47 tổ chức, cá nhân chưa thực hiện việc lắp đặt trạm cân và 38 tổ chức, cá nhân chưa thực hiện lắp đặt camera giám sát theo quy định. Đó là con số mà Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng vừa nêu ra sau khi phối hợp khảo sát với Viễn thông Lâm Đồng và báo cáo của các huyện, thành phố về việc lắp đặt trạm cân, camera giám sát và lập sổ sách, chứng từ trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Đơn cử như Công ty TNHH Trung Sơn Bảo Lộc (phường Lộc Sơn, TP.Bảo Lộc) dù đang hoạt động nhưng chưa lắp đặt trạm cân. Công ty này được cấp phép khai thác cát và đá chẻ trên diện tích 3,58 ha vào năm 2017 (thời gian hoạt động 5 năm).
Hay Công ty cổ phần Địa ốc Đà Lạt, Công ty TNHH Tâm Phong (huyện Đạ Huoai), Trung tâm quản lý và khai thác công trình công cộng huyện Đơn Dương (huyện Đơn Dương), Công ty TNHH Phú Quý (Đạt Lạt) vừa chưa lắp đặt trạm cân vừa không có camera giám sát.
Theo thống kê, tại huyện Bảo Lâm, nhiều doanh nghiệp dù được cấp phép khai thác từ những năm 2011, 2013, 2014… nhưng đến nay vẫn “né” lắp đặt trạm cân và không có camera giám sát tại khu vực mỏ theo quy định.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã cấp 90 giấy phép khai thác khoáng sản. Riêng Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp 6 giấy phép.
Tuy nhiên, một số trạm cân lắp đặt không đúng vị trí quy định, trạm cân không hoạt động, bến bãi tập kết không đúng so với hồ sơ thiết kế đã được thẩm định và phê duyệt…
Một số đơn vị chưa lắp đặt camera tại trạm cân, sổ sách, chứng từ, kê khai sản lượng khai thác thực tế lập chưa đúng và đầy đủ theo các biểu mẫu đã được hướng dẫn tại Thông tư số 61 (nay là Thông tư 17/2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường), hàng tháng kê khai nộp không đầy đủ cho cơ quan thuế.
Việc không lắp đặt trạm cân hoặc lắp đặt trạm cân sai vị trí, không đưa vào sử dụng dẫn đến tình trạng cơ quan quản lý, cơ quan thuế khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, khó trích xuất số liệu.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do việc kiểm tra, giám sát, xử lý của các cơ quan chức năng chưa quyết liệt và ý thức chấp hành của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản còn hạn chế, thực hiện mang tính đối phó.
Một số đơn vị chỉ tập trung khai thác vào một thời gian ngắn trong năm, cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo (chưa có lưới điện, hệ thống mạng). Một số mỏ ở vùng sâu, vùng xa, khai thác không sử dụng điện (như cát mỏ cát, đất san lấp, sét), điều kiện giao thông khó khăn nên cũng gây khó khăn trong việc lắp đặt trạm cân, camera giám sát của doanh nghiệp.
Trước đó, ngày 2/8/2021, Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng có văn bản 2761, gửi Sở Tài nguyên và Môi trường “điểm tên” hàng chục doanh nghiệp khai thác khoáng sản không có giấy phép khai thác, khai thác vượt công suất cấp phép, không lắp đặt trạm cân, camera giám sát, kê khai loại sản phẩm tài nguyên khai thác không đúng theo giấy phép được cấp, không đúng loại sản phẩm xác định trong dự án đầu tư, theo thiết kế mỏ, báo cáo kinh tế kỹ thuật.
Ngày 13/8/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị các địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và thẩm quyền chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra, xem xét lập hồ sơ xử lý hoặc tham mưu cơ quan có thẩm quyền xử lý các tổ chức cá nhân có các hành vi khai thác, kê khai nghĩa vụ tài chính mà không có giấy phép khai thác khoảng sản của cơ quan có thẩm quyền cấp và hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp theo xác định của Cục Thuế tại văn bản trên.