Về sản xuất, các chỉ số thống kê cho thấy, tốc độ tăng GDP do nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản tạo ra trong năm 2015 thấp nhất trong 5 năm (năm 2011 tăng 4,23%, năm 2012 tăng 2,92%, năm 2013 tăng 2,63%, năm 2014 tăng 3,44%); tăng thấp thứ hai tính từ năm 1991 (thấp nhất là năm 2009, chỉ tăng 1,91%). Bình quân năm trong thời kỳ 2011-2015 cũng thấp nhất so với 3 thời kỳ 5 năm trước.
Tăng trưởng sản xuất thấp do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ đầu vào. Vốn đầu tư cho ngành này trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội vẫn còn thấp xa so với tỷ trọng trong GDP trong nhiều năm (chỉ bằng khoảng trên 1/3). Trong đó, vốn tự có tích lũy từ nông nghiệp không nhiều, chủ yếu do năng suất lao động thấp (chỉ bằng trên 1/5 năng suất lao động nhóm ngành công nghiệp - xây dựng), vốn đầu tư nước ngoài vào nhóm ngành này rất nhỏ...
Trong khi đó, tỷ lệ chi phí trung gian so với giá trị sản xuất cao lên (thể hiện ở tốc độ tăng giá trị sản xuất cao hơn tốc độ tăng giá trị tăng thêm: tăng 2,3% so với tăng 2,21%). Do tác động của thời tiết, diện tích lúa mùa và hè thu ở các tỉnh miền Bắc bị giảm, làm cho sản lượng bị giảm; diện tích gieo trồng cây vụ đông chỉ đạt 86,4% so với cùng kỳ; diện tích nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng giảm...
Tiêu thụ nông sản gặp khó khăn ở cả thị trường trong nước và thị trường nước ngoài. Ở thị trường trong nước, giá trị lương thực sau khi tăng khá cao trong thời kỳ 2004 - 2011, năm 2012 đã giảm sâu (giảm 5,66%), giảm thấp trong 2 năm (2013 tăng 1,98%, năm 2014 tăng 1,3%), 10 tháng 2015 giảm 2,4%.
Xuất khẩu nông, lâm - thủy sản gặp khó khăn về nhiều mặt. Tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm của nhóm ngành này trong 10 tháng năm 2015 ước đạt 24,61 tỷ USD, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số mặt hàng còn giảm sâu hơn.
Cụ thể, mặt hàng thủy sản ước đạt 5,425 tỷ USD, giảm 17%, hay giảm 1,111 tỷ USD. Mặt hàng gạo, lượng xuất khẩu sau khi đạt đỉnh điểm (8,02 triệu tấn vào năm 2012), năm 2013 giảm còn 6,59 triệu tấn, năm 2014 giảm còn 6,33 triệu tấn, 10 tháng 2015 ước 5,22 triệu tấn, giảm 6,5%; giá giảm 7,3% (làm kim