Hàng ngàn người biểu tình phản đối các biện pháp chống dịch Covid-19 ở London

0:00 / 0:00
0:00
Cảnh sát đã phải tiến vào Quảng trường Trafalgar để giải tán cuộc biểu tình phản đối các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 khi những người biểu tình phớt lờ các cảnh báo giãn cách xã hội.
Các nhà hoạt động cầm biểu ngữ, đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19 khi tham gia cuộc tuần hành theo phong trào hoạt động quốc tế "Black Lives Matter" (Người da đen đáng được sống) đến Quảng trường Trafalgar, London vào ngày 12/6/2020. Ảnh tư liệu: AFP Các nhà hoạt động cầm biểu ngữ, đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19 khi tham gia cuộc tuần hành theo phong trào hoạt động quốc tế "Black Lives Matter" (Người da đen đáng được sống) đến Quảng trường Trafalgar, London vào ngày 12/6/2020. Ảnh tư liệu: AFP

Theo hãng tin AP, chiều 26/9 hàng ngàn người biểu tình, hầu hết không đeo khẩu trang, chen chúc nhau tại Quảng trường Trafalgar đầy tính biểu tượng của London để nghe các diễn giả chỉ trích những biện pháp hạn chế do chính quyền Anh áp dụng phòng chống dịch Covid-19. Họ cho rằng các biện pháp đó là phản ứng chống dịch thái quá, đồng thời hạn chế nhân quyền và quyền tự do ngôn luận của công chúng.

Cảnh sát London trước đó thông báo, trước khi tiến vào quảng trường, các sĩ quan cảnh sát đã kêu gọi người biểu tình tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội và họ sẽ thực hiện cưỡng chế nếu người biểu tình không tuân thủ.

"Đám đông ở Quảng trường Trafalgar đã không tuân thủ các điều kiện đánh giá rủi ro và khiến mọi người có nguy cơ lây nhiễm Covid-19", cảnh sát London khẳng định, đồng thời cho biết: "Chúng tôi đang yêu cầu đám đông ở Quảng trường Trafalgar rời đi".

Cuộc biểu tình trên diễn ra trong bối cảnh Quốc hội Anh chuẩn bị xem xét luật phòng chống Covid-19 và chính phủ Anh đã áp dụng các biện pháp hạn chế mới để kiểm soát dịch bệnh. Một số nhà lập pháp Anh chỉ trích chính phủ thực hiện các quy định giãn cách xã hội mà không có sự chấp thuận của Quốc hội.

Các diễn giả ở cuộc biểu tình phủ nhận họ là người theo thuyết âm mưu, đồng thời khẳng định họ đứng lên đấu tranh cho tự do ngôn luận và nhân quyền.

Trong số đó, Dan Astin-Gregory, một chuyên gia phát triển năng lực lãnh đạo, dù nhận ra những cái chết và đau đớn do đại dịch gây ra, nhưng ông cho rằng các biện pháp đối phó dịch Covid-19 hiện không tương xứng với mối đe dọa của nó.

"Chúng ta cảm thấy mệt mỏi với nỗi sợ hãi và sự xuyên tạc sự thật", ông Dan Astin-Gregory nói với đám đông. "Chúng ta cảm thấy mệt mỏi với những biện pháp hạn chế quyền tự do của mình", vị này nói thêm.

Đầu tuần này, chính phủ Anh đã áp lệnh giới nghiêm sau 10 giờ tối đối với các quán bar và nhà hàng trên toàn quốc, cùng với đó là các yêu cầu khắt khe hơn về việc khẩu trang và tăng tiền phạt đối với các trường hợp không tuân thủ.

Ngoài ra, chính quyền Anh cũng cấm hầu hết các hoạt động tụ tập quá 6 người, nhưng có miễn áp dụng đối với các cuộc biểu tình nếu những người tổ chức biểu tình nộp báo cáo đánh giá rủi ro và tuân thủ các quy định giãn cách xã hội.

Cuộc biểu tình lần này diễn ra một tuần sau vụ việc tương tự trước đó ở Quảng trường Trafalgar. Cảnh sát địa phương cho biết một số sĩ quan cảnh sát đã bị thương khi làm nhiệm vụ tại cuộc biểu tình khi "một bộ phận nhỏ" người biểu tình trở nên bạo lực.

Anh là quốc gia châu Âu có số người chết nhiều nhất vì đại dịch Covid-19 với gần 42.000 người. Trong những tuần gần đây, quốc gia này ghi nhận số ca nhiễm, nhập viện và tử vong do Covid-19 tăng mạnh.

Ngoài các biện pháp chống dịch Covid-19 được áp dụng toàn nước Anh, một số quyền tài phán cũng được áp dụng để kiểm soát chặt chẽ hơn những khu vực có số ca bệnh tăng cao. Tính đến ngày 28/9, 1/4 dân số Anh sẽ phải sống chung với các biện pháp chống dịch cao độ.

London, nơi sinh sống của gần 9 triệu người, hôm 25/9 đã được bổ sung vào danh sách "khu vực cần quan tâm" theo dõi Covid-19 của chính phủ. Điều đó có nghĩa là Thủ đô London có thể phải đối mặt với những biện pháp chống dịch mới nếu tình trạng lây nhiễm tiếp tục gia tăng.

Trên phạm vi toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, khi số người chết do Covid-19 toàn cầu sắp chạm ngưỡng 1 triệu, thì việc con số này cán mốc 2 triệu "không phải là không thể", nếu các quốc gia không thống nhất hành động chống dịch.

"Đó (con số 2 triệu ca tử vong) chắc chắn là điều không tưởng, nhưng không phải là không thể, bởi nhìn lại việc chúng ta mất đi 1 triệu người trong 9 tháng qua và việc quá trình vaccine ra ngoài thị trường trong 9 tháng tới, đó là một nhiệm vụ lớn đối với những người có liên quan", TS. Mike Ryan, Giám đốc điều hành chương trình y tế khẩn cấp của WHO cho biết.

"Câu hỏi thực sự là: Chúng ta có cùng nhau chuẩn bị, làm những gì cần thiết để tránh con số đó không", ông Ryan băn khoăn.

Kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối năm 2019, thế giới đến nay ghi nhận hơn 32 triệu người nhiễm bệnh và ít nhất 983.900 ca tử vong, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins.

Tỷ lệ tử vong do Covid-19 thời gian qua có xu hướng chậm lại nhờ các nhà khoa học và đội ngũ y tế nỗ lực cải thiện hiệu quả sử dụng oxyen và điều trị bằng dexamethasone ở các ca bệnh nặng.

Tuy nhiên, trước khi vaccine kháng Covid-19 được đưa vào sử dụng rộng rãi, số ca tử vong vì Covid-19 trên toàn cầu vẫn có thể tăng lên 2 triệu nếu các nhà lãnh đạo thế giới không thực hiện tốt hơn nữa các biện pháp cứu chữa và điều này phụ thuộc vào "bản chất, quy mô và cường độ hợp tác của chúng ta", ông Ryan cảnh báo.

Lê Quân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục