Hành trình cắm rễ của các công ty chứng khoán Hàn Quốc

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Ngay khi hoàn tất việc sở hữu 100% vốn, các công ty chứng khoán vốn Hàn Quốc thường quyết liệt đánh chiếm thị phần môi giới bằng lãi suất margin cạnh tranh, miễn hoặc giảm phí giao dịch.

Hành trình cắm rễ của các công ty chứng khoán Hàn Quốc

Thu hút thị phần bằng sức mạnh tài chính

Tại thời điểm 30/9/2020, trong Top 10 công ty chứng khoán có dư nợ cho vay (gồm cho vay margin và ứng trước tiền bán), có đến 3 tên tuổi đến từ Hàn Quốc. Tổng dư nợ của 3 công ty này lên đến hơn 16.165 tỷ đồng, trong đó, dư nợ cho vay margin là 14.941 tỷ đồng, lớn hơn dư nợ của ba công ty chứng khoán dẫn đầu thị phần môi giới cổ phiếu là SSI, HSC và VPS cộng lại (13.905 tỷ đồng).

Dẫn đầu tiếp tục là Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, với dư nợ 9.669,7 tỷ đồng. KIS Việt Nam ở vị trí thứ 4 với dư nợ 3.854 tỷ đồng và KBSV với dư nợ 2.641 tỷ đồng.

Số lượng công ty chứng khoán trên thị trường hiện nay là 77 và công ty chứng khoán vốn ngoại ghi dấu ấn sâu đậm trong 2 năm trở lại đây. Làn sóng công ty chứng khoán Hàn Quốc đổ bộ vào Việt Nam những năm này cũng khá mạnh, thông qua việc tăng vốn, M&A, như Chứng khoán Mirae Asset (MASVN), Chứng khoán KIS, Chứng khoán KB, Pinetree, Shinhan…

Số công ty chứng khoán có vốn Hàn Quốc cũng chiếm tỷ trọng lớn áp đảo trong tổng số các công ty chứng khoán vốn ngoại. Từ năm 2019 đến nay, Top các công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất, dư nợ margin và cả thị phần môi giới lớn nhất đều có sự biến động, dẫn đầu sự xáo trộn vị thế cũng đến từ nhóm công ty này.

Mirae Asset lần đầu tiên lọt Top 10 thị phần vào quý II/2018, chính thức nằm trong Top 10 cả năm 2019 đến nay. KIS Việt Nam lọt vào Top 10 thị phần môi giới năm 2016, 2019, và nửa đầu năm 2020. Trong bảng xếp hạng quý III/2020, thị phần môi giới của KIS Việt Nam đứng thứ 8. Tương tự, KBSV cũng xuất hiện trong Top 10 thị phần.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Môi giới Hội sở Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho biết, với lợi thế nguồn vốn giá rẻ dồi dào, đa phần các công ty chứng khoán vốn ngoại trên thị trường đều đánh vào phân khúc nợ vay ở thị trường Việt Nam, mà chủ yếu là cho vay rút tiền cầm cố bằng cổ phần.

Ảnh tác giả

Với lợi thế nguồn vốn giá rẻ dồi dào, đa phần các công ty chứng khoán vốn ngoại trên thị trường đều đánh vào phân khúc nợ vay ở thị trường Việt Nam

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Môi giới Hội sở Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam

Dư nợ mặt bằng chung của nhóm tăng trung bình trên 20% so với đầu năm. Điểm nhấn gần đây của nhóm công ty ngoại này thuộc về KIS, khi dư nợ gia tăng đi kèm thị phần cho thấy công ty này có sự linh hoạt đáng kể.

Nhìn lại lịch sử có thể thấy, giai đoạn gia tăng dư nợ margin đều diễn ra ngay sau quá trình tăng vốn mạnh mẽ của khối công ty chứng khoán vốn Hàn Quốc và việc tăng vốn mạnh diễn ra chủ yếu trong giai đoạn 2016 - 2017, đặc biệt năm 2017 khi lãi suất cơ bản tại Hàn Quốc nằm ở mức đáy 1,25%/năm.

Sau nhiều năm bám rễ

Thực chất, những công ty chứng khoán vốn Hàn trỗi dậy mạnh mẽ thời gian qua do đã “bám rễ” khá lâu trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Chẳng hạn, Mirae Asset Việt Nam được thành lập từ ngày 18/12/2007, với vốn điều lệ 300 tỷ đồng và duy trì mức vốn này liên tục đến hết năm 2014. Hoạt động của Công ty trong giai đoạn này không có nhiều nổi bật.

Năm 2015, được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận việc chuyển đổi loại hình thành công ty TNHH một thành viên, Mirae Asset Việt Nam đã trở thành một trong những công ty chứng khoán 100% vốn nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam. Bắt đầu từ đây, Công ty gia tăng vốn điều lệ nhanh chóng.

Năm 2016, vốn điều lệ của Công ty tăng hơn gấp đôi, lên 700 tỷ đồng và liên tục tăng các năm tiếp theo. Hiện vốn điều lệ của Công ty là 5.455 tỷ đồng, lớn thứ 2 trên thị trường. Đi kèm với đà tăng vốn là sự gia tăng về thị phần môi giới.

Tương tự, Tập đoàn KIS Hàn Quốc (Korea Investment & Securities) cũng sớm hiện diện tại Việt Nam khi đặt văn phòng đại diện tại TP.HCM từ năm 2007.

Đến năm 2010, KIS Hàn Quốc đã mua lại cổ phần của Công ty Chứng khoán Gia Quyền (EPS) và năm 2011 đổi tên thành Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam.

Đến năm 2015, KIS Việt Nam tăng vốn điều lệ từ 264 tỷ đồng lên 1.113 tỷ đồng và lần đầu tiên vào Top 10 thị phần môi giới năm 2016. Năm 2018, KIS tăng vốn lên 1.897 tỷ đồng và hiện là 2.596 tỷ đồng.

Góp mặt trên thị trường lâu năm còn có Công ty Chứng khoán NH Việt Nam (NHSV) - công ty con 100% vốn thuộc Công ty TNHH Đầu tư và chứng khoán NH (NH Investment & Securities).

Đây là công ty chứng khoán lớn thứ 2 tại Hàn Quốc và là một trong những định chế tài chính hàng đầu châu Á.

NHSV đã đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam từ tháng 1/2009 thông qua việc mua lại 49% cổ phần từ Công ty cổ phần Chứng khoán Biển Việt. Đến tháng 1/2018, NHSV đã mua lại toàn bộ 51% cổ phần còn lại và tăng vốn điều lệ lên 735 tỷ đồng và dự kiến sẽ tiếp tục tăng vốn trong thời gian tới. Tuy nhiên, hiện NHSV chưa có nhiều thành tích nổi bật.

Cũng có hoạt động trầm lắng là Pinetree (tiền thân là Công ty cổ phần Chứng khoán HFT và có tên như hiện nay từ tháng 11/2019) - thành viên của Hanwha Group, Tập đoàn kinh tế hàng đầu Hàn Quốc.

Chứng khoán HFT là một trong 10 công ty chứng khoán đầu tiên tại Việt Nam, được thành lập năm 2003. Ngay khi trở thành công ty vốn ngoại, Pinetree đã nhanh chóng tăng vốn và đưa ra chương trình giảm phí giao dịch trọn đời - tạo tiếng vang trong năm 2019. Dư nợ cho vay của Pinetree cuối quý III/2020 là 250 tỷ đồng, gấp 5 lần so với cùng kỳ.

Hay Tập đoàn Tài chính KB (Hàn Quốc) tham gia vào ngành chứng khoán năm 2017 thông qua việc mua lại gần 100% vốn của Công ty Chứng khoán Maritime (MSI).

Sau khi vào tay chủ Hàn Quốc, MSI được tăng vốn từ 300 tỷ đồng lên 1.107 tỷ đồng và đổi tên thành Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV). Hiện Công ty có vốn điều lệ lên 1.675 tỷ đồng.

Sau khi có được thị phần nhờ tăng vốn, từ đó đưa ra các chính sách margin và phí giao dịch hấp dẫn, các công ty chứng khoán ngoại đang có cuộc đua về đầu tư cơ sở công nghệ, nâng cấp hạ tầng

Sau khi có được thị phần nhờ tăng vốn, từ đó đưa ra các chính sách margin và phí giao dịch hấp dẫn, các công ty chứng khoán ngoại đang có cuộc đua về đầu tư cơ sở công nghệ, nâng cấp hạ tầng, mở rộng chi nhánh, đặc biệt chú trọng cung cấp các công cụ, tiện ích phục vụ giao dịch cho các nhà đầu tư.

Điều này được nhìn nhận giúp cho các công ty chứng khoán này có sự phát triển vững chãi hơn, thay vì như bước đầu phụ thuộc nhiều vào mảng cho vay margin.

Theo ông Park Won Sang, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, có nhiều lý do cho việc các công ty chứng khoán Hàn Quốc đang dẫn đầu thị trường về lãi suất cho vay margin.

Thứ nhất, môi giới là một nghiệp vụ cơ bản của các công ty chứng khoán và cho vay margin là yếu tố tiên quyết để có thể tham gia vào thị trường môi giới chứng khoán.

Thứ hai, các công ty nước ngoài còn gặp nhiều rào cản khi tham gia vào lĩnh vực chứng khoán tại Việt Nam, thêm nữa mạng lưới hoạt động trên thị trường còn hạn chế nên trước mắt trong giai đoạn một, các công ty chứng khoán nước ngoài chỉ đặt mục tiêu vào việc gia tăng cạnh tranh về lãi suất margin.

Ông Park Won Sang dẫn ra một ví dụ về những hạn chế của doanh nghiệp nước ngoài đó là trong mảng phát hành chứng quyền (CW). So với các công ty chứng khoán trong nước, số mã CW được phép phát hành của các công ty chứng khoán nước ngoài khá nhỏ (do giới hạn tỷ lệ sở hữu với nhà đầu tư nước ngoài).

Chiếu theo danh mục đối tượng các mã phát hành chứng quyền (VN30), chỉ có 20 trên tổng số 30 mã được quyền phát hành chứng quyền, tuy nhiên các công ty chứng khoán nước ngoài chỉ được phép phát hành chứng quyền trên 12 mã còn room, con số này chỉ bằng 60% so với các công ty chứng khoán nội địa.

Bên cạnh đó, có một sự thật là việc đầu tư vào thị trường nước ngoài luôn tồn tại nhiều rủi ro. “Chúng tôi cũng luôn khắc cốt ghi tâm câu nói nổi tiếng của tỷ phú Warren Buffet rằng không có bữa trưa nào là miễn phí để không ngừng cố gắng”, ông Park Won Sang nói.

Vốn Hàn vẫn tiếp tục mua công ty chứng khoán

Tháng 8/2020, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho Công ty TNHH Chứng khoán JB Việt Nam, vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Trong đó, The Kwangju Bank, Ltd. sở hữu 100% vốn JB Việt Nam. Đây là ngân hàng thương mại thuộc Tập đoàn tài chính Hàn Quốc JB Financial Group. Trước đó, vào cuối năm 2019, chi nhánh Ngân hàng Kwangju Bank (ngân hàng thuộc sở hữu 100% của JB Financial) đã ký thỏa thuận mua lại Morgan Stanley Gateway Securities tại Việt Nam với giá 382,4 tỷ đồng Việt Nam (tương ứng khoảng 16,5 triệu USD).

Ngày 17/9 vừa qua, 65,01% vốn Công ty Chứng khoán SJC (viết tắt SJCS) đã chính thức chuyển nhượng cho Công ty Quản lý quỹ Asam Asset

Management (Hàn Quốc). Sau giao dịch, Asam Asset Management nắm giữ khoảng 80% vốn SJCS.

Được biết, nhà đầu tư Hàn Quốc đang trong quá trình thương thảo mua lại Công ty Chứng khoán ACB (ACBS). Đây là thương vụ được giới công ty chứng khoán nhìn nhận sẽ mang lại lợi nhuận đột biến cho ACB trong năm 2021.

Mai Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,177.4 -12.82 -1.09% 174,889 tỷ
HNX 222.63 -2.67 -1.2% 1,395 tỷ
UPCOM 87.51 -0.51 -0.59% 436 tỷ