Hàng không Việt giải bài toán thiếu phi công

(ĐTCK) Trong bối cảnh dịch vụ hàng không ngày một gia tăng, thiếu hụt phi công đang là bài toán nan giải đối với ngành hàng không thế giới, cũng như Việt Nam. Để giải quyết vấn đề này, bên cạnh giảm giờ bay, dãn chuyến bay…, nhiều hãng hàng không bắt đầu tự thiết lập hệ thống đào tạo phi công của riêng mình.
Từ nay tới 2025, dự báo mỗi năm Việt Nam cần thêm 1.225 phi công và 1.728 thợ máy. Từ nay tới 2025, dự báo mỗi năm Việt Nam cần thêm 1.225 phi công và 1.728 thợ máy.

Châu á - Thái bình dương cần 261.000 phi công trong 18 năm tới

Lĩnh vực hàng không châu Á đang chứng kiến sự bùng nổ số lượng khách hàng mới khiến nhu cầu đối với dịch vụ hàng không khu vực này ngày càng gia tăng, đặc biệt là hàng không giá rẻ. Theo CAPA Centre for Aviation - một tổ chức tư vấn hàng không đến từ Úc, riêng tại Ðông Nam Á, các hãng hàng không giá rẻ đã đặt hàng khoảng 1.400 máy bay, so với con số chưa tới 400 máy bay của các hãng hàng không truyền thống.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn cung phi công đang bị thiếu hụt trên toàn cầu, các hãng hàng không sẽ phải vật lộn để tìm kiếm phi công, cũng như các nhân viên thuộc phi hành đoàn phục vụ cho hoạt động kinh doanh.

CEO Boeing Dennis Muilenburg nhận định, thiếu hụt phi công là một trong những thách thức lớn nhất mà ngành công nghiệp hàng không đang phải đối mặt. Nhu cầu dịch chuyển hàng không gia tăng nhanh chóng đòi hỏi phải có tối thiểu 800.000 phi công mới trong giai đoạn 20 năm tới, trong đó châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có nhu cầu lớn nhất.

“Khu vực châu Á - Thái Bình Dương ước cần khoảng 16.930 máy bay mới và 261.000 phi công cho tới năm 2037. Ðiều này đồng nghĩa với việc các đội bay hiện tại và con số phi công phải tăng gấp đôi trong giai đoạn này”, CEO Boeing nói.

Thực tế, tình trạng căng thẳng do thiếu hụt phi công đang diễn ra hàng ngày. IndiGo (Ấn Ðộ) - hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Á tính theo giá trị thị trường, đã phải hủy bỏ nhiều chuyến bay mỗi ngày sau khi nhiều phi công kiệt sức bởi lịch trình làm việc dày đặc.

China Airlines Ltd buộc phải cải thiện điều kiện làm việc của các phi công với chi phí gia tăng 4 triệu USD/năm sau khi các phi công của hãng đình công trong 7 ngày. Emirates - hãng hàng không lớn nhất thế giới chuyên về các chuyến bay dài cho biết, việc thiếu hụt phi công khiến Hãng phải cắt giảm một số chuyến bay.

Người phát ngôn của Jeju Air cho rằng, vấn đề thiếu hụt phi công đã tồn tại lâu nay, nhưng trở nên nghiêm trọng hơn trong những năm gần đây. Theo CAPA, đáng ngại nhất là tại khu vực Ðông Nam Á và Ấn Ðộ, trong đó 4 hãng hàng không chịu tác động lớn nhất là AirAsia, IndiGo, Lion Air và VietJet Air, bởi đây là các hãng hàng không giá rẻ đang khai thác tại khu vực có sự bùng nổ khách hàng hàng không lớn nhất trên thế giới.

Trả lời Bloomberg, ông Ðặng Tất Thắng, CEO Bamboo Airways - “tân binh” trong làng hàng không giá rẻ cho biết: “Các khóa huấn luyện phi công rất phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian, nên tăng trưởng nguồn cung phi công không đáp ứng kịp nhu cầu thị trường. Khó khăn của chúng tôi là việc tuyển dụng các nhân công có kỹ năng, phi công có kinh nghiệm bay cho các hành trình sẽ được đưa vào khai thác trong tương lai gần”.

Trong khi đó, các hãng hàng không giá rẻ đang gia tăng đội bay một cách nhanh chóng. Ðơn cử, IndiGo dự kiến sẽ có thêm ít nhất 40 máy bay cho tới tháng 3/2020, sau khi đã nhận thêm 62 máy bay trong năm nay, theo CAPA. AirAsia đang đặt hàng 375 máy bay, trong khi con số này của VietJet là 216 máy bay, theo số liệu tại website của Airbus và Boeing.

Hàng không Việt giải bài toán thiếu phi công ảnh 1  

Tự đào tạo, lời giải cho bài toán thiếu phi công

Trong bối cảnh thiếu hụt phi công, một số hãng hàng không lựa chọn giải pháp giảm các yêu cầu đối với nhân sự tại vị trí này, chẳng hạn giảm số giờ bay tối thiểu để được đảm nhận vị trí cơ trưởng, theo Steven Greenway, Chủ tịch Swoop, hãng hàng không giá rẻ thuộc WestJet Airlines Ltd (Canada).

Bên cạnh đó, để giải quyết tận gốc bài toán khó về nguồn cung phi công, một số hãng hàng không đã bắt đầu thiết lập hệ thống đào tạo phi công của riêng mình. Chẳng hạn, tại châu Á, Jeju Air Co - hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Hàn Quốc, AirAsia Group Bhd - hãng hàng không sở hữu số lượng tàu bày lớn nhất Ðông Nam Á, Lion Air (Indonesia) hay IndiGo đã thành lập trường đào tạo phi công và đang trong giai đoạn triển khai.

“Cách đây 5-10 năm, thị trường chưa từng chứng kiến các hãng hàng không tự thành lập trung tâm đào tạo. Hiện tại, yếu tố cung - cầu trên thị trường đã thúc đẩy ngành công nghiệp hàng không phải tự tìm ra lời giải mới cho khó khăn của mình”, Wendy Sowers, Giám đốc Marketing Boeing cho biết.

Tại Việt Nam, Vinpearl Air - doanh nghiệp hàng không vừa thành lập cũng theo đuổi chiến lược mở trường đào tạo phi công để giải quyết nhu cầu nhân sự của Hãng, cũng như tham vọng xuất khẩu phi công ra thị trường toàn cầu.

Chia sẻ với Báo Ðầu tư Chứng khoán, bà Nguyễn Thanh Hương, Chủ tịch Vinpearl Air cho biết, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường hàng không phát triển nhất thế giới trong một thập niên trở lại đây, với tăng trưởng doanh thu trung bình 17,4%/năm, cao hơn 2 lần so với mức 7,9%/năm của toàn châu Á.

Theo bà Hương, vị trí thợ máy hiện tại cơ bản đáp ứng được nhu cầu vận hành đội bay trong nước với 2.522 thợ máy đều là người Việt. Tuy nhiên, trong số 2.361 phi công đang làm việc tại Việt Nam, mới có 1.285 phi công là người Việt, chiếm tỷ lệ 54,4%. Với nhu cầu mở rộng đội bay và đường bay của các hãng hàng không trong nước, dự báo tới năm 2025, Việt Nam cần thêm 1.225 phi công và 1.728 thợ máy, tức mỗi năm cần thêm 400-600 nhân lực kỹ thuật cao.

“Sự thiếu hụt này là cơ sở để Vinpearl Air xác định chỉ tiêu đào tạo, bởi chúng tôi muốn có một giải pháp toàn diện về nhân lực chất lượng cao để ngành hàng không Việt Nam duy trì được chất lượng dịch vụ, cũng như đảm bảo tăng trưởng bền vững trong những năm tới”, bà Hương nói.

Theo đại diện Vinpearl Air, trước mắt, hãng bay này đặt mục tiêu đào tạo 400 phi công và thợ máy mỗi năm, sau đó sẽ điều chỉnh tùy theo nhu cầu chung của thị trường. Bên cạnh đó, Vinpearl Air cũng hướng tới việc đào tạo các nhân sự khác trong ngành hàng không như huấn luyện chuyển loại, nâng cấp định kỳ cho phi công, huấn luyện nhân viên điều phối bay, tiếp viên hàng không, quản trị hàng không, kinh tế vận tải hàng không và kỹ sư máy bay… nhằm bổ sung cho sự thiếu hụt nhân sự của ngành hàng không Việt Nam, hướng tới xuất khẩu nhân lực hàng không ra thế giới.

“Tầm nhìn của chúng tôi hướng tới sự phát triển dài hạn, bền vững, không chỉ góp phần giảm thiểu tình trạng khan hiếm phi công trong nước, mà còn hướng tới xuất khẩu phi công Việt ra thị trường quốc tế. Bởi thế, ngay từ khi xây dựng chương trình, Vinpearl Air đã định hướng đào tạo phi công có trình độ thế giới, các chứng chỉ được cấp được quốc tế công nhận để có thể tự do hành nghề ở cả trong nước hay nước ngoài”, bà Hương thông tin.

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục