Số liệu thống kê mới nhất của Bộ Công thương, tháng đầu năm 2023, thương mại 2 chiều Việt Nam - Trung Quốc đạt trên 11 tỷ USD, giảm mạnh 4,45 tỷ USD so với mức xấp xỉ 15 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.
Việc Trung Quốc mở cửa trở lại từ đầu tháng 1 giúp xuất khẩu hàng hóa được cải thiện mạnh mẽ, nhất là với nhóm hàng nông thủy sản, nhưng chiều nhập khẩu, hàng hóa về Việt Nam giảm sâu hàng tỷ USD là do tháng 1 có nhiều ngày nghỉ Tết kéo dài.
Cụ thể, tháng 1, xuất khẩu sang thị trường này ghi nhận mức tăng 14% so với cùng kỳ, đạt 4,450 tỷ USD, nhập khẩu từ Trung Quốc 6,62 tỷ USD, chỉ bằng 59,8% so với cùng kỳ năm trước (11,076 tỷ USD).
Nhập khẩu giảm mạnh ở nhóm hàng: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện chỉ đạt 1,5 tỷ USD, giảm 36,7% (tương ứng giảm 872 triệu USD); Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác 1,41 tỷ USD, giảm 38,9%; Nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ cho ngành dệt may da giày nhập khẩu vào Việt Nam trong tháng 1/2023 chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc, chiếm tỷ trọng tới 51%, với 903 triệu USD, giảm 36,6% so với tháng 1/2022.
Trong quan hệ thương mại 2 chiều, tính bổ sung lẫn nhau trong cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước vẫn rất lớn. Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc các sản phẩm nông sản nhiệt đới, thủy sản, dệt may, điện thoại, máy tính, sản phẩm điện tử; đồng thời nhập khẩu từ Trung Quốc các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất, máy móc thiết bị...
Tại hội nghị “Thúc đẩy giao thương nông sản, thủy sản Việt - Trung trong bối cảnh mới” mới đây, ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương) cho biết thương mại song phương giữa Việt Nam - Trung Quốc năm 2022 đạt 175,5 tỷ USD, chiếm 24% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của mặt hàng rau quả, sắn và sản phẩm từ sắn, cao su, lần lượt chiếm tỷ trọng 54%; 91,5% và 71%. Ngoài ra, Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của thủy sản Việt Nam, chỉ sau Mỹ và Nhật Bản.
Thời gian qua, Việt Nam luôn duy trì vị thế đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và lớn thứ 6 trên toàn cầu. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Còn trong các nước thành viên RCEP, Trung Quốc có thặng dư thương mại lớn nhất với Việt Nam, khoảng 60,8 tỷ USD trong năm 2022.