Mất hút trên thị trường bán lẻ
Mang tên là “công ty thương mại”, nhưng điểm tên đại gia phân phối, bán lẻ các mặt hàng “hot” hiện nay trong lĩnh vực điện máy, may mặc, thời trang…, không có tên Hapro - Tổng công ty Thương mại Hà Nội.
Vốn là Haprosimex Saigon - doanh nghiệp xuất phát từ TP.HCM, Hapro tưởng như không có đối thủ sau khi kế thừa hệ thống cửa hàng mậu dịch trước đây để chiếm lĩnh thị trường phân phối, bán lẻ, nhất là tại Thủ đô Hà Nội. Nhưng, đến giờ, khắp Hà Nội toàn là những Big C, Metro, CoopMart, LotteMart, Nguyễn Kim, Thegioididong, FPT Shop, Vinatex… và mới đây là sự bành trướng với tốc độ chóng mặt của Vingroup.
Vậy Hapro đang ở đâu?
Theo báo cáo của Hapro, hoạt động trong mảng thương mại nội địa là tương đối khó khăn, do “phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của thị trường”, nên Tổng công ty và các đơn vị tiếp tục tập trung vào công tác tái cơ cấu, đổi mới phương thức quản lý và hoạt động kinh doanh” và “mở rộng các hoạt động kinh doanh thương mại và cung cấp dịch vụ tại các khu vực, thị trường như: Bắc Giang, Đà Nẵng, Phú Quốc”.
Điều này có thể hiểu là, Hapro đang phát triển theo 2 xu hướng. Một là, “bỏ phố lên rừng”. Hai là, dần bỏ mặt trận thương mại nội địa, vì tỷ trọng xuất nhập khẩu chiếm tới mức 66% trong cơ cấu doanh thu của Tổng công ty (148,8 triệu USD trong tổng doanh thu 4.783 tỷ đồng của 9 tháng đầu năm 2015).
Song song, trong các báo cáo hoạt động của mình, Hapro đang thể hiện xu hướng đầu tư mạnh mẽ cho mảng… phi thương mại. Theo báo cáo, trong 9 tháng đầu năm 2015, Hapro tiếp tục thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư một số dự án như: Dự án Điểm đỗ xe, Trung tâm phân phối và mua sắm tại Hải Bối; Dự án Dương Xá; Dự án Chợ Đầu mối Phía Nam, Dự án Siêu thị Cầu Bươu; triển khai Dự án Hệ thống xử lý nước thải tại khu công nghiệp...; đồng thời rà soát lại một số các dự án dở dang để xây dựng phương án xử lý, điều chỉnh công năng, đảm bảo hiệu quả của dự án sau này.
Mặc dù, theo phân tích của Công ty Nghiên cứu thị trường Statista (Đức), thị trường bán lẻ Việt Nam có thể đạt dung lượng trên 80 tỷ USD trong năm 2014 và 100 tỷ USD vào năm 2016, nhưng với những gì Hapro đang làm, có thể thấy, việc buông mảng thương mại nội địa và chuyển dần sang xuất khẩu đang là định hướng chính trong hoạt động của Hapro.
Trong một trao đổi gần đây, ông Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch HĐTV Hapro cũng lý giải, dù địa điểm của Hapro có nhiều, nhưng với những vị trí rải rác, diện tích đã nhỏ (chỉ vài chục m2) lại xen kẹt với nhà dân nên không thể cơi nới, mở rộng, thậm chí kể cả cải tạo để trở thành các cửa hàng đủ tiêu chuẩn cho hoạt động thương mại hiện đại rất khó khăn. Với những vị trí như vậy, ngay cả khi Hapro có cố gắng đầu tư xây dựng thành các cửa hàng tiện ích, thì dù chưa nói đến hiệu quả kinh doanh, chỉ riêng việc bố trí nhân sự quản lý dàn trải cũng đã là một việc khó lớn.
Lấp ló trên thị trường xuất khẩu
Như trên đã nói, với những phân tích về thị trường, tiềm lực của doanh nghiệp, xu hướng vận động và áp lực cạnh trên thị trường, việc định hướng đẩy mạnh xuất khẩu và cách thức tiến hành của Hapro có vẻ như là một lựa chọn không tồi.
Đầu tiên là những lựa chọn mặt hàng xuất khẩu của Hapro.
Nhìn vào danh sách hàng xuất khẩu có thể thấy, hoạt động này của Hapro cũng như hàng trăm, hàng ngàn doanh nghiệp khác đang vùng vẫy trong những “vũng hẹp” của hàng Việt Nam xuất khẩu. Bởi, chỉ với gạo, điều, tiêu và hàng thủ công mỹ nghệ, chắc chắn, Hapro không có cách gì mà tạo nên được cho mình bất cứ cú “đột phá” nào về lợi nhuận, hay về thị phần.
Tuy vậy, nếu nói về sự chắc chắn trong kinh doanh xuất khẩu, việc chọn lựa những mặt hàng thông dụng, dù không sinh lời cao, nhưng chắc chắn không thể thất bát nếu như mạo hiểm lựa chọn những món hàng độc. Có lẽ, lý do của việc lựa chọn các mặt hàng thông dụng để xuất khẩu, Hapro chỉ xác định mục tiêu bảo toàn vốn và tăng trưởng doanh thu, thay vì chấp nhận rủi ro trong kinh doanh, đặc biệt đối với doanh nghiệp đang trong vị thế “doanh nghiệp nhà nước”!
Tuy nhiên, Hapro cũng không “lành” tới mức chỉ hòa mình với các doanh nghiệp xuất khẩu khác trên cả nước, khi đang tự mình xây dựng hệ thống thương hiệu cho hàng xuất đi từ Hapro. Theo ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó tổng giám đốc thường trực Hapro, từ khá lâu nay, Tổng công ty đã tham gia Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam (Vietnam Value) và đã đạt được những thành tựu đáng kể trong lĩnh vực này bằng việc xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu Hapro hay Sổ tay thương hiệu Hapro để “triển khai một cách nhất quán phần hình ảnh nhận diện”.
Theo những thông điệp được Hapro phát đi, hệ thống nhận diện thương hiệu của Hapro được thể hiện rõ nét, đó là phần “ngoại diện” thông qua các yếu tố cơ bản như logo, màu sắc nhận diện, các ứng dụng trong lĩnh vực văn phòng, hệ thống bảng biển cửa hàng, biển tên công ty đã tạo được hình ảnh nhất quán xuyên suốt trong toàn hệ thống. Cùng với xây dựng, việc củng cố thương hiệu được thực hiện qua việc kiểm tra nghiêm ngặt và từng sản phẩm dịch vụ kiểm tra để xác định xuất xứ rõ ràng của các sản phẩm mang thương hiệu. Để thực hiện các công việc có tính chất chiến lược đó, Hapro đã tập trung thực hiện phương án đầu tư cơ sở sản xuất và showroom hàng thủ công mỹ nghệ, đầu tư tổng kho gạo và cơ sở xay xát gạo (tại Đồng Tháp), Nhà máy Chế biến điều của Công ty cổ phần XNK Điều Việt Hà, thành lập Công ty cổ phần Sản xuất hàng gia dụng Haprosimex Sài Gòn...
Ngoài những công việc trên, thay vì tập trung “tranh nhau trên những sân chơi quen thuộc”, mấy năm gần đây, Hapro cũng đã tạo được hướng đi riêng cho hàng xuất khẩu của mình bằng việc tiến hành khai phá thị trường mới tại khu vực Trung và Nam châu Phi. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, hình như những nỗ lực, dù nhiều, nhưng vẫn chưa tạo cho Hapro một nội lực cần thiết để bứt phá.
Theo ông Nguyễn Hữu Thắng, mấu chốt của sự hạn chế đó chính là tiềm lực vốn và công nghệ quản trị “chưa thực sự đáp ứng yêu cầu”. “Từ những bước tiến trong sản xuất, kinh doanh tại các công ty thành viên của Tổng công ty đã hoàn thành cổ phần hóa, nút thắt quan trọng nhất để Hapro có thể bứt phá phải là việc chuyển đổi mô hình hoạt động”, ông Thắng nhấn mạnh.
IPO có vẻ như đang là đích ngắm mà Hapro nhắm tới.
IPO sẽ là phao cứu sinh
Mặc dù theo kế hoạch thì phải hơn 1 năm nữa, Hapro mới bắt đầu tiến hành bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và mặc dù không nói quá nhiều về “những kỳ vọng IPO”, nhưng ông Thắng cũng đã không hề ngần ngại khi cho rằng, nếu doanh nghiệp tiếp tục được cổ đông nhà nước nắm giữ trên 51%, sẽ “không thể tạo nên bất kỳ sự đột phá nào”.
Vậy, Hapro có gì để trình diễn tại cuộc chơi IPO nhiều thách thức?
Trước tiên, dù bất kỳ là ai, các nhà đầu tư quan tâm đều có thể nhận thấy hành trang của Hapro. Đó là hệ thống hạ tầng thương mại nội địa với 2 trung tâm mua sắm Hapro Shopping Centre (1 tại 49, Đường Ngọc Lâm, Phường Ngọc Lâm, Quận Long Biên, Hà Nội và cửa hàng còn lại là HaproFood tại 144, Đường Thụy Khuê, Quận Tây Hồ, Hà Nội). Ngoài ra, Hapro còn có 40 siêu thị, cửa hàng tiện ích Hapromart, 44 cửa hàng, điểm kinh doanh thực phẩm an toàn Haprofood… tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phía Bắc.
Cùng với hệ thống cửa hàng (đi kèm các khu đất mặt tiền tại các khu phố trung tâm Hà Nội, mà có lẽ chỉ cần nhắc tên đã đủ… thấy tiềm năng như Tràng Thi, Ngô Thì Nhậm, Lê Thái Tổ, Hàng Trống, Phạm Ngọc Thạch, Hàng Đậu, Thuốc Bắc…), Hapro còn có những thương hiệu khá danh tiếng như Kem Thủy tạ, Vang Thăng Long, gốm Chu Đậu (với quyền sở hữu Chợ gốm Bát Tràng), Nhà máy sản xuất Xúc xích Việt Đức, Khu Công nghiệp thực phẩm Hà Nội, với diện tích 64 ha và chỉ cách trung tâm TP. Hà Nội 20 km.
Ngoài ra, nếu chưa đủ hấp dẫn, nhà đầu tư còn có thể tham khảo thêm “dãy dài” danh mục sở hữu của Hapro với Dự án Điểm đỗ xe, Trung tâm phân phối và mua sắm tại Hải Bối; Dự án Dương Xá; Dự án Chợ Đầu mối Phía Nam, Dự án Siêu thị Cầu Bươu...
Cùng với tiềm năng lớn như vậy, như trên đã trình bày, trong nhiều năm qua, Hapro đã tiến hành cổ phần hóa 4 doanh nghiệp thành viên và đang tiến hành thoái vốn tại 5 công ty cổ phần.
Trong thay đổi mô hình hoạt động, việc đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn ngoài tác dụng làm cấu trúc của Hapro “nhẹ nhõm” hơn, thì việc Tổng công ty tập trung vào các nhiệm cụ cốt lõi cũng sẽ khiến doanh nghiệp này có thêm năng lực cạnh tranh.
Vậy, ai sẽ là người được Hapro lựa chọn và ai sẽ làm cổ đông chiến lược xứng đáng khi Hapro IPO?
Dù chưa tiết lộ nhiều, nhưng ông Thắng cũng đã phần nào cho biết, đối tác phải là đơn vị có tiềm lực tài chính, có năng lực trùng hợp với ngành nghề cốt lõi của Hapro và đặc biệt phải mang tới “một công nghệ quản trị xứng tầm”.
Có rất nhiều tiêu chí để xác định tầm cỡ của một doanh nghiệp, tuy nhiên, những yếu tố thường hay được nhắc tới để đánh giá về một doanh nghiệp là mạnh hay yếu; nổi tiếng hay tầm thường… có thể sẽ hoàn toàn không còn ý nghĩa khi nó trở thành “con mồi bị xẻ thịt” trong cuộc chiến IPO.
Ngược lại, nếu tận dụng được những lợi thế sẵn có để trở thành thợ săn, biết đâu, chỉ trong vài năm tới, thương hiệu Hapro không kém cạnh gì những Big C, Metro Cash&Carry… tại thị trường Việt Nam.