Nhiều dự án sắp hồi sinh
Công ty cổ phần Địa ốc Himlamland cho biết sắp triển khai dự án Khu đô thị Him Lam City tại quận 2, TP.HCM sau gần 10 năm vướng thủ tục, hiện dự án đã có quy hoạch 1/500. Đây là dự án mà trước đó Himlamland đã cầu cứu UBND TP.HCM vì vướng thủ tục chuyển đổi khi quỹ đất dự án này là dự án sân golf tọa lạc tại trên tuyến đường Đỗ Xuân hợp, thuộc phường An Phú, quận 2.
Theo đó, diện tích dành cho khu nhà ở là 22 ha sẽ được chủ đầu tư xây dựng 2 block chung cư, 193 nền biệt thự, nhà phố liên kế sân vườn. Khu liên hợp sân golf diện tích 92 ha gồm: CLB sân golf, sân golf 18 lỗ, khu nghỉ dưỡng spa và khách sạn 400 phòng… Him Lam City quận 2 ban đầu có tên thương mại là Saigon Golf, Country Club and Residences (Khu liên hợp sân golf, thể dục thể thao và nhà ở), được phát triển bởi SDI - Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Sài Gòn. Tuy nhiên, từ khi chủ đầu tư Him Lam chính thức rót vốn vào dự án thì đại công trình được thay tên đổi họ thành Dự án Him Lam Bình An.
Tập đoàn Phúc Khang Corp cho biết, sau 4 năm dừng triển khai dự án Diamond Lotus Lake View vì pháp lý liên quan tới đấu giá đất, tới nay dự án đã được lãnh đạo UBND Thành phố xem xét cho triển khai trở lại. Được biết, dự án nằm tại số 96 Lũy Bán Bích, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú, với tổng diện tích 11.458m2, bao gồm 3 toà tháp cao 21 tầng với khoảng 1.000 căn hộ.
Phía Công ty TNHH Đầu tư Sabeco HP thì cho biết, hiện đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo UBND TP.HCM cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM để xin phép tiếp tục phát triển dự án Dự án Charmington Iris. Dự án nằm tại số 76 Tôn Thất Thuyết, Phường 16, quận 4, TP.HCM, có tổng diện tích 16.654 m2, gồm 2 tòa tháp cao 35 tầng và 1 tầng hầm, dự kiến cung ứng thị trường bất động sản trung tâm 1.438 căn hộ và 14 căn shophouse.
Dự án này đã được chủ đầu tư xây dựng xong phần móng, tuy nhiên năm 2019 UBND TP.HCM đã thu hồi giấy phép xây dựng. Đến ngày 25/4 vừa qua, UBND Thành phố họp với lãnh đạo các Sở, ngành để bàn về việc có cho phép dự án tiến tục được thực hiện hay sẽ thu hồi.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, nếu doanh nghiệp muốn thực hiện tiếp dự án thì phải xin UBND TP.HCM và hoàn tất đền bù cho các hộ dân còn lại trên quỹ đất dự án.
Phía Công ty TNHH Đầu tư Sabeco HP cho biết, hiện đã hoàn thành đền bù cho 14 hộ dân còn lại và xin thực hiện tiếp dự án.
Một dự án nữa được UBND TP.HCM cho thi công trở lại đó là dự án 628 - 630 Võ Văn Kiệt, quận 5. Dự án với hơn 230.000m2 sàn xây dựng, tòa nhà cao nhất đến 53 tầng, tổng mức đầu tư tạm tính 5.000 tỷ đồng. Trước đó, dự án bị dừng triển khai thi công từ năm 2018 vì liên quan tới chuyển nhượng quỹ đất trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng vừa chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc tháo gỡ các bất cập tại dự án nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên, huyện Bình Chánh. Dự án có tổng diện tích đất khoảng 34.011,4m2, doanh nghiệp Lê Thành cho biết dự án sẽ triển khai trong năm 2020.
Ngoài ra, trong tháng 4/2020, UBND TP.HCM cũng đã bàn hướng gỡ khó cho dự án Greenview Garden tại phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức do Công ty TNHH Bất động sản Ladona làm chủ đầu tư. Dự án được xây dựng trên diện tích 20.203,7m2 với sản phẩm là chung cư cao tầng để bán và cho thuê.
Dự án hoạt động 50 năm, từ năm 2011, tiến độ xây dựng dự án được chia làm hai giai đoạn từ năm 2013 tới 2017 phải hoàn thành, thế nhưng tới nay dự án vẫn chưa được xây dựng. Lý do dự án chậm triển khai được Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết doanh nghiệp xin điều chỉnh tiến độ thực hiện của dự án từ tháng 6/2017 tới tháng 12/2024.
Ngoài ra, tại buổi làm việc này, lãnh đạo Thành phố cũng như các Sở cùng tìm cách tháo gỡ dự án Khu phước hợp Đầm Sen tại quận 11. Dự án này có diện tích đất 54.568,3m2 do Công ty cổ phần Quốc tế C&T làm chủ đầu tư và được cấp phép từ năm 2014. Dự án vướng vì đền bù giải phóng mặt bằng, chính vì vậy lãnh đạo quận 11, các Sở đưa ra giải pháp là hỗ trợ doanh nghiệp bồi thường, giải phóng mặt bằng và tạo khu tái định cư cho người dân đang sống trong khu vực quy hoạch dự án để dự án sớm được triển khai.
