Hành động và hành động

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hệ lụy từ việc một ngành kinh tế quan trọng tê liệt đã bộc lộ ngày càng gay gắt bằng những phát pháo dồn dập của doanh nghiệp mất khả năng trả lãi và gốc trái phiếu, phá vỡ các thỏa thuận tài chính với khách mua nhà.
Hành động và hành động

Thực tế này khiến hàng nghìn khách hàng mua nhà lo lắng vì phương án tài chính bị phá vỡ hoàn toàn. Ngay những khách hàng có khả năng tài chính cũng không biết có nên tiếp tục đóng tiền theo tiến độ hay mặc kệ doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp tuy có tổng tài sản lớn và đã thực hiện nhiều biện pháp giảm sâu giá bán, tăng chiết khấu đến 50% nhưng vẫn rất khó bán được hàng, vì hầu như không có người mua. Doanh nghiệp thiếu tiền mặt, âm dòng tiền, bị thiếu thanh khoản nghiêm trọng, “chết lâm sàng trên đống tài sản”.

Tình trạng trên có thể lan ra nhiều doanh nghiệp khác và tạo ra phản ứng dây chuyền trên thị trường. Khách hàng không có khả năng trả lãi, gốc khoản vay với ngân hàng, đồng thời mất niềm tin vào doanh nghiệp, vào thị trường. Hệ quả là nợ xấu của ngân hàng tăng vọt, dự án bị đình hoãn, dở dang.

Một nghiên cứu của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho thấy, bất động sản liên quan đến hơn 40 ngành nghề khác của nền kinh tế, chiếm tới 11% GDP cả nước. Việc đình đốn lĩnh vực quan trọng này sẽ dẫn tới hệ quả tiêu cực với các ngành khác như vật liệu xây dựng, xây lắp, sản xuất công nghiệp, sắt thép…

Dẫn bài học của Trung Quốc về việc siết thị trường trái phiếu, tín dụng bất động sản khiến khu vực kinh tế chiếm tới 30% GDP đến nay ốm yếu và không thể vực dậy dù nhiều chính sách hỗ trợ được ban hành, TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol (Anh quốc) cho rằng, nhận thức đúng mức tầm quan trọng của việc hỗ trợ thị trường bất động sản là cần thiết. Ở đây không có việc cứu người giàu, hay giá bất động sản vẫn ở trên trời, mà là tránh đổ vỡ dây chuyền các ngành kinh tế.

Sự trồi sụt của những ngành như bất động sản cùng sự cộng hưởng của những ngành then chốt khó khăn, bất định trên các thị trường quốc tế, đang tác động đến các ngành xuất khẩu, trong khi lĩnh vực dịch vụ chưa có nhiều cải thiện đáng kể sau đại dịch Covid-19, được nhìn nhận sẽ “kéo lùi” tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2023.

Đây là một ẩn số lớn với các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán vì giá cổ phiếu tuy đã giảm mạnh nhưng lợi nhuận doanh nghiệp suy giảm, sẽ khiến định giá không còn quá hấp dẫn. Chọn chủ đề “Ẩn số lợi nhuận doanh nghiệp” để phân tích sâu trong mục Tiêu điểm tuần này, Đầu tư Chứng khoán kỳ vọng sẽ đem đến những góc nhìn và thông tin đa chiều mà nhà đầu tư cần lưu ý cho giai đoạn tới.

Để giảm bớt những lực cản với thị trường, với nền kinh tế, những giải pháp hỗ trợ ngắn và trung hạn đang được cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư mong đợi. Dù vậy, liên tiếp các cuộc họp tuần qua liên quan đến ngành bất động sản chưa đem lại kết quả nào rõ rệt. Doanh nghiệp vẫn phải chủ động bán tài sản giá rẻ, đàm phán hoãn giãn nợ, hoán đổi tài sản… Kết cục của những giải pháp trên, theo e ngại của không ít người dân, là những thông báo đơn phương phá vỡ các cam kết, thỏa thuận với khách hàng. Niềm tin sẽ ngày một bào mòn.

Thực tế này đặt ra yêu cầu cần thống nhất quan điểm từ các cơ quan quản lý nhà nước về việc gỡ khó cho doanh nghiệp và phải bắt tay vào hành động. Khi những bất ổn và bất định được giải quyết phần nào, hoạt động doanh nghiệp mới có cơ nhen nhóm tích cực, để từ đó nhà đầu tư có dữ liệu giải đáp các “ẩn số” còn rất lớn với hoạt động đầu tư hiện nay.

Người quan sát

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục