Hãng lốp xe Goodyear đối mặt với cáo buộc lạm dụng lao động

0:00 / 0:00
0:00
Nhà sản xuất lốp xe Mỹ Goodyear đang đối mặt với cáo buộc vi phạm trả lương và làm thêm giờ và đe dọa lao động nước ngoài tại nhà máy ở Malaysia.
Một góc nhà máy Goodyear tại thành phố Shah Alam, Malaysia vào ngày 6/5/2021. Ảnh: Reuters Một góc nhà máy Goodyear tại thành phố Shah Alam, Malaysia vào ngày 6/5/2021. Ảnh: Reuters

Thông tin này được hãng tin Reuters dẫn chứng tài liệu của tòa án sở tại và đơn khiếu nại của người lao động tại Goodyear Malaysia. Trong các cuộc phỏng vấn với Reuters, 6 người, gồm: nhân viên người nước ngoài và những người từng làm tại nhà máy Goodyear Malaysia, cùng các quan chức Bộ Lao động Malaysia, cho biết Goodyear đã khấu trừ lương sai, yêu cầu làm quá giờ và từ chối người lao động được tiếp cận đầy đủ hộ chiếu.

Bộ Lao động Malaysia xác nhận đã xử phạt Goodyear - một trong những nhà sản xuất lốp xe lớn nhất thế giới - vào năm ngoài vì đã để người lao động nước ngoài làm việc quá sức, nhưng trả thù lao thấp.

Một cựu nhân viên của Goodyear cho biết công ty này đã giữ hộ chiếu của ông một cách bất hợp pháp. Cụ thể, người này cho biết, vào tháng 1/2020 ông đã ký xác nhận sẽ nhận lại hộ chiếu 8 năm sau khi bắt đầu làm việc tại Goodyear.

Theo Reuters, 185 lao động nước ngoài đã nộp 3 đơn kiện Goodyear Malaysia lên Tòa án công nghiệp nước này, trong đó 2 đơn vào năm 2019 và 1 đơn vào năm 2020, về việc không tuân thủ thỏa ước lao động tập thể.

Các nhân viên này cáo buộc Goodyear Malaysia đã không chi trả phụ cấp ca, tiền thưởng hàng năm và tăng lương, trong khi những nhân viên sở tại - những người được đại diện bởi công đoàn - đều được những lợi ích trên.

Năm 2020, Tòa án công nghiệp Malaysia đã ra phán quyết có lợi cho người lao động nước ngoài tại 2 trong 3 vụ kiện trên, đồng thời khẳng định những người lao động này có quyền hưởng các lợi ích tương tự như người lao động Malaysia, theo bản sao các phán quyết được công bố trên website của tòa án này.

Theo phán án của tòa án và luật sư đại diện cho người lao động nước ngoài, Goodyear được yêu cầu hoàn trả tiền lương và tuân thủ thỏa ước lao động tập thể.

Ông Chandra Segaran Rajandran, luật sư đại diện cho người lao động nước ngoài tại vụ kiện Goodyear, cho biết khoảng 150 phiếu trả lương của người lao động đã được nộp lên Tòa án công nghiệp Malaysia làm bằng chứng cho việc Goodyear không trả lương. Những phiếu trả lương này cũng cho thấy một số nhân viên người nước ngoài đã làm thêm tới 229 giờ trong 1 tháng, vượt quá giới hạn 104 giờ của Malaysia.

Luật sư Chandra Segaran Rajandran cho biết các nhân viên người nước ngoài đang đòi Goodyear Malaysia hoàn trả khoản 5 triệu ringgit (1,21 triệu USD). Các lao động này đến từ Nepal, Myanmar, và Ấn Độ.

"Họ (lao động nước ngoài) bị đặt vào tình thế phải từ chối các quyền lợi đầy đủ của mình theo quy định pháp luật", luật sư Rajandran nói, đồng thời cho rằng điều này dẫn đến "sự phân biệt đối xử".

Goodyear đã phản đối cả 2 phán quyết của Tòa án Malaysia. Hãng lốp xe này dự kiến gửi kháng cáo vào ngày 26/7 tới. Còn phán quyết của Tòa án Malaysia đối với vụ kiện thứ 3 về các vấn đề tương tự của người lao động tại Goodyear, sẽ có hiệu lực trong những tuần tới.

Goodyear từ chối bình luận về các cáo buộc trên. Theo lập luận của Goodyear Malaysia, công ty này cho rằng người lao động nước ngoài không được hưởng các lợi ích theo thỏa ước lao động tập thể vì họ không phải là thành viên công đoàn.

Còn theo phán quyết của tòa án, một đại diện công đoàn đã làm chứng rằng người lao động nước ngoài đủ điều kiện tham gia và hưởng các lợi ích theo thỏa ước lao động tập thể, ngay cả khi họ không phải là thành viên công đoàn. Tòa án Malaysia sau đó cũng khẳng định rằng phạm vi công việc của người lao động nước ngoài tại Goodyear Malaysia có quyền hưởng những quyền lợi đó.

"Chúng tôi nghiêm túc xem xét mọi cáo buộc về hành vi không phù hợp liên quan đến các cộng sự, hoạt động và chuỗi cung ứng của mình", một đại diện Goodyear cho biết.

Phía công đoàn - Liên minh Quốc gia các nhân viên làm việc trong các công ty sản xuất sản phẩm cao su - không đưa ra bình luận về các khiếu nại của người lao động.

Người lao động tại Goodyear Malaysia cho biết họ đã đối mặt với sự đe dọa từ Goodyear sau khi nộp đơn kiện. Còn phía Goodyear từ chối bình luận. Sharan Kumar Rai, người nộp đơn kiện và từng làm việc tại Goodyear Malaysia từ năm 2012 đến năm 2020 cho biết: "Công ty này áp dụng các quy định khác nhau đối với các nhóm lao động khác nhau".

Nhân viên người nước ngoài tại Goodyear Malaysia đã đệ 2 đơn kiện đầu tiên vào tháng 7/2019. Theo Reuters, Goodyear sau đó đã yêu cầu một số nhân viên này ký vào các lá thư khẳng định họ sẽ rút khỏi vụ kiện mà luật sư đại diện của họ không biết.

Bà Anna Ng Fui Choo, Chủ tịch Tòa án công nghiệp Malaysia nêu trong phán quyết rằng các bức thư trên "là một hành vi lao động không công bằng".

Bộ lao động Malaysia cho biết năm 2020 cơ quan này đã điều tra và buộc tội Goodyear về 9 hành vi vi phạm luật lao động không liên quan đến các vụ kiện, mà liên quan đến việc lao động làm quá giờ và khấu trừ lương sai quy định. Theo đó, Bộ Lao động Malaysia đã xử phạt Goodyear 41.500 ringgit (10.050 USD).

Trong những năm gần đây, Malaysia đã đối mặt với cáo buộc của chính quyền Mỹ về việc lạm dụng lao động ở các nhà máy sở tại, nơi hàng triệu lao động nhập cư đến làm việc, sản xuất nhiều mặt hàng, từ dầu cọ, găng tay y tế, đến linh kiện iPhone.

Lê Quân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục