Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam: Vì quyền lợi người gửi tiền và an toàn hoạt động ngân hàng

(ĐTCK) Chủ động, linh hoạt trong triển khai chính sách bảo hiểm tiền gửi, 6 tháng đầu năm, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam: Vì quyền lợi người gửi tiền và an toàn hoạt động ngân hàng

Triển khai hiệu quả chính sách bảo vệ người gửi tiền

6 tháng đầu năm 2017, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã chủ động đề xuất với Ngân hàng Nhà nước sửa đổi một số nội dung Điều lệ hiện hành về tổ chức và hoạt động Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam để phù hợp với thực tế và tham gia ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) và Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD.

Trong giai đoạn quyết liệt tái cơ cấu các TCTD hiện nay, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tích cực nghiên cứu, đề xuất tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm báo cáo Ngân hàng Nhà nước xem xét trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ngày 15/6/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 21/2017/QĐ-TTg về hạn mức trả tiền bảo hiểm. Theo đó, hạn mức trả tiền bảo hiểm mới được áp dụng từ ngày 5/8/2017 là 75 triệu đồng (tăng 25 triệu đồng so với hạn mức trả tiền bảo hiểm hiện đang áp dụng).

Hạn mức trả tiền bảo hiểm mới đảm bảo hài hòa các lợi ích kinh tế trên thị trường, góp phần tạo sự an tâm cho người gửi tiền vào hệ thống tài chính – ngân hàng quốc gia; đồng thời, nâng cao vị thế Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong quá trình tái cơ cấu các TCTD.

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai đồng bộ các hoạt động nghiệp vụ chính sách bảo hiểm tiền gửi phù hợp với nội dung Quyết định số 21.

Hoạt động cấp và thu hồi chứng nhận bảo hiểm tiền gửi được Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thực hiện kịp thời, đáp ứng nhu cầu của 100% tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.

Trong nửa đầu năm 2017, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã cấp mới, cấp bổ sung, cấp lại 374 chứng nhận và bản sao chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi cho các TCTD; thu hồi 1 chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi; thay đổi thông tin của 66 chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi.

Song song với đó, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam khẩn trương xây dựng phương án và kịp thời triển khai thực hiện cấp chứng nhận và bản sao chứng nhận bảo hiểm tiền gửi ngay khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 21/2017/QĐ-TTg ngày 15/6/2017 vừa qua về việc nâng hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi.

Công tác quản lý và đầu tư vốn được thực hiện đúng quy định, an toàn, hiệu quả, góp phần phát triển nguồn vốn, đem lại nguồn thu bổ sung cho quỹ dự phòng nghiệp vụ và nâng cao năng lực tài chính của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

Tính đến hết ngày 30/6/2017, tổng nguồn vốn hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là hơn 33 nghìn tỷ đồng, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2016. Hầu hết lượng vốn tạm thời nhàn rỗi được đầu tư vào trái phiếu chính phủ.

Công tác kiểm tra tại chỗ luôn được Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam chú trọng quan tâm. Trong hai quý đầu năm 2017, toàn hệ thống Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã hoàn thành kiểm tra đối với 141 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, bao gồm 123 quỹ tín dụng nhân dân và 18 ngân hàng. Công tác kiểm tra các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi đã được hoàn thành theo đúng kế hoạch đề ra.

Công tác thông tin tuyên truyền được Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam triển khai đa dạng dưới nhiều hình thức như phát tờ thông tin, tuyên truyền trực tiếp tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, đăng tin, bài trên nhiều báo và tạp chí uy tín, cập nhật kịp thời các hoạt động bảo hiểm tiền gửi trong nước và quốc tế trong Bản tin Bảo hiểm tiền gửi phát hành theo quý và trên website.

Bên cạnh đó, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam còn phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các đơn vị truyền thông xây dựng kế hoạch tuyên truyền về bảo hiểm tiền gửi phát sóng trên các chương trình mang tính đại chúng như “Pháp luật và cuộc sống” của Ban Khoa giáo -Đài Truyền hình Việt Nam, chuyên mục tài chính ngân hàng của kênh Truyền hình Nhân dân...

Đặc biệt, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã tiến hành các hoạt động tuyên truyền mở rộng với trọng tậm hạn mức bảo hiểm tiền gửi mới sau khi Thủ tướng Chính phủ chính thức ký quyết định. 

Bên cạnh các hoạt động nghiệp vụ, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng chú trọng phát triển các hoạt động hỗ trợ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động toàn hệ thống.

Đầu năm 2017, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đưa vào vận hành hệ thống quản trị HW-SW và rà soát tính đáp ứng của ứng dụng phần mềm đối với các công tác nghiệp vụ.

Ngoài ra, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phối hợp với các bên liên quan thực hiện báo cáo kết thúc dịch vụ, thực hiện các thủ tục nghiệm thu và thanh lý hợp đồng các gói thầu trong khuôn khổ dự án Hiện đại hóa hệ thống ngân hàng -cấu phần Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (Dự án FSMIMS).

Hiện nay, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã và đang tích cực xây dựng và triển khai kế hoạch công tác tổ chức Hội nghị thường niên APRC 2018 do Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đăng cai tổ chức tại Việt Nam.

Tập trung hoàn thành kế hoạch năm 2017

Phát huy những kết quả đạt được, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện trong 6 tháng cuối năm:

Tích cực tham gia nghiên cứu, đề xuất với Ngân hàng Nhà nước xem xét trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Luật Các TCTD để Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có thể tham gia sâu hơn trong kiểm soát rủi ro của các tổ chức tín dụng;

Triển khai đầy đủ và hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, tập trung vào các hoạt động bảo hiểm tiền gửi và thực hiện nhiệm vụ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam;

Chủ động triển khai đồng bộ các hoạt động nghiệp vụ phù hợp theo Quyết định số 21/2017/QĐ-TTg ngày 15/6/2017 về việc nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm;

Đầu tư hiệu quả nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi, nâng cao năng lực tài chính của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trên cơ sở đảm bảo an toàn và phát triển vốn.

Ngoài các hoạt động nghiệp vụ, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng tập trung xây dựng, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin và các phần mềm ứng dụng công nghệ, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động; tập trung tổ chức ứng dụng, vận hành và sử dụng hiệu quả các module Dự án FSMIMS; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và hợp tác quốc tế, từng bước áp dụng các chuẩn mực quốc tế vào hoạt động BHTG tại Việt Nam; phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức Đảng, đoàn thể trong thực hiện nhiệm vụ chính trị; tổ chức và động viên cán bộ, người lao động trong toàn hệ thống hưởng ứng tham gia các phong trào thi đua, nỗ lực vì mục tiêu phát triển của hệ thống Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

Lê Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục