Theo đơn khởi kiện, quá trình hoạt động kinh doanh, chi nhánh của Hapro đã ký hợp đồng mua bán thép với Công ty Kim khí vật tư Thăng Long. Sau khi hợp đồng được ký, hai bên tiến hành giao, nhận hàng hóa đúng số lựơng, chất lượng và Hapro đã xuất hóa đơn GTGT nhưng đến thời điểm hiện tại, Công ty Kim khí Thăng Long chưa thanh toán công nợ dứt điểm với Hapro.
Cụ thể, Hapro đã ký 2 hợp đồng với Công ty Kim khí Thăng Long, gồm Hợp đồng 59, ngày 21/6/2011, nội dụng mua bán thép cuộn xuất xứ Đài Loan trị giá 4,5 tỷ đồng. Sau khi ký hợp đồng, Công ty Kim khí Thăng Long đã đặt cọc 400 triệu đồng, trong 25 ngày kể từ ngày mở tờ khai hải quan, Công ty Kim khí Thăng Long sẽ thanh toán một phần tiền hàng, phần còn lại trong vòng 90 ngày kể từ ngày nhận được chứng từ ngân hàng, Công ty Kim khí Thăng Long sẽ thanh toán nốt. Trường hợp quá 90 ngày, Công ty Kim khí Thăng Long chưa thanh toán hết sẽ phải chịu lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất quy định trên hợp đồng. Hai là Hợp đồng số 75, ngày 8/7/2011, mua bán thép có trị giá 4,1 tỷ đồng, điều kiện thanh toán tương tự.
Theo biên bản đối chiếu công nợ giữa hai bên, tổng số nợ mà Công ty Kim khí Thăng Long còn nợ Hapro là 6,6 tỷ đồng và cam kết thanh toán hết trước ngày 30/11/2011. Đến nay, Công ty Kim khí Thăng Long chưa thanh toán được số tiền nói trên. Cho rằng việc chậm thanh toán của Công ty Kim khí Thăng Long là vi phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của Hapro, do đó, Hapro khởi kiện đề nghị Tòa án giải quyết, buộc Công ty Kim khí Thăng Long thanh toán nợ gốc và lãi tính đến ngày 4/4/2015 là 17,9 tỷ đồng.
Đại diện bị đơn là ông Nguyễn Xuân Bích trình bày, sau khi ông Nguyễn Xuân Khải, Giám đốc Công ty Kim khí Thăng Long mất đột ngột vào tháng 9/2011, HĐQT Công ty đã họp bầu ông Bích, Phó giám đốc, tạm thời là người đại diện theo pháp luật trong thời gian chờ phân chia di sản thừa kế, và sẽ làm thủ tục đăng ký kinh doanh lại.
Trong thời gian các đồng thừa kế của ông Khải thực hiện chia thừa kế, có một người bị tai biến mất trí nhớ nên việc chia thừa kế chưa thể thực hiện.
Ông Bích thừa nhận nội dung Hợp đồng số 59, 75 và các vấn đề đối trừ công nợ giữa hai bên. Nhưng hiện Công ty Kim khí Thăng Long không còn hoạt động và mất khả năng thanh toán, nên đề nghị HĐXX xem xét bảo vệ quyền và lợi ích của Công ty.
Tại phiên tòa, phía Hapro giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, nhưng xem xét rút bớt khoản lãi phạt chậm thanh toán. Tổng nợ gốc và lãi, Hapro yêu cầu Công ty Kim khí Thăng Long thanh toán là hơn 10 tỷ đồng.
Phía bị đơn đề nghị Tòa xem xét yêu cầu khởi kiện bởi Giám đốc Công ty đã mất, đề nghị xem xét việc người thừa kế của ông Khải phải có trách nhiệm với Công ty.
Theo luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Hapro, vụ kiện không có tranh chấp nội dung và hình thức hợp đồng chỉ tranh chấp về thanh toán. Ông Khải đã mất, nay ông Bích là người đại điện theo pháp luật, đề nghị Tòa án giải quyết đảm bảo quyền lợi của Hapro.
Sau khi xem xét các chứng cứ, lời khai có trong hồ sơ vụ án và thẩm định tại phiên tòa, HĐXX cho rằng, có căn cứ chấp nhận số nợ gốc và lãi hơn 10 tỷ đồng. Về Công ty Kim khí Thăng Long, có 3 cổ đông là ông Bích, ông Khải và ông Thành. Theo công văn của Phòng Đăng ký kinh doanh số 1, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội xác nhận, đến nay, Công ty Kim khí Thăng Long chưa làm thủ tục giải thể, tạm ngừng hoạt động, sáp nhập hay chia tách DN. Cơ quan thuế cũng xác nhận, Công ty Kim khí Thăng Long không còn hoạt động, tuy nhiên cổ đông hiện tại còn ông Bích, ông Thành góp vốn, thừa kế quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của Công ty sau khi ông Khải mất. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, cổ đông không có quyền rút vốn khỏi Công ty.
Về vấn đề thừa kế, HĐXX cho rằng, đây là vụ kiện tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa, không phải là quan hệ thừa kế. Hai quan hệ này là khác nhau. Đến nay, chưa có căn cứ nào xác định chính xác thừa kế của ông Khải gồm những ai, di sản có những gì.
Tòa án đã tuyên buộc Công ty Kim khí Thăng Long phải hoàn trả cho Hapro hơn 10 tỷ đồng.