Hành trình vạn dặm từ một bước đi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) “Một năm hoạt động không phải là khoảng thời gian dài nhưng đủ để Hiệp hội Blockchain Việt Nam khẳng định vị thế là một tổ chức kết nối chia sẻ các giá trị qua chuỗi sự kiện cộng đồng và các hợp tác trong nước và quốc tế, bên cạnh việc thúc đẩy thiết lập tiêu chuẩn và bảo mật dữ liệu”. Đó là chia sẻ của GS. TSKH Hoàng Văn Huây, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain (VBA).
Hành trình vạn dặm từ một bước đi

Nhìn lại chặng đường một năm qua của VBA, ông có chia sẻ gì?

Ngày 17/05/2023 vừa qua đánh dấu kỷ niệm một năm thành lập VBA. Tại chương trình này, Hiệp hội đã công bố các hành động trên chặng đường kế thừa và phát huy thành tựu của một năm qua. Đặc biệt, công bố chương trình về cổng ghi nhận các dự án đang hoạt động, chương trình định hướng phát triển và kết nối nối đầu tư. Tôi xin được đại diện cho Ban chấp hành và toàn bộ thành viên chuyên trách chân thành gửi lời tri ân sâu sắc đến toàn thể cơ quan ban ngành và doanh nghiệp đã sát cánh cùng VBA trong một năm qua và mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, đồng hành mang tính chiến lược hơn nữa trong thời gian tới đây.

Sau một năm hoạt động, VBA từng bước khẳng định vị thế là cầu nối trung gian giữa doanh nghiệp số trong nước cùng quốc tế và các cơ quan ban ngành Việt Nam trên hành trình lan tỏa tiềm năng, ứng dụng Blockchain vào các ngành kinh tế - xã hội Việt Nam. Đến nay, VBA đã có 50.000 thành viên trong cộng đồng, hơn 80 đối tác, hơn 50 ký kết hợp tác, hơn 100 sự kiện tham gia với tư cách tổ chức, đồng hành, hỗ trợ truyền thông…

Hành trình năm đầu tiên của Hiệp hội vẫn nằm trong 6 mục tiêu đặt ra ban đầu: Phát triển hội viên, Xây dựng tiêu chuẩn, Hợp tác thúc đẩy ứng dụng, Phổ cập kiến thức, Tham vấn chính sách và Hợp tác quốc tế; từ đó Hiệp hội đã triển khai các hoạt động thiết thực, tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào xây dựng chính sách pháp lý, đối thoại với cơ quan quản lý, nhằm gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp ứng dụng Blockchain. Đặc biệt, Hiệp hội đã ghi nhận được nhiều sự đồng hành cùng quyết tâm thúc đẩy để chứng minh các tiềm lực khi ứng dụng công nghệ Blockchain vào các ngành nghề khác nhau.

Để gặt hái được những thành tựu ban đầu ấy, một phần không nhỏ là nhờ vào sự hỗ trợ của các thành viên, cộng đồng và đối tác của Hiệp hội - những người đã làm việc không ngừng nghỉ và tích cực tham gia vào cuộc đối thoại giữa bộ ban ngành, Hiệp hội thông qua các sự kiện nhằm đẩy nhanh quá trình phổ cập kiến thức và tạo dựng khung pháp lý cho công nghệ Blockchain tại Việt Nam.

Một năm qua, không thể không nhắc đến nỗ lực hình thành nền tảng pháp lý cho Blockchain tại Việt Nam…

Đúng vậy, VBA đã miệt mài làm việc với các cơ quan quản lý, các lãnh đạo cấp cao để đóng góp ý kiến xây dựng hành lang pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ Blockchain tại Việt Nam. Một số sự kiện nổi bật là Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về phát triển công nghệ chuỗi khối và khuyến nghị cho Việt Nam” do Hiệp hội phối hợp cùng Ủy ban Đối ngoại Quốc hội tổ chức, Hội thảo “Tiềm năng ứng dụng công nghệ Blockchain trong lĩnh vực quân sự - quốc phòng” do Bộ Tư lệnh 86 chủ trì. Cùng với đó là các hội thảo, tọa đàm chuyên môn của Viện Nghiên cứu Lập pháp, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM… và những buổi làm việc bên cạnh Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay đại diện của Ủy ban Kinh tế Quốc hội…

Những sự kiện này là cơ sở để cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu và các hiệp hội nghề nghiệp tại Việt Nam có thể thảo luận công khai về Blockchain, giải tỏa những vướng mắc và hiểu lầm giữa doanh nghiệp số và cơ quan quản lý, từ đó vạch ra chiến lược phát triển hiệu quả trong tương lai.

Và yêu cầu bức thiết, có lẽ là đẩy mạnh thiết lập tiêu chuẩn và bảo mật dữ liệu, thưa ông?

VBA đã phối hợp với một số đơn vị để phát triển Cổng báo cáo dự án Blockchain có dấu hiệu lừa đảo. Cổng báo cáo của VBA là kênh tiếp nhận thông tin về các dự án Blockchain trong nước và quốc tế, thuộc Đề án “Thử nghiệm giám sát tài sản số trên không gian mạng Blockchain”. Đây là nơi để cộng đồng kiểm tra tính minh bạch của một dự án và nhận thông tin dữ liệu on-chain của dự án đó. Từ lúc triển khai, Cổng báo cáo dự án có dấu hiệu lừa đảo của Hiệp hội đã tiếp nhận nhiều ý kiến đóng góp từ phía cộng đồng và được kỳ vọng sẽ trở thành “điểm tựa niềm tin” đối với cộng đồng Blockchain Việt Nam trong bối cảnh thị trường này vẫn còn nhiều phức tạp.

Thời gian gần đây, các dự án ứng dụng Blockchain ngày càng tăng tỷ lệ thuận với số lượng những vụ gian lận tiền mã hóa gây sự hoang mang cho các nhà đầu tư. Do đó, VBA đã công bố dự thảo Bộ tiêu chuẩn đánh giá xếp hạng dự án ứng dụng Blockchain. Bộ tiêu chuẩn đánh giá do nhóm thành viên thuộc Ủy ban Đầu tư và Ứng dụng Blockchain của Hiệp hội Blockchain Việt Nam soạn thảo, nhằm mục đích xây dựng một bộ lọc hiệu quả phục vụ quá trình đánh giá một dự án ứng dụng công nghệ Blockchain. Dựa trên nhu cầu về sự minh bạch, cạnh tranh lành mạnh của thị trường, Ủy ban Đầu tư và Ứng dụng Blockchain đã tiến đến đề xuất một hệ thống xếp hạng dựa trên điểm được xây dựng dựa trên tập hợp các tiêu chí nhằm đánh giá từng yếu tố của bài kiểm tra pháp lý đối với các dự án Blockchain.

Phổ cập giáo dục là quá trình tổ chức hoạt động giáo dục để mọi công dân trong độ tuổi đều được học tập và đạt đến trình độ học vấn nhất định … Ông có cho rằng, công nghệ Blockchain dẫu sao cũng là điều mới tại Việt Nam và đòi hỏi việc giáo dục, phổ cập kiến thức này?

Chuyển đổi số quốc gia bao gồm ba trụ cột là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, nhưng để hoàn thiện các trụ cột đó thì tất yếu phải có công dân số - nguồn lực có kỹ năng công nghệ thông tin, góp phần kiến tạo và làm giàu cho nền kinh tế. Năm 2022 - 2023 là thời gian Hiệp hội tiếp tục mục tiêu thúc đẩy phổ cập kiến thức về công nghệ Blockchain, đặc biệt hướng tới đối tượng thuộc tầng lớp trí thức trẻ. Để thực hiện mục tiêu này, Hiệp hội đã kết nối với các trường đại học như Bách khoa Hà Nội, Ngân hàng TP.HCM, Ngoại thương Hà Nội, Đại học Đà Lạt… để tham gia trong việc hợp tác mở phòng thí nghiệm, các câu lạc bộ Blockchain cho sinh viên, đưa các khóa học về Blockchain cho các sinh viên theo ngành tài chính - ngân hàng của các trường đại học.

Đáng chú ý là tủ sách Blockchain đánh dấu sự phối hợp giữa Hiệp hội Blockchain Việt Nam với AlphaBooks, gồm các tựa sách do chuyên gia trong ngành tuyển chọn và hiệu đính, nhằm mục đích thúc đẩy phổ cập kiến thức về blockchain. Tựa sách đầu tiên là “Metaverse: Vũ trụ ảo và Cuộc cách mạng hóa vạn vật” đã được xuất bản.

Được biết, trong năm qua, các hoạt động kết nối được VBA tăng cường mạnh mẽ. Chắc hẳn đây không chỉ là thực hiện tôn chỉ trong 6 mục tiêu VBA đề ra, thưa ông?

Tăng cường các hoạt động kết nối luôn là tôn chỉ trong 6 mục tiêu mà VBA đề ra kể từ lúc thành lập, vì đặc tính của công nghệ Blockchain là xuyên biên giới (cross-border). Theo đó, Hiệp hội đã ký kết hợp tác với Công ty bảo mật CertiK, Công ty Phân tích dữ liệu Chainalysis, Hiệp hội Nội dung NFT KONCA, Đài Truyền hình NBN TV, Hiệp hội MARVELS… Bên cạnh đó, VBA đã đón tiếp nhiều đoàn làm việc quốc tế để thảo luận về những kế hoạch hợp tác trong tương lai.

Song song với những cuộc gặp gỡ, VBA chủ động tổ chức giao lưu kết nối với các nước láng giềng như Thái Lan và Singapore nhằm kích hoạt chuỗi sự kiện The Connect. Đây là chuỗi hội thảo kết nối đầu tư, chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài do chính Hiệp hội Blockchain Việt Nam khởi xướng với điểm dừng là các quốc gia trên thế giới.

Nhưng trên tất cả, các cuộc gặp gỡ này mang mục đích hợp tác đầu tư công nghệ, khi đó VBA sẽ là trung gian giữa Chính phủ, doanh nghiệp Việt Nam và các tổ chức này, nhằm mục đích chuẩn hóa dữ liệu thị trường, giúp các nhà đầu tư nước ngoài có cái nhìn tổng quan hơn về tiềm năng và cơ hội của Blockchain tại Việt Nam. Trong tương lai, VBA kỳ vọng tiếp tục thúc đẩy các tiêu chuẩn cộng đồng để từng bước thay đổi cách tiếp cận công nghệ, mang lại nhiều giá trị hơn cho doanh nghiệp và cá nhân quan tâm đến blockchain.

Đỗ Quyên thực hiện
Theo Đặc san Toàn cảnh thị trường ngân hàng 2023

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục