Nhiều DN ngành dệt may như May 10, May Đức Giang, Nhà Bè cũng dự kiến lên sàn trong năm 2016.
Trao đổi với ĐTCK, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch HĐQT May Việt Tiến đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, May Việt Tiến và May Nhà Bè sẽ niêm yết tại HOSE, trong khi May 10 và May Đức Giang sẽ niêm yết tại HNX.
Như vậy, với mức vốn 280 tỷ đồng, May Việt Tiến dự kiến sẽ niêm yết 28 triệu cổ phiếu với mã VGG. Năm 2015, VGG ước đạt 5.700 tỷ đồng doanh thu, 290 tỷ đồng lợi nhuận, cổ tức dự kiến chi trả ở mức tối thiểu 20%. Theo ông Giang, việc đưa nhiều cổ phiếu ngành dệt may lên sàn sẽ tăng sự lựa chọn đối với NĐT.
“Ngành dệt may đã có sự tăng trưởng mạnh trong nhiều năm qua với tốc độ tăng trưởng 17 - 18%/năm. Dự kiến mức tăng trưởng này sẽ đạt 25% khi TPP có hiệu lực. Điều này cho thấy, cổ phiếu ngành dệt may sẽ có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, NĐT cần có sự chọn lọc nhất định chứ không phải đầu tư theo phong trào”, ông Giang nói.
Bản thân Việt Tiến đã có kế hoạch niêm yết từ nhiều năm trước nhưng nhận định TTCK chưa được thuận lợi, nên kế hoạch này vẫn bị trì hoãn. Với Quyết định 51/2014/QĐ-TTg, các DN đại chúng buộc phải niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên UPCoM, Công ty đã quyết định sẽ đưa cổ phiếu lên niêm yết chính thức mặc dù ĐHCĐ đã thông qua kế hoạch giao dịch trên UPCoM.
Tương tự với CTCP May 10. Công ty hiện đang làm thủ tục xin niêm yết tại HNX với mã chứng khoán dự kiến là M10. Năm 2015, May 10 đặt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp đạt 2.260 tỷ đồng, doanh thu 2.450 tỷ đồng, lợi nhuận 55 tỷ đồng và cổ tức 18%.
Theo lãnh đạo May 10, đưa cổ phiếu lên sàn niêm yết, ngoài việc thực hiện theo quy định của pháp luật, cũng là cách để Công ty tăng tính minh bạch, quảng bá thương hiệu, nhất là trong giai đoạn sắp tới, khi nhiều hiệp định thương mại đa phương và song phương có hiệu lực. Nhưng đi kèm với cơ hội cũng là nhiều thách thức mà Công ty phải đối mặt. Theo đó, để có thể bứt phá, May 10 phải chuyển đổi linh hoạt, tìm một chỗ đứng trong chuỗi cung ứng để tăng giá trị gia tăng, tăng doanh thu và lợi nhuận, mang lại mức thu nhập cao hơn cho người lao động.
“Hai giải pháp May 10 chú trọng thực hiện trong năm 2015, 2016 là tìm kiếm nhà sản xuất vải trong nước, thậm chí là tham gia cùng đầu tư xây dựng nhà máy dệt theo định hướng và nhu cầu riêng; chú trọng phát triển con người, đưa quản trị nhân lực trở thành một trong bốn mảng quan trọng nhất của DN bên cạnh kinh doanh, tài chính và đầu tư”, lãnh đạo May 10 cho biết.
Hàng loạt DN dệt may như Dệt may Hòa Thọ, May Đức Giang hay May Nhà Bè… đang rục rịch làm thủ tục và sẽ lên sàn trong năm 2016. Ông Giang cũng hé lộ về khả năng niêm yết của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) trong thời gian tới đây khi Vinatex đã được Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cấp giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán với mã là VGT.
Đối với các DN dệt may, lên sàn niêm yết, ngoài đáp ứng các yêu cầu theo quy định, còn là cơ hội lớn đối với cổ phiếu. Trong giai đoạn hiện nay, dệt may được đánh giá là ngành có triển vọng tăng trưởng cao trước cơ hội hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới của Việt Nam thông qua các hiệp định thương mại tự do đã và sắp ký. Trên thực tế, cổ phiếu dệt may đã có diễn biến giá khá tích cực so với VN-Index cũng như một số ngành hàng khác. Đây có thể là một trong những yếu tố thúc đẩy DN ngành dệt may lên sàn.