Hành trình “biến mất” của Khoáng sản Á Cường (ACM)

(ĐTCK) Năm 2015, Công ty cổ phần Tập đoàn Khoáng sản Á Cường (mã ACM) niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội với quy mô vốn 510 tỷ đồng. Đây cũng là năm doanh nghiệp đạt doanh thu, lợi nhuận cao đột biến. Sau đó, ACM thua lỗ lớn, cổ phiếu ngày càng "teo tóp".
Hành trình “biến mất” của Khoáng sản Á Cường (ACM)

Tăng vốn, lên sàn và thua lỗ

“Quý I/2015, Công ty thực hiện tăng vốn điều lệ từ 120 tỷ đồng lên 510 tỷ đồng, dẫn đến tổng tài sản, vốn chủ sở hữu tăng mạnh, tiếp tục đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ về quy mô. Trong đó, từ tháng 1/2015, Công ty nhận góp vốn bằng tài sản là hệ thống các hạng mục công trình: Các nhà máy, đường giao thông, bãi chứa, hầm lò, các hạng mục phụ trợ tại các mỏ quặng Khuôn Mười, Đồng Bưa, Đồng Tàn, Làng Lân và Phong Vân”.

Đây là một phần thông tin về quá trình tăng vốn của Á Cường tại bản cáo bạch niêm yết cổ phiếu - lần tăng vốn điều lệ duy nhất của Công ty kể từ khi thành lập đến nay. Theo đó, năm mà ACM tăng vốn, niêm yết cũng là năm đỉnh cao nhất lịch sử Công ty.

Cuối năm 2013, thời điểm 2 năm trước niêm yết, dù có lãi nhẹ, quỹ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Công ty vẫn âm gần 5 tỷ đồng, cho thấy ACM lỗ các năm trước đó. Năm 2014, mặc dù chưa tăng vốn, nhưng ACM đạt được con số 11,83 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giúp Công ty xoá lỗ luỹ kế và đủ điều kiện để niêm yết.

Năm 2015 là năm đỉnh cao, khi ACM vừa hoàn thành tăng vốn điều lệ, vừa đạt được con số 276 tỷ đồng doanh thu, 45,7 tỷ đồng lợi nhuận.

Phải lưu ý thêm, báo cáo tài chính của ACM cho thấy, Công ty không phải nộp thuế thu nhập năm 2014, 2015. Lý do của việc này là Công ty được khấu trừ lỗ luỹ kế năm trước và phần thu nhập còn lại không phải nộp thuế do nằm trong diện ưu đãi.

Bản cáo bạch cho biết, “theo Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư, Công ty đầu tư xây dựng nhà máy tuyển quặng và luyện đồng, thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư và địa bàn ưu đãi đầu tư. Theo công văn của Chi cục Thuế huyện Sơn Động - Cục Thuế tỉnh Bắc Giang về việc trả lời chính sách ưu đãi thuế, Công ty xác định được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp cho 3 năm tiếp theo cho nhà máy tuyển và luyện đồng. Năm 2014 là năm đầu tiên Công ty áp dụng miễn thuế thu nhập doanh nghiệp của dự án. Đối với kết quả kinh doanh tại 2 chi nhánh năm 2014 không phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp”.

Không rõ vì lý do niêm yết, hay vì được ưu đãi thuế đầu tư, mà năm 2014, 2015, lợi nhuận ACM tăng mạnh. Chỉ có một điều chắc chắn là giai đoạn sau đó, ACM phải gánh chịu "hậu quả" từ các khoản lãi này. Năm 2017, ACM lỗ 27 tỷ đồng.

Năm 2018, Công ty trích lập tới 72,5 tỷ đồng dự phòng phải thu khó đòi, lỗ gần 83 tỷ đồng. Tính ra, chỉ trong 2 năm, ACM lỗ tổng cộng 104 tỷ đồng, bằng 157% số lợi nhuận đạt được trong 4 năm trước đó, trong đó, riêng khoản phải thu khó đòi đã trích lập có giá trị gần 97 tỷ đồng, tương đương 112,7% doanh thu của cả năm 2014 (năm liền trước năm lên sàn); hơn 35% doanh thu năm 2015 (năm lợi nhuận cao kỷ lục) và lớn hơn rất nhiều con số doanh thu èo uột các năm 2017, 2018.

Đến cuối năm 2018, ACM vẫn còn 43 tỷ đồng phải thu (tương đương 120% tổng doanh thu 2 năm 2017, 2018). Và đến hết quý I/2019, số dư này tiếp tục tăng lên 59 tỷ đồng, sau khi trích lập dự phòng phần lớn.

Nhìn vào báo cáo tài chính của ACM qua thời gian, có thể thấy rằng, ngoài tài sản cố định tăng mạnh sau góp vốn, tài sản của Công ty tăng rất mạnh ở hàng tồn kho, khoản phải thu, trong khi doanh thu, lợi nhuận đều ở mức thấp, và sau đó, các khoản này “biến mất” khi được hạch toán nợ xấu. Đó là một điểm đáng quan tâm ở chất lượng báo cáo tài chính kiểm toán của ACM.

Hành trình “biến mất” của Khoáng sản Á Cường (ACM) ảnh 1

Hành trình vào quên lãng?

Ngày 23/7/2015, cổ phiếu ACM lần đầu giao dịch với mức giá 10.500 đồng/cổ phiếu.

Trong lịch sử niêm yết, ACM từng 1 lần chia cổ tức bằng tiền, tỷ lệ 2,5% mệnh giá cổ phần vào năm 2016. Nhưng đó là tất cả những gì cổ đông nhận được. Và giá cổ phiếu thì rơi dần, hiện chỉ còn 600 đồng/cổ phiếu.

Dữ liệu giao dịch ACM cũng cho thấy, cổ phiếu này có thanh khoản lớn suốt giai đoạn đầu khi mới niêm yết, lên tới hàng triệu cổ phiếu/phiên, thậm chí có phiên khớp tới 7,852 triệu cổ phiếu trên tổng số 51 triệu cổ phiếu lưu hành. Hiện tại đã hoàn toàn ngược lại, ACM “lột xác” đúng thời điểm nhất, niêm yết, và sau đó tàn lụi dần.

Ngày hôm nay, 22/5/2019, ACM tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 lần 2 (do lần 1 không thành công vì chỉ có 34,17% số cổ đông tham dự/uỷ quyền tham dự dự họp). Chưa rõ liệu Công ty có tổ chức họp thành công lần 2 hay không, nhưng với kế hoạch đưa ra dự kiến 40 tỷ đồng doanh thu, 2 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, cổ đông ACM khó hy vọng có một sự hồi sinh thật sự từ Công ty.

Chưa rõ, ACM lên sàn để minh bạch, để huy động vốn, hay để thoái vốn và biến mất?

Trúc Chi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục