Hàng loạt khách sạn phải rao bán vì du lịch quốc tế tê liệt

0:00 / 0:00
0:00
Covid-19 khiến thị trường du lịch quốc tế tê liệt, thị trường nội địa ảm đạm, kinh doanh dịch vụ lưu trú lỗ nặng, nên nhiều chủ khách sạn buộc phải rao bán để cắt lỗ.
Một khách sạn lớn ở phố Hàng Tre (Hà Nội) phải treo biển cho thuê từ nhiều ngày qua. Ảnh: Đức Thanh. Một khách sạn lớn ở phố Hàng Tre (Hà Nội) phải treo biển cho thuê từ nhiều ngày qua. Ảnh: Đức Thanh.

Liên tục hạ giá vẫn không có khách mua

Từ các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, đến các địa phương du lịch phát triển như Phú Quốc, Nha Trang, Phan Thiết, Đà Lạt…, thị trường khách sạn đang đối mặt với khủng hoảng vì kinh doanh thua lỗ.

Theo khảo sát của Công ty Savills Việt Nam, thời gian qua, hơn 50% khách thuê cửa hàng kinh doanh khu vực phố cổ Hà Nội đã trả lại mặt bằng do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Không chỉ các diện tích nhỏ lẻ bị trả lại, mà nhiều mặt bằng ở vị trí đắc địa, diện tích rộng cả trăm mét vuông trên các phố Hàng Tre, Phan Chu Trinh, Mã Mây, Hàng Bông, Hàng Trống, Hàng Ngang, Hàng Đào… đã rao cho thuê nhiều ngày nay, nhưng chưa thấy kinh doanh lại.

Hệ thống khách sạn mini ở khu phố cổ điêu đứng đã đành, nhiều khách sạn thuộc hàng “ông lớn” ở Hà Nội cũng đang phải rao bán.

Chẳng hạn, Khách sạn 5 sao Atlanta (số 49 - Hàng Chuối) quy mô 16 tầng trên diện tích 560 m2, rao bán giá 480 tỷ đồng; Khách sạn 5 sao Grand Vista Hanoi tại phố Giảng Võ, quy mô 23 tầng, 170 phòng, diện tích 1.500 m2, rao bán với giá 1.000 tỷ đồng…

Tương tự, tại các địa phương khác, rao bán khách sạn được xem là giải pháp cuối cùng để thu hồi vốn, song nhiều chủ khách sạn cũng thừa nhận, việc này rất khó khăn, bởi hiếm nhà đầu tư nào dám mạo hiểm. Do đó, nhiều cơ sở lưu trú phải hạ giá bán để tăng sức hấp dẫn.

Tại TP.HCM, Ngân hàng BIDV thông báo đấu giá một tổ hợp khách sạn, nhà hàng, trung tâm hội nghị, tiệc cưới tiêu chuẩn 4 sao Crystal Palace ở quận 7, với 378 tỷ đồng. Mức giá này đã giảm hơn 164 tỷ đồng so với giá rao bán vào cuối năm 2019.

Một khách sạn 5 sao có tiếng ở Nha Trang được chào giá 1.500 tỷ đồng, giảm khoảng 10% so với lần rao bán trước.

Một khách sạn trên đường Hùng Vương (Nha Trang) chào bán giá 450 tỷ đồng, giảm 15% so với hồi tháng 6/2020.

Tại Phú Quốc, nhiều khách sạn khu trung tâm đang rao bán với giá giảm 10 - 15% so với giá rao ban đầu.

Theo thống kê của Sở Du lịch Đà Nẵng, một số cơ sở lưu trú đã thực hiện thủ tục mua bán, chuyển nhượng bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn, căn hộ.

Đến thời điểm này, đã có 250 - 260 khách sạn, căn hộ, biệt thự đang rao bán, chiếm 24,7% tổng số nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn.

Theo các chủ khách sạn, nguyên nhân chính dẫn đến việc phải bán là áp lực vay lãi ngân hàng. Gần 70% vốn kinh doanh khách sạn là nguồn tiền vay từ ngân hàng, trong khi dịch bệnh gây ra khó khăn chồng chất cho ngành dịch vụ này.

“Dù chúng tôi đã giảm giá 30 - 50% giá dịch vụ, nhưng mỗi ngày không có nổi 10 khách đặt phòng. Trong khi đó, chi phí vận hành quá lớn, nên buộc ban lãnh đạo khách sạn phải bán cơ sở lưu trú. Bất động sản Đà Nẵng đang rớt giá thê thảm, dù bán khách sạn lúc này lỗ tiền tỷ, nhưng đành phải vậy để có trả tiền nợ”, chủ một khách sạn 3 sao trên đường Hồ Xuân Hương (quận Sơn Trà) chia sẻ.

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ phục hồi nhanh

Theo Sohovietnam, đơn vị chuyên tư vấn các thương vụ mua bán bất động sản, nhu cầu đặt mua khách sạn của nhiều nhà đầu tư đã tăng lên trong thời gian gần đây.

Chỉ riêng lĩnh vực khách sạn và khu nghỉ dưỡng, tổng số tiền của nhà đầu tư sẵn sàng chi trả hiện nay khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng.

Tiêu chí đầu tư tập trung vào các tài sản đã xây xong, đang vận hành hoặc xây dựng dở dang, đất dự án. Khách sạn được tìm mua chủ yếu có quy mô từ 100 đến 500 phòng tại các địa điểm như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Hội An, Hạ Long, Huế, Quy Nhơn, Vũng Tàu...

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam đánh giá, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh.

Các chuyến bay quốc tế vẫn chưa thể nối lại và nhu cầu du lịch của khách nội địa cũng chưa tăng cao. Tuy nhiên, thị trường khách sạn hạng sang Việt Nam vẫn tiềm năng với các nhà đầu tư quốc tế. Trong đó, TP.HCM là một trong những thị trường được tìm kiếm nhiều nhất.

Trong khi đó, chuyên gia bất động sản Lê Bá Chí Nhân cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến các tài sản khách sạn đang được vận hành với dòng tiền có sẵn, trong khi đa phần nhà đầu tư trong nước quan tâm phát triển khách sạn và khu nghỉ dưỡng từ các quỹ đất trống.

Ông Khương tin tưởng, thị trường khách sạn, nghỉ dưỡng sẽ hồi phục nhanh khi dịch bệnh được kiểm soát, các đường bay quốc tế được mở lại.

“Thị trường khách sạn tại Hà Nội, TP.HCM, tiếp đến là Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc… sẽ sớm sôi động, thu hút khách tìm đến sau dịch”, ông Khương nói.

Với lợi thế hiểu biết về địa lý, kinh tế cũng như tình hình chính trị trong nước, nhà đầu tư trong nước sẵn sàng theo đuổi các thương vụ có giá trị giao dịch lớn, tạo ra sự cạnh tranh khá khốc liệt với nhà đầu tư nước ngoài.

“Trong cơ chế thị trường, khó khăn của người này lại là cơ hội của người khác. Vì thế, hoạt động mua bán cũng sẽ trở nên sôi động dù hiện tại mới là những cơn sóng ngầm. Giá trị cao, người mua hạn chế, nên các khách sạn hạng sang phải giảm giá bán là tất yếu”.

- TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam

Hồ Hạ
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục