Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, ngày 7/5/2021, EU đã ban hành Quy định thực thi (EU) 2021/760 sửa đổi Quy định thực thi (EU) 2020/761 và (EU) 2020/1988 liên quan đến hệ thống quản lý một số hạn ngạch thuế quan có giấy phép và bãi bỏ Quy định thực thi (EU) 2020/991.
Quy định thực thi (EU) 2021/760 có hiệu lực từ ngày 11/5/2021. Tuy nhiên, đối với gạo nhập khẩu có nguồn gốc từ Việt Nam trong hạn ngạch thuế quan theo Hiệp định EVFTA, quy định này có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Cụ thể, theo khoản f, mục 3, Phụ lục I của Quy định số 2021/760, việc phân bổ và thực thi hạn ngạch thuế quan của EU dành cho Việt Nam đối với 80.000 tấn gạo/năm theo Hiệp định EVFTA như sau: Đối với 20.000 tấn gạo xay, 10.000 tấn phân bổ cho giai đoạn từ ngày 1/1 đến ngày 31/3; 5.000 tấn phân bổ cho giai đoạn từ ngày 1/4 đến ngày 30/6; 5.000 tấn phân bổ cho giai đoạn từ ngày 1/7 đến ngày 30/9; không phân bổ hạn ngạch cho giai đoạn từ ngày 1/10 đến ngày 31/12.
Đối với 30.000 tấn gạo xát thường: 15.000 tấn phân bổ cho giai đoạn từ ngày 1/1 đến ngày 31/3; 7.500 tấn phân bổ cho giai đoạn từ ngày 1/4 đến ngày 30/6; 7.500 tấn phân bổ cho giai đoạn từ ngày 1/7 đến ngày 30/9; không phân bổ hạn ngạch cho giai đoạn từ ngày 1/10 đến ngày 31/12.
Đối với 30.000 tấn gạo thơm (9 giống: Jasmine 85, ST 5, ST 20, Nàng Hoa 9,VD 20, RVT, OM 4900, OM 5451, Tài nguyên Chợ Đào): 15.000 tấn phân bổ cho giai đoạn từ ngày 1/1 đến ngày 31/3; 7.500 tấn phân bổ cho giai đoạn từ ngày 1/4 đến ngày 30/6; 7.500 tấn phân bổ cho giai đoạn ngày 1/7 đến ngày 30/9; không phân bổ hạn ngạch cho giai đoạn từ ngày 1/10 đến ngày 31/12.
Bộ Công Thương cho biết, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) mở ra một ô cửa nhỏ cho gạo Việt, khi dành lượng hạn ngạch thuế quan 80.000 tấn mỗi năm, lượng gạo trong phạm vi này được hưởng thuế suất 0%, tức là dỡ bỏ hoàn toàn thuế quan.
Cụ thể, theo cam kết trong EVFTA, EU sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo (thuế 0%) đối với gạo xay xát và gạo thơm, đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu các loại gạo chất lượng cao và đặc sản trong thời gian tới. Việc giảm thuế suất cũng sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho gạo Việt Nam trên thị trường EU so với các sản phẩm của các nước khác, những thương hiệu gạo khác.