Ngoài ra, tại cuộc họp này đã có 40/46 dự án gặp vướng mắc, khó khăn đề nghị được giải quyết. Trong đó, lãnh đạo UBND đã chia các dự án ra nhiều nội dung thuộc thẩm quyền của nhiều đơn vị để xử lý từng dự án.
Trong đó, các dự án như dự án phát triển khu đô thị mới Nam TP.HCM do Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng làm chủ đầu tư; dự án khu dân cư tại khu đất 30,224ha tại quận 2, TP.HCM của Tập đoàn Novaland; khu phước hợp Lý Tự Trọng - Đồng Khởi - Nguyễn Du số 164 đường Đồng Khởi quận 1 do Công ty cổ phần Tập đoàn Mặt trời (Sun Group); dự án Trung tâm Hội nghị và Triển lãnh Quốc tế tại dự án Van Phuc City quận Thủ Đức do Công ty cổ phần Đầu tư Địa ốc Vạn Phúc làm chủ đầu tư; Dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa; Khu dân cư đô thị Tân thới Nhì tại quận Tân Bình do Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng phát triển Đông Đô - Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư…
Các dự án này đều được cân nhắc, bàn hướng gỡ khó và giao trách nhiệm cho các sở, ngành cụ thể tương ứng với những vướng mắc của các dự án.
Ngoài ra, ngày 1/4 vừa qua, Chủ tịch UBND TP.HCM tiếp tục có buổi làm việc với lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên môi trường… nhằm giải cứu dự án bất động sản. Dự án được bàn thảo lần này là Dự án Khu phước hợp Tháp quan sát Thủ Thiêm của Công ty TNHH Liên doanh Thành phố Đế Vương tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2. Dự án được xây dựng trên diện tích 14,56ha, mang tên Empire City.
Dự án này được thực hiện 4 giai đoạn và đang thực hiện xây dựng giai đoạn 2 nhưng chưa được cấp phép xây dựng và vướng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Tại buổi họp, lãnh đạo Thành phố cũng như các sở đã xem xét tiếp tục cho dự án này được cấp phép xây dựng giai đoạn 2 cũng như được bán dạng dự án hình thành trong tương lai…
Cần giải quyết “cái gốc” khó khăn
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, hiện nay, môi trường kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản vẫn chưa minh bạch, chưa công bằng, vẫn còn “tù mù”, vẫn còn dấu hiệu “nhóm lợi ích”. Cùng mặt bằng pháp lý như nhau, nhưng các dự án nhà ở tại TP.HCM lại bị vướng, còn tại các địa phương khác thì không?! Các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp (xen kẹt đất nhà nước quản lý) như nhau, nhưng có một số dự án được phê duyệt đầu tư xây dựng, trong khi nhiều dự án khác lại chưa được phê duyệt, chưa đảm bảo tính công bằng.
Tình trạng trên bắt nguồn từ các nguyên nhân sau đây: (i) Hệ thống pháp luật (công tác lập pháp, lập quy), chưa thật đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ; (ii) Phương thức xây dựng các Luật phổ biến theo kiểu "Luật khung; Luật ống", dẫn đến khó đấu tranh với các lợi ích cục bộ của Bộ, ngành đề xuất luật; (iii) Khâu yếu nhất vẫn là công tác thực thi pháp luật, trong đó có việc quy định về các điều kiện, cơ chế của một số văn bản dưới luật; (iv) Quy trình, thủ tục hành chính nhìn chung vẫn còn rườm rà, bất cập; (v) Trách nhiệm và năng lực thi hành công vụ của một số cán bộ, công chức, viên chức nhà nước còn hạn chế; tệ nạn nhũng nhiễu chưa được khắc phục.
Do vậy, HoREA cho rằng, cần xử lý khó khăn từ gốc, trước hết là đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, đi đôi với trách nhiệm giải trình, trách nhiệm đối thoại của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền với người dân và cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản.
Cụ thể, đối với các dự án nhà ở sử dụng quỹ đất công thuộc diện rà soát do cơ sở pháp lý để đề xuất ra quyết định chưa chính xác, Hiệp hội đề nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sớm có kết luận đối với các dự án thuộc diện rà soát, thanh tra, để các chủ đầu tư chấp hành, thực hiện các nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước (nếu có). Đồng thời, Hiệp hội đề nghị cho phép chủ đầu tư được tiếp tục triển khai thực hiện dự án, giúp bổ sung nguồn cung cho thị trường bất động sản, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp nhân dân.
HoREA kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và các địa phương đẩy mạnh rà soát toàn diện và triệt để nhằm cải cách thủ tục hành chính thực chất, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, đảm bảo tính phục vụ và trách nhiệm giải trình.
Bên cạnh đó, Hiệp hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm giải quyết, để ổn định trạng thái tâm lý sợ trách nhiệm, đùn đẩy, không dám đề xuất giải quyết hồ sơ, yêu cầu của doanh nghiệp của một số cán bộ công chức thuộc lĩnh vực đất đai, xây dựng, bất động sản, do có xuất hiện yếu tố “rủi ro” trong thi hành công vụ.