Trong giai đoạn trước ngày bầu cử Mỹ, các tin tức sai sự thật thu hút nhiều lượt chia sẻ, bình luận trên mạng xã hội như Facebook, Google, Twitter... còn hơn cả các bài báo từ những hãng tin chính thống. Trong khi Mark Zuckerberg, CEO Facebook, cho rằng thông tin giả mạo không làm thay đổi kết quả bầu cử, nhiều chuyên gia phân tích lại tin những nội dung như thế có thể chi phối và tác động không nhỏ đến quyết định của cử tri Mỹ.
Báo New York Times đã tìm hiểu một trường hợp loan tin thất thiệt để xem thông tin này đã lan truyền như thế nào.
Thông tin duy diễn về những người biểu tình của Tucker gây bão trên mạng xã hội.
Trong khi nhiều tin giả mạo được các tài khoản mạng xã hội cố tình tạo ra để tăng lượt người theo dõi nhằm nhận được nhiều tiền hơn từ quảng cáo, thì cũng có không ít thông tin lan truyền từ sự thiếu hiểu biết, không kiểm chứng.
Tucker thấy dãy xe buýt ở Austin vào sáng sớm 9/11 (ngày bầu cử Mỹ) và chụp lại vì trông chúng "khác thường". Trước đó, anh đọc thông tin về biểu tình phản đối Donald Trump đang dâng cao. Anh này tin hai việc có liên quan đến nhau, nên đã đăng ảnh lên Twitter cùng lời chú thích rằng cuộc biểu tình được sắp đặt và những người tham gia đi đến bằng xe buýt.
Thực tế, số xe buýt này được công ty Tableau Software thuê để tổ chức một sự kiện với hơn 13.000 người tham gia. "Tôi rất bận nên không có thời gian kiểm chứng mọi thứ tôi chia sẻ", Tucker nói.
Reddit và nhiều trang khác đã chia sẻ lại hình ảnh do Tucker chụp.
Vài giờ sau, thông điệp của Tucker được đăng lại trên diễn đàn Reddit với thông điệp: "Tin nóng: Người ta nhìn thấy những chiếc xe buýt. Cách đó vài dãy nhà ở Austin, hàng trăm người đang biểu tình" và lập tức thu hút 300 bình luận. Sang ngày 10/11, nội dung này tiếp tục nhận được hàng trăm nghìn lượt share trên Facebook và Twitter.
Một phóng viên đài Fox đã tìm hiểu và cho biết "không có bằng chứng nào cho thấy những chiếc xe bus liên quan đến nhóm người biểu tình". Nhưng lời khẳng định đó chìm nghìm trong cơn hỗn loạn thông tin. Ngay đêm 9/11, Tucker xóa nội dung cũ và thay bằng hình ảnh được dán mác "sai sự thật" nhưng chẳng mấy ai quan tâm. Sau một tuần, thông điệp chỉ nhận đc 29 lượt chia sẻ và 27 lượt like.
Tucker đăng ảnh thừa nhận anh đưa tin sai nhưng không ai quan tâm.
Theo thống kê của trang BuzzFeed, trong giai đoạn quan trọng nhất của cuộc bầu cử Mỹ, 20 câu chuyện liên quan tới các ứng viên từ những trang web và blog mạo danh đã đạt được tới 8,7 triệu lượt chia sẻ (share), phản ứng (reaction) và bình luận (comment) trên Facebook. Trong khi đó, 20 bài viết về bầu cử nổi bật nhất trên 19 trang báo lớn chỉ đạt 7,3 triệu lượt tương tác. 17 trong số 20 bài viết giả mạo đó về bầu cử được chia sẻ nhiều nhất có nội dung "ủng hộ Donald Trump và chống lại Hillary Clinton".
Cuối tuần trước, Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo tin tức thất thiệt có đủ khả năng hủy hoại nền dân chủ và người dùng cần sáng suốt chọn lọc nội dung. "Chúng ta đang trong thời kỳ mà có quá nhiều thông tin bóp méo được dàn dựng một cách khéo léo", Obama nhận định.
Obama không trực tiếp đề cập đến Facebook, nhưng với 1,79 tỷ thành viên, Facebook đang phải đối mặt với những câu hỏi về trách nhiệm trong việc phân loại thông tin trên mạng xã hội, nhất là trong cuộc bầu cử Mỹ.
Trước đó, Facebook nói rằng tin giả mạo "chỉ chiếm 1% trên Facebook" nên nói chúng chi phối kết quả bầu cử là "điên rồ". Tuy nhiên, ngày 18/11, Zuckerberg thay đổi thái độ, giải thích Facebook đã tìm hiểu và cố gắng xử lý tin thất thiệt từ rất lâu rồi, nhưng vấn đề vốn phức tạp về mặt kỹ thuật. Mạng xã hội này cũng đã triển khai tính năng giúp người dùng chủ động tố cáo khi gặp thông tin giả mạo hay sử dụng công nghệ AI để lọc tin khách quan hơn.