"Ước gì chưa bao giờ biết đến chứng khoán"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cuối năm, khi có chút thời gian “sống chậm lại giữa dòng đời vội vã”, hẳn nhiều nhà đầu tư sẽ tranh thủ tính “sổ đời”. Bạn tôi cũng vậy!
"Ước gì chưa bao giờ biết đến chứng khoán"

“Ước gì mình chưa bao giờ biết đến chứng khoán”.

Anh bạn trong nhóm thở dài trong cuộc tụ tập cà phê cuối năm.

Chẳng biết đúng nhiều hay đúng ít, hay thậm chí sai, nhưng câu nói của anh bạn cứ khiến tôi nghĩ ngợi mãi…

“Từ giữa năm ngoái đến nay, loanh quanh cả kiếm trong, kiếm ngoài, trừ tiền đưa vợ, cũng còn được gần hai lít, cơ mà tài khoản thì cũng đang âm hai lít rưỡi. Cơ bản là công toi ông ạ”.

Đó là tôi thuật lại nguyên văn câu nói, chứ giải nghĩa ra cho bạn đọc khỏi thắc mắc thì đại ý là ông bạn làm ra được 200 triệu đồng, nhưng tài khoản chứng khoán lỗ 250 triệu đồng.

Nhân nghe bạn nói, tự dưng tôi nhận ra, chẳng biết do trượt giá hay chứng khoán khiến tài sản bị “biến hình”, bởi vài năm trước, “lít” vốn là khái niệm tụi tôi nói về tiền “trăm”, nhưng giờ, với dân chứng khoán, nó là tiền “trăm triệu”.

Bạn tôi vốn dĩ là dân truyền thông, chỉ cách đây 2 năm, nhóm tôi vẫn bảo nhau: “Tay ấy biết quái gì về chứng khoán…”.

Ấy vậy mà cuộc đổi thay nhanh quá. Từ ghét chứng như mẻ, thế mà hắn loạng quạng ngã vào món này lúc nào chẳng hay.

Đùng một cái, cách đây hơn năm, lúc cà phê thấy hắn bắt đầu nói về cổ phiếu, rồi tần suất nói về ba chữ cái ngày càng nhiều và sau đó là cả một sự hào hứng, đến mức có được đồng nào, ngoài nghĩa vụ nộp ngân sách cho “kho bạc vợ”, hắn thả hết vào chứng cổ.

Hồi đầu, hắn còn hào hứng bảo: Chơi chứng cũng hay lắm, nó giúp mình biết thêm bao nhiều kiến thức, mà cơ hội kiếm lời cũng cao hơn cả lãi suất ngân hàng.

Sau nữa lại bảo: Ai rồi cũng chơi chứng khoán mà thôi. Ở ta, tỷ lệ nhà đầu tư còn thấp, mới vài phần trăm dân số, chứ nhiều nước, tỷ lệ này gấp nhiều lần.

Bẵng đi một đận, tôi nhớ là sau mấy lần thị trường “đổ”, nhất là sau vụ vị chủ tịch tập đoàn nọ bán chui hàng chục triệu cổ phiếu, tôi thấy hắn ít nói về chứng khoán hẳn. Hỏi ra, hắn bảo: Đang thua!

Ban đầu nghe cũng buồn, lo lắm lắm. Có lúc ngồi cà phê với tôi, hắn bảo: Ai chẳng có lúc lỡ đi qua mùa hoa đẹp nhất, mình cũng thế thôi.

Rồi có bữa lại lẩm bẩm: Tôi vẫn đang tự tha thứ cho mình.

Giờ, sau hơn một năm làm nhà đầu tư, hắn đã tốt nghiệp lớp F0 với khoản lỗ hơn hai “lít”. Cũng may, dù máu mê lắm, nhưng tay này triệt để nghiêm khắc với điều khoản đã đặt ra ban đầu: Chỉ chơi tiền thịt, tiền dư dả, không vay mượn, margin.

Tính xong sổ đời, hắn quay sang tôi tếu táo: “Tôi chưa bán thì chưa kể là mất được. Tôi cũng chưa có việc cần dùng đến tiền, để thi gan xem thằng nào lỳ hơn…”.

Anh bạn khác, cũng là nhà đầu tư với kinh nghiệm “giờ bay” khá phong phú, trong một cuộc tụ bạ, khi nói về chứng cháo lại bảo: “Tốt nhất giai đoạn này nên cầm tiền đứng ngoài, chứ lái đánh khét quá không biết đâu mà lần, lúc sàn lúc trần, không cẩn thận ăn bô ngay”.

Anh bạn này là nhà đầu tư lâu năm, cũng ngót nghét đâu tầm hơn chục năm, nhưng đây cũng là lần đầu tôi nghe tâm lý có vẻ nản đến vậy. Thậm chí, theo cậu thì phương pháp đầu tư tốt nhất lúc này lại là… không đầu tư.

Có vẻ cực đoan, nhưng hình như đúng!

Bữa trước gặp, để có thêm ít tư liệu viết bài, tôi hỏi: “Tôi nghe thiên hạ nói cuối năm thường là dịp thu tiền về, sang năm tính tiếp, ông thì sao?”.

“Cái này thì nhiều anh em lâu năm như tôi đã tranh thủ vài nhịp hồi mà chuyển từ cổ sang tiền mặt từ tháng 10, tháng 11 rồi, chứ áp Tết mà bán thì e là hơi muộn. Thị trường vẫn đang bước vào trend giảm giá, càng để càng teo tóp thêm. Có gì ít nhất phải ra Tết Âm lịch một vài tháng mới tính tiếp ván mới ông ạ”.

Hai ông bạn, hai câu chuyện, nhưng gói ghém lại có lẽ cũng là tâm trạng chung của không ít nhà đầu tư năm Hổ. Không biết năm Mèo, các anh bạn tôi có kịp về bờ hay vẫn hát khúc “Nơi đảo xa”.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục