
Khung pháp lý mới tạo sự cân bằng
Trong cuộc họp Ủy ban Tài sản Ảo lần thứ tư diễn ra ngày 20/5, FSC Hàn Quốc đã chính thức công bố hoàn thiện bộ hướng dẫn toàn diện về quản lý tài sản số, dự kiến có hiệu lực từ tháng 6/2025.
Điểm đáng chú ý nhất trong bộ quy định mới là việc cho phép cả tổ chức phi lợi nhuận và sàn giao dịch tiền mã hóa được bán tài sản số, nhưng đi kèm với các tiêu chuẩn tuân thủ nghiêm ngặt. Đây được xem là sự cân bằng tinh tế giữa mục tiêu thúc đẩy đổi mới và nhu cầu bảo vệ thị trường.
"Hàn Quốc đang áp dụng cách tiếp cận 'quản lý có trách nhiệm' đối với tiền mã hóa, khác biệt so với mô hình cấm đoán hoàn toàn hoặc buông lỏng quá mức," ông Park Jun-ho, chuyên gia phân tích thị trường crypto tại Seoul, nhận định. "Đây là mô hình phù hợp với bối cảnh tổ chức tài chính đang chuẩn bị gia nhập thị trường, cần có khung pháp lý rõ ràng để hoạt động."
Theo quy định mới, các tổ chức phi lợi nhuận muốn nhận và bán quyên góp bằng tiền mã hóa phải đáp ứng nhiều điều kiện khắt khe. Có thể kể đến như, các tổ chức này phải có ít nhất 5 năm lịch sử tài chính đã được kiểm toán, phải thành lập Ủy ban Xem xét Quyên góp nội bộ, chỉ chấp nhận tiền mã hóa được niêm yết trên ít nhất ba sàn giao dịch lớn trong nước, toàn bộ quyên góp phải được chuyển qua tài khoản Won đã xác minh, thanh lý tiền mã hóa ngay sau khi nhận được.
Các biện pháp này nhằm giảm thiểu rủi ro rửa tiền, vốn là mối quan ngại hàng đầu của các cơ quan quản lý toàn cầu đối với lĩnh vực tiền mã hóa.
Cùng với đó, đối với các sàn giao dịch, FSC cũng đưa ra nhiều quy định chặt chẽ. Đơn cử như, chỉ được thanh lý phí người dùng trả bằng tiền mã hóa để trang trải chi phí hoạt động; doanh số bán bị giới hạn theo hạn mức hàng ngày, không quá 10% tổng khối lượng dự kiến; chỉ được bán 20 token hàng đầu theo vốn hóa thị trường; nghiêm cấm sàn giao dịch bán token trên chính nền tảng của mình để tránh xung đột lợi ích.
Ngoài ra, các tiêu chuẩn niêm yết tài sản số cũng được siết chặt. Các quy tắc mới yêu cầu một lượng cung lưu hành tối thiểu trước khi token được phép giao dịch và tạm thời hạn chế lệnh thị trường sau niêm yết, nhằm giảm thiểu biến động giá đột ngột.
"Những quy định này sẽ giúp loại bỏ các token 'zombie' có thanh khoản thấp và vốn hóa mỏng, cũng như các memecoins thiếu tiện ích rõ ràng," Kim Ji-yeon, nhà phân tích tại một công ty nghiên cứu blockchain có trụ sở tại Seoul, nhận xét. "Đây là bước đi cần thiết để nâng cao chất lượng tài sản trên các sàn giao dịch Hàn Quốc."
Lộ trình mở cửa thị trường cho tổ chức
Bắt đầu từ tháng 6/2025, các sàn giao dịch và tổ chức phi lợi nhuận có thể đăng ký tài khoản thực danh, bước đầu tiên để tham gia vào thị trường tài sản số theo khung pháp lý mới.
Điều đáng chú ý là FSC dự kiến sẽ mở rộng hệ thống tài khoản thực danh cho các công ty niêm yết và nhà đầu tư chuyên nghiệp trong những tháng tiếp theo của năm 2025. Đây được xem là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Hàn Quốc đang chuẩn bị mở cửa thị trường tiền mã hóa cho các tổ chức tài chính lớn.
"Việc cho phép các nhà đầu tư tổ chức tham gia vào thị trường một cách hợp pháp là bước ngoặt quan trọng," chuyên gia tài chính Lee Sung-woo nhận định. "Điều này có thể mang lại dòng vốn mới đáng kể cho thị trường tiền mã hóa Hàn Quốc, đồng thời tăng cường tính chuyên nghiệp và ổn định cho toàn bộ hệ sinh thái."
Song song với các quy định mới, các động thái chính trị tại Hàn Quốc cũng cho thấy xu hướng ủng hộ tiền mã hóa ngày càng tăng. Lãnh đạo Đảng Dân chủ ông Lee Jae-myung gần đây đã đề xuất phát hành stablecoin được gắn với đồng won Hàn Quốc, nhằm giảm phụ thuộc vào các stablecoin nước ngoài như USDt (Tether) và USDC.
"Một stablecoin dựa trên won có thể giúp giữ lại của cải trong nước và tăng cường tính tự chủ tài chính của Hàn Quốc," ông Lee phát biểu tại một diễn đàn chính sách gần đây.
Đáng chú ý, cả ông Lee Jae-myung của Đảng Dân chủ và ông Kim Moon-soo thuộc đảng cầm quyền Sức mạnh Quốc dân đều ủng hộ việc hợp pháp hóa các quỹ ETF giao ngay về tiền mã hóa (spot crypto ETF). Sự đồng thuận lưỡng đảng này báo hiệu một môi trường chính sách thuận lợi cho sự phát triển của ngành công nghiệp blockchain tại Hàn Quốc, bất kể kết quả của các cuộc bầu cử sắp tới.