Hạt tiêu tìm đường trở lại nhóm nông sản tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
Kim ngạch xuất khẩu tăng cao trong nửa đầu 2024 tạo đà để hạt tiêu trở lại nhóm hàng nông sản tỷ USD của Việt Nam.
Hạt tiêu tìm đường trở lại nhóm nông sản tỷ USD

Sau thời gian dài ra khỏi danh sách mặt hàng nông sản tỷ USD, hạt tiêu đang dần ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng trong kim ngạch xuất khẩu.

Số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho thấy tính đến ngày 15/7/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu đạt 690,7 triệu USD và nhập khẩu đạt 74,1 triệu USD (chủ yếu là nguyên liệu). Với kết quả này, toàn ngành xuất siêu 616,6 triệu USD.

Còn nếu tính đến hết tháng 6/2024, Việt Nam đã xuất khẩu được 142.586 tấn hồ tiêu các loại, giảm 6,8% về lượng nhưng lại tăng 30,5% về kim ngạch. Trong đó, lượng tiêu đen xuất khẩu đạt 125.959 tấn, tiêu trắng đạt 16.627 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 634,2 triệu USD, tiêu đen đạt 539,9 triệu USD, tiêu trắng đạt 94,3 triệu USD.

Trong 6 tháng đầu năm, giá bình quân hạt tiêu đen xuất khẩu đạt 4.365 USD/tấn, tiêu trắng đạt 5.983 USD/tấn, tăng lần lượt 922 USD/tấn đối với tiêu đen và 1.028 USD/tấn đối với tiêu trắng so với 6 tháng năm 2023.

Ở thị trường trong nước, những ngày gần đây, giá hạt tiêu dao động xung quanh mốc 150.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với năm 2023.

VPSA nhận định, quy luật về giá hồ tiêu năm nay không giống như thường thấy các năm trước. Nguyên nhân là thời điểm này đang khan nguồn cung vì Việt Nam (quốc gia cung ứng đến 50% lượng tiêu toàn cầu) đã kết thúc vụ từ tháng 3, còn Brazil chưa tới vụ, Indonesia và Malaysia chính vụ vào khoảng tháng 7.

Với đà tăng trưởng cao trong 6 tháng đầu năm, cộng với giá xuất khẩu đang tiếp tục ở mức cao do cung thấp hơn cầu, nhiều khả năng xuất khẩu hạt tiêu Việt Nam trong cả năm nay sẽ đạt trên 1 tỷ USD, qua đó đưa ngành hàng hồ tiêu trở lại nhóm ngành hàng tỷ đô kể từ năm 2017.

Các chuyên gia cũng đánh giá, về dài hạn, giá hạt tiêu Việt Nam tiếp tục tăng cao, do sự giới hạn về nguồn cung.

Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) nói rằng mỗi chu kỳ tăng giá thường kéo dài trong khoảng 10 năm, nên không chỉ năm nay, giá hạt tiêu sẽ còn tiếp tục ở mức cao trong nhiều năm tới. Tuy vậy, người nông dân sẽ không mở rộng diện tích tiêu ồ ạt, bởi họ đã “thấm bài học từ quá khứ”.

Gần 10 năm trước, giá hạt tiêu tăng cao kỷ lục, tới trên 200.000 đồng/kg, đã khiến cho nông dân ở nhiều tỉnh tăng diện tích trồng tiêu, kể cả ở những nơi không phù hợp với loại cây này. Hậu quả là do diện tích, sản lượng tăng mạnh, cung vượt cầu, dẫn tới giá tiêu liên tục giảm, có thời điểm xuống dưới giá thành, khiến cho nhiều nông dân thua lỗ nặng nề, thu hẹp đáng kể diện tích hoặc chuyển sang cây trồng khác, đi làm việc khác.

Trong khi đó, ông Lê Đức Huy Tổng Giám đốc Simexco Daklak, nói rằng hiện rất khó xác định mức giá nào người dân có thể quay trở lại với cây tiêu vì còn phụ thuộc vào giá của các cây đối thủ khác như sầu riêng, chanh leo, cà phê…

Ngay cả khi giá tiêu đạt 100.000 đồng/kg thì vẫn chưa đủ hấp dẫn người dân trồng trở lại, nếu so sánh với lợi nhuận thì từ các loại cây khác, đặc biệt là sầu riêng. Cây tiêu cũng là cây khó canh tác hơn, vì đặc tính thân leo, cực kỳ dễ bị tổn thương.

“Ngoài ra, người dân vừa trải qua cuộc khủng hoảng giá tiêu kéo dài nhiều năm, có lúc giá xuống hơn 30.000 đồng/kg nên họ không có đủ tự tin để trồng lại vào thời điểm này. Do đó, tồn kho trong 3 - 5 năm tới sẽ tiếp tục giảm. Trong dài hạn giá tiêu khó lòng giảm hơn nữa”, ông Huy khẳng định.

Nhung Bùi
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục