Mặc dù các thông tin về IPO của hãng hàng không Vietjet vẫn chưa được tiết lộ, tuy nhiên, trong một bản tin ngắn của hãng thông tấn Reuter giữa tuần này, thì Vietjet sẽ có một đợt IPO trị giá khoảng 200 triệu USD vào tháng 12 này. Đây thật sự tin rất hot cho thị trường chứng khoán cuối năm.
Hiện Vietjet từ chối bình luận về các thông tin trên và không có bất cứ thông tin nào được tiết lộ từ hãng.
Tuy nhiên, theo thông tin của ấn phẩm IFR được Reuter trích dẫn, thì đợt IPO sẽ tiến hành vào đầu tháng 12 tới đây, và IFR định giá Vietjet khoảng 1,4 tỷ USD.
Bình luận về thông tin này, giới chuyên gia tại Việt Nam cho rằng, với các hãng lớn như Vietjet thì thông thường thị trường sẽ đánh giá cao hơn rất nhiều, đặc biệt là tiềm năng tăng trưởng của Viejet đang chứng minh được là cao hơn tốc độ trung bình của thị trường hàng không Việt Nam, vốn tăng trưởng 2 con số liên tục trong nhiều năm.
Cùng với thông tin của Vietjet, sự hiện diện của Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) trên thị trường UpCom ngày 21/11 mới đây, và tương tự là Vietnam Airlines vào đầu tháng 12 tới đang giúp thị trường chứng khoán thêm những món hàng tỷ USD có chất lượng. Thông qua đó, thị trường chứng khoán sẽ thêm hấp dẫn với dòng vốn ngoại và các nhà đầu tư nội có thêm nhiều lựa chọn đầu tư.
Cổ phiếu hiếm và nóng
Nhìn vào diễn biến giá cổ phiếu của ACV đăng ký giao dịch trên sàn UpCom, có thể thấy phần nào sức nóng của ngành hàng không. Với giá tham chiếu ngày 21/11 là 25.000 đồng/CP, thì chỉ sau 3 ngày giao dịch, giá cổ phiếu ACV đã vọt lên mức 40.300 đồng/CP (giá đóng cửa phiên 24/11).
Như vậy, với tổng số 1,17 tỷ cổ phiếu, giá trị thị trường của ACV đã đạt mức trên 47.000 tỷ đồng (khoảng 2,1 tỷ USD). Theo kế hoạch kinh doanh 2016, công ty đặt mục tiêu doanh thu 12.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2.056 tỷ đồng, cổ tức chia cho cổ đông là 5%.
Tất nhiên, việc giá cổ phiếu ACV liên tục tăng sau khi giao dịch trên UpCom còn có lý do phần cổ phiếu được phép giao dịch không lớn, và đặc thù biến động giá của UpCom khá rộng. Hiện Bộ Giao thông Vận tải đang nắm giữ tới 95,4% vốn của ACV và lượng cổ phiếu này không giao dịch.
Tuy nhiên, đà tăng giá của ACV hay một trường hợp tương tự là đại gia trong ngành bia rượu Habeco (tăng từ 39.000 lên gần 145.000 đồng/CP chỉ trong 8 phiên sau khi lên UpCom), đang cho thấy sức nóng của các doanh nghiệp lớn, hoạt động trong những ngành được coi là có tiềm năng tăng trưởng mạnh tại Việt Nam lớn thế nào.
Quay trở lại với câu chuyện của ngành hàng không, Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam là một trong bảy thị trường hàng không phát triển nhanh nhất thế giới và sẽ trở thành thị trường hàng không tăng trưởng mạnh thứ ba trên thế giới về lượng khách quốc tế và hàng hóa được vận chuyển.
Số liệu thống kê của Phòng Vận tải hàng không, Cục hàng không Việt Nam cho thấy, còn phản ánh con số tích cực hơn cả dự báo trên. Cụ thể, riêng quý I/2016 các hãng hàng không trong nước vận chuyển được hơn 9 triệu lượt hành khách (khách trong nước và khách quốc tế), tăng 32% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, trong 4 hãng hàng không đang hoạt động thì thị trường gần như chỉ là “cuộc chơi” của 2 hãng lớn nhất là Vietnam Airlines và Vietjet khi nắm tổng cộng tới khoảng 87% thị phần hàng không nội địa.
Với Vietjet, liên tục 3 năm liền, cổ đông được nhận cổ tức khoảng 70%/ năm. Riêng năm 2016 cổ tức dự kiến tới 100%, và theo nguồn tin không chính thức năm 2017 lợi nhuận có thể đạt tới 70% trên vốn điều lệ chưa kế nguồn vốn thặng dư từ phát hành cổ phiếu.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh, năm 2015 doanh thu của hãng này tăng tới 205%, đạt 10,9 nghìn tỷ đồng (488 triệu USD), trong khi lợi nhuận ròng tăng tới gần 1.000 tỷ đồng. Kế hoạch năm 2016, Vietjet dự kiến doanh thu 2016 là 22.000 tỷ đồng.
Việt Nam là một trong bảy thị trường hàng không phát triển nhanh nhất thế giới và sẽ trở thành thị trường hàng không tăng trưởng mạnh thứ ba trên thế giới về lượng khách quốc tế và hàng hóa được vận chuyển.
Còn Vietnam Airlines, năm 2016, hãng này đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2,3 nghìn tỷ đồng, tăng 121% so với năm 2015. Vietnam Airlines (HVN) tiến hành IPO vào tháng 11/2014, và bán ra 49 triệu cổ phiếu với mức giá trung bình 22.307 đồng/cổ phiếu. Tại thời điểm đó, Vietnam Airlines được định giá 1,5 tỷ USD.
Theo môi giới một công ty chứng khoán, giá cổ phiếu HVN đang được chào mua bán ở tầm 35.000-40.000 đồng/CP. Với mức giá này thì giá trị vốn hoá của HVN đang ở khoảng 2,8 tỷ USD, lọt vào top đầu quy mô trên sàn chứng khoán khi niêm yết.
Theo chuyên gia phân tích của một công ty chứng khoán, tất cả các số liệu trên cho thấy tiềm năng rất lớn của ngành hàng không Việt Nam, và với đối với giới đầu tư thì vấn đề chưa phải là giá cổ phiếu các hãng hàng không này là bao nhiêu mà là “có mua được hay không?”.
Nhìn vào kinh nghiệm IPO của Vietnam Airlines vào cuối năm 2014, thời điểm thị trường chứng khoán không thật thuận lợi, nhưng có một cuộc đua quyết liệt giữa các tổ chức đăng ký mua, và cuối cùng là Techcombank và Vietcombank là 2 ngân hàng thắng cuộc với mức giá đấu thành công cao hơn khá nhiều so với dự kiến.
Cuộc đua này được dự báo sẽ lặp lại ở đợt IPO của Vietjet sắp tới, đặc biệt là ở thời điểm thị trường chứng khoán hiện tại đang rất sôi động. Ưu thế của Vietjet là tốc độ tăng trưởng vượt trội và mô hình quản trị hiện đại, năng động, đặc biệt được điều hành bởi các doanh nhân đã có “thương hiệu” trên thị trường. Đây là công ty Việt Nam đầu tiên có bộ hồ sơ, quy trình IPO tiêu chuẩn quốc tế.
“Đây là lý do khiến doanh nghiệp có độ hấp dẫn hơn cả các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa”, vị chuyên gia trên nói và cho biết: “Thị trường sẽ định giá tốt hơn, nhưng với cả phương pháp tính như chiết khấu dòng tiền, so sánh tương đương với các hãng hàng không trong nước và quốc tế, cũng như xu hướng đầu tư hiện tại thì giá trị Vietjet đang quanh mức 2 tỷ USD, đây chắc chắn sẽ là ‘bom tấn’ trong tháng 12 của chứng khoán Việt Nam”.