hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động thì UBND huyện, thị xã, thành phố tự chi trả cho người lao động.
Đại diện UBND xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang đến tận nhà cấp tiền cho lao động tự do thuộc diện được hỗ trợ trên địa bàn. Nguồn: Báo Hậu Giang Đại diện UBND xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang đến tận nhà cấp tiền cho lao động tự do thuộc diện được hỗ trợ trên địa bàn. Nguồn: Báo Hậu Giang

UBND tỉnh Hậu Giang vừa có công văn về việc khẩn trương thực hiện hoàn thành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Theo đó, nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang yêu cầu các sở, ngành, đơn vị có liên quan và UBND huyện, thị xã, thành phố (các đơn vị chủ trì triển khai thực hiện các nhóm chính sách), Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp ttục tuyên truyền, phổ biến, triển khai các nội dung hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg; khẩn trương chỉ đạo, triển khai thực hiện chính sách (tổng hợp danh sách, thẩm định, phê duyệt, trình cấp thẩm quyền phê duyệt hỗ trợ) đảm bảo đúng đối tượng, tránh trùng lắp, đúng quy định, cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ chậm nhất ngày 15/9/2021 (đối với các trường hợp đã phát sinh hồ sơ).

UBND tỉnh Hậu Giang giao UBND huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Bảo hiểm xã hội Tỉnh, Cục thuế Tỉnh rà soát danh sách các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã được xác nhận đủ điều kiện đề nghị hỗ trợ để hướng dẫn thực hiện.

Khẩn trương chỉ đạo, thẩm định, trình Chủ tịch UBND Tỉnh quyết định việc hỗ trợ đối với chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) hoàn thành chậm nhất ngày 15/9/2021. Sau thời gian trên, nếu vẫn còn phát sinh hồ sơ thì UBND huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước UBND Tỉnh và tự chi trả cho người lao động.

Rà soát, nắm chắc tình hình đời sống người dân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Giao trách nhiệm cho người đứng đầu chính quyền địa phương trong việc bảo đảm an sinh xã hội; không để người dân nào thiếu ăn, thiếu các nhu yếu phẩm thiết yếu.

Đối với chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động và chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, UBND tỉnh Hậu Giang giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp Tỉnh, Liên đoàn Lao động Tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố, tiếp tục tuyên truyền, rà soát, nắm thông tin, tổng hợp nhu cầu đề nghị hỗ trợ của các doanh nghiệp và người lao động.

Đồng thời, Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện chủ động liên hệ, phối hợp ít nhất với 01 doanh nghiệp xây dựng phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; nhân rộng, phối hợp với các đơn vị khác trên địa bàn để tổ chức thực hiện.

Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Tỉnh chủ động phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp Tỉnh, Cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn Tỉnh để tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn (thiết kế hồ sơ mẫu), triển khai hỗ trợ theo quy định, góp phần giải quyết khó khăn của doanh nghiệp.

Trúc Giang
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục