Vietstar sẽ trở thành hãng hàng không thứ 5 tại Việt Nam

Công ty TNHH MTV Vietstar sẽ thay thế CTCP Hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt trong cuộc chạy đua giành giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không thứ 5 tại Việt Nam.     
Vietstar sẽ trở thành hãng hàng không thứ 5 tại Việt Nam

Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, Cục Hàng không Việt Nam vừa trình Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) báo cáo kết quả thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không  của Công ty TNHH MTV Vietstar.

Công ty TNHH MTV Vietstar (Vietstar) là doanh nghiệp mới được thành lập vào cuối tháng 6/2016 (giấy chứng nhận đăng ký số 0313877053 do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp), có trụ sở tại 286 - Hoàng Hoa Thám, P12, Q. Tân Bình, TP.HCM với số vốn là 300 tỷ đồng.

Kết quả thẩm định của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, hồ sơ của Công ty Vietstar đáp ứng đầy đủ các quy định hiện hành, bao gồm những điều kiện tối cần thiết như văn bản xác nhận vốn, thỏa thuận về việc thuê tàu bay, bản sao các văn bằng chứng chỉ chuyên môn của người phụ trách.

Cơ quan quản lý nhà nước về hàng không cũng cho biết, Vietstar có thị trường mục tiêu là trục nội địa Bắc Nam, khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á trên vai trò là hãng hàng không vận chuyển hành khách và vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng đầu tiên tại Việt Nam.

Nếu có được giấy phép, Vietstar dự kiến cất cánh vào năm 2017 với đội bay gồm 7 chiếc, trong đó có 5 máy bay vận chuyển khách (Airbus A320, A321, Boeing 737), 2 máy bay vận chuyển hàng hóa chuyên dụng loại Boeing737 – 300 Freighter.

Vietstar dự kiến vận chuyển được 0,561 triệu lượt hành khách và 32.000 tấn hàng hóa ngay trong năm đầu bay. Đội bay của hãng vừa đầy tháng này sẽ tăng lên 19 chiếc, trong đó có 9 Boeing 737 – 300 Freighter vào năm 2020.

Được biết, CTCP Hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt và CTCP Kỹ thuật hàng không Ngôi Sao Việt đều là thành viên của Công ty Vietstar.

Việc thành lập Vietstar nhằm tạo ra một công ty chuyên kinh doanh vận chuyển hàng không song song với các đơn vị trong hệ thống như: CTCP Hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt – kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại và CTCP Kỹ thuật hàng không Ngôi sao Việt – dịch vụ kỹ thuật bảo dưỡng tàu bay.

Các công ty này – theo đánh giá của Cục Hàng không Việt Nam, sẽ giúp hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là trong việc cung cấp dịch vụ vận tải đa phương thức.

Trước đó, vào tháng 2/2016, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ này được cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho CTCP Hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt (Vietstar Airlines).

Nếu có được giấy phép, Vietstar dự kiến cất cánh vào năm 2017 với đội bay gồm 7 chiếc, trong đó có 5 máy bay vận chuyển khách (Airbus A320, A321, Boeing 737), 2 máy bay vận chuyển hàng hóa chuyên dụng loại Boeing737 – 300 Freighter.

Điều đáng nói là Vietstar Airlines cũng có phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm hướng tới thị trường mục tiêu là đường trục nội địa Bắc - Nam, khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á. Định hướng xây dựng là hãng hàng không vận chuyển hành khách, kết hợp hàng hóa và vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng đầu tiên của Việt Nam.

Hiện chưa rõ lý do Vietstar được lựa chọn thay thế CTCP Hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt trong cuộc chạy đua giành giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không thứ 5 tại Việt Nam.

Với việc thay thế này, quá trình xin giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của ông chủ nhóm doanh nghiệp này gần như sẽ phải “tua” lại từ đầu.

Theo quy định của Nghị định 92/106/NĐ – CP ngày 1/7/2016, trên cơ sở kết quả thẩm định của Cục Hàng không Việt Nam, Bộ GTVT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp nhận cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietstar.

Thống kê của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, tính đến quý I/2016, cả 4 hãng hàng không là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines, Vasco và Viet Jet đều đang cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách, dịch vụ vận chuyển hàng hóa kết hợp trên các chuyến bay chở khách, chưa có hãng hàng không nội địa nào khai thác thị trường hàng hóa quốc tế, nội địa bằng tàu bay chuyên dùng.

Trong giai đoạn 2010 – 2015, thị trường vận tải hàng không Việt Nam luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, liên tục, với tốc độ tăng trưởng trung bình là 15,9% về hành khách và 10,7% về hàng hóa. Năm 2015, sản lượng thông qua các cảng hàng không, sân bay Việt Nam đạt 63 triệu lượt hành khách và 0,94 triệu tấn hàng hóa tăng tương ứng 24,3% về hành khách và 7,8% về hàng hóa so với năm 2014.

Bên cạnh hồ sơ được đánh giá là đầy đủ, đây là điểm lợi thế của Vietstar trong quá trình xin giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không so với CTCP Hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt.

“Do vậy, việc có một doanh nghiệp Việt Nam tham gia cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách và vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng là cần thiết, phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, ông Lại Xuân Thanh cho biết.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục