Kinh nghiệm quốc tế về hạn mức trả tiền bảo hiểm
Hạn mức bảo hiểm tiền gửi được coi là công cụ cốt lõi trong việc thực hiện chính sách bảo vệ người gửi tiền của các hệ thống bảo hiểm tiền gửi.
Công cụ hạn mức bảo hiểm tiền gửi có thể được sử dụng để hỗ trợ các cơ quan quản lý, giám sát trong nỗ lực đảm bảo ổn định hoạt động ngân hàng và duy trì kỷ luật thị trường.
Biện pháp điều chỉnh hạn mức đã được các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á áp dụng khá phổ biến trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua, theo cả hai chiều lên và xuống.
Với sự có mặt của bảo hiểm tiền gửi, người gửi tiền yên tâm hơn khi khoản tiền gửi của mình được bảo đảm chi trả trong trường hợp tổ chức tín dụng (TCTD) mất khả năng thanh toán.
Nếu không có bảo hiểm tiền gửi, sẽ dẫn đến trường hợp người dân tranh nhau rút tiền hàng loạt nhằm tối thiểu hóa thiệt hại, trước khi TCTD tuyên bố phá sản hoặc mất khả năng chi trả. Nghiêm trọng hơn sẽ dẫn đến trường hợp tháo chạy hàng loạt ở tất cả các TCTD, gây hoảng loạn, đổ vỡ lan truyền trên toàn hệ thống.
Tổ chức bảo hiểm tiền gửi Đài Loan (Trung Quốc) đã tăng hạn mức chi trả từ 1,5 triệu Đài tệ lên gấp đôi là 3 triệu Đài tệ khi có dấu hiệu khủng hoảng và một thời gian ngắn sau đó công bố chính sách bảo đảm toàn bộ đến hết 31/12/2010 nhằm trấn an dân chúng (Lê Việt Nga, 2017).
Một số khuyến nghị chính sách liên quan tới hạn mức trả tiền bảo hiểm
Tại Việt Nam, bảo hiểm tiền gửi đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định tâm lý người gửi tiền và nâng cao niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng.
Tính tới cuối năm 2016, đã có 1.267 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi (tăng 12,4% so với 2008), bao gồm 96 ngân hàng, 1.168 quỹ tín dụng nhân dân và 3 tổ chức tài chính vi mô (cập nhật số liệu đến 30/6/201,7 theo báo cáo 6 tháng của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam).
Tại các phòng giao dịch, chi nhánh của các TCTD, nội dung chính sách bảo hiểm tiền gửi được niêm yết công khai tại quầy giao dịch cùng với Giấy chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi.
Việc Chính phủ quyết định nâng hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi từ 05/8/2017 là điều đáng mừng, góp phần nâng cao niềm tin công chúng vào hoạt động ngân hàng. Trong giai đoạn hiện nay, mức chi trả bảo hiểm tiền gửi nâng lên 75 triệu đồng là tương đối hợp lý, đáp ứng thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Xét trong dài hạn, hạn mức trả tiền bảo hiểm cần được định kỳ đánh giá và điều chỉnh trên cơ sở tuân thủ nguyên tắc 8 với các tiêu chí cơ bản về hạn mức trong Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển mô hình bảo hiểm tiền gửi hiệu quả của Hiệp hội bảo hiểm tiền gửi quốc tế (IADI).
IADI cho rằng, hạn mức bảo hiểm thực tế hiệu quả có thể giảm theo thời gian và phải được xem xét thường xuyên. Theo thời gian, lạm phát có thể làm giảm giá trị thực của hạn mức bảo hiểm tiền gửi, cấu phần và quy mô của các khoản tiền gửi có thể thay đổi, và các công cụ tiền gửi mới có thể được cung cấp.
Do đó, việc đánh giá mức độ phù hợp của phạm vi và hạn mức bảo hiểm định kỳ là cần thiết. Những điều chỉnh này có thể tiến hành mà không dự tính trước hoặc có thể được thực hiện tự động, chẳng hạn như thông qua các chỉ số.
Các quốc gia có lịch sử lạm phát cao có thể xác định hạn mức bảo hiểm theo các đơn vị chỉ số nhằm duy trì giá trị thực của hạn mức bảo hiểm tiền gửi.
Mặt khác, cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền để tăng cường hiểu biết về bảo hiểm tiền gửi, đặc biệt là tuyên truyền tới các đối tượng ở vùng nông thôn. Tại chi nhánh, phòng giao dịch của các thành viên phải có đầy đủ thông tin cơ bản về chính sách bảo hiểm tiền gửi thông qua chứng nhận bảo hiểm tiền gửi được niêm yết công khai để người gửi tiền hiểu rõ quyền lợi của mình được bảo đảm.
Đặc biệt, tuyên truyền, giải thích để ổn định tâm lý người dân, không gây xáo trộn an ninh, trật tự trên các địa bàn. Công tác tuyên truyền về vai trò và trách nhiệm của bảo hiểm tiền gửi có ý nghĩa rất quan trọng đến việc nâng cao nhận thức của dân chúng nói chung và người gửi tiền nói riêng, phổ biến kiến thức cho người gửi tiền, và kiến thức chung về tài chính cá nhân sẽ góp phần đưa các chính sách về bảo hiểm tiền gửi vào cuộc sống.