Sáng nay (17/1), tại Hà Nội, ông Trần Sỹ Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã khai mạc “Hội thảo phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và TP.HCM” dự kiến kéo dài đến hết ngày 18/1.
Đây là hội thảo khoa học liên quan đến lĩnh vực đường sắt đô thị có quy mô lớn nhất, tổ chức bài bản nhất từng được triển khai tại Việt Nam.
Theo ông Trần Sỹ Thanh, hệ thống đường sắt đô thị được coi là trục “xương sống” của mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông. Việc đầu tư sớm, vận hành hiệu quả hệ thống đường sắt đô thị sẽ nâng cao tỷ trọng vận tải hành khách công cộng, giảm phương tiện giao thông cá nhân, từ đó đem lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ùn tắc và tai nạn giao thông.
Tuy nhiên sau hơn 15 năm triển khai, tiến độ triển khai các dự án đường sắt đô thị còn chậm khi cả nước mới có 1 tuyến đường sắt đô thị được đưa vào khai thác.
“Vì vậy, chúng ta cần nghiên cứu cứu các giải pháp, hoàn thiện cơ chế, chính sách; tìm hiểu, học tập những kinh nghiệm, phương thức mới, “đột phá” nhằm triển khai đồng bộ và sớm hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị theo Kết luận số 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, ông Thanh nhấn mạnh.
Được biết, Kết luận số 49-KL/TW, đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra mục tiêu:“Hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội (có tính kết nối với vùng Thủ đô) và TP.HCM vào năm 2035. Theo đó hai thành phố phải đạt mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị trong 12 năm tới.
“Đây là một thách thức vô cùng to lớn, nếu tiếp tục triển khai với cách làm tương tự như trong thời gian 20 năm qua thì không thể thực hiện được mục tiêu này”, ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhận định.
Bên cạnh các tham luận về các vấn đề trong thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng hệ thống các tuyến đường sắt đô thị Hà Nội và phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM, các chuyên gia quốc tế tham dự hội thảo sẽ chia sẻ về mô hình TOD trong phát triển đường sắt đô thị ở góc độ toàn cầu, góc độ các quốc gia, thành phố đã áp dụng rất thành công như: Paris - Pháp; Nhật Bản, Hồng Kông, Quảng Châu, Thâm Quyến - Trung Quốc, Singapore...
Hội thảo phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và TP.HCM hướng tới 3 mục tiêu.
Một là, trao đổi, nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế từ các nước có hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông công cộng phát triển, đặc biệt là hệ thống đường sắt đô thị.
Hai là, tổng hợp các kinh nghiệm trong nước và quốc tế để nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện thể chế về phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD); quy hoạch xây dựng, chỉnh trang đô thị, đất đai, đầu tư, quản lý, vận hành và khai thác đường sắt đô thị.
Ba là, tiếp thu ý kiến góp ý để hoàn thiện Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và TP.HCM theo 5 nhóm lĩnh vực trọng yếu gồm: Quy hoạch, phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD); Giải phóng mặt bằng, thu hồi đất; Thu hút nguồn lực từ đất đai; Tiêu chuẩn kỹ thuật-công nghệ cho đường sắt đô thị; Mô hình quản lý, tổ chức thực hiện dự án ĐSĐT.
Trong đó, trọng tâm là trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD); mô hình TOD cùng với các công cụ thu hồi giá trị gia tăng từ đất.
Đây là hai nội dung được kỳ vọng sẽ đem lại các giải pháp mới cho đầu tư xây dựng mạng lưới đường sắt đô thị của Hà Nội và TP.HCM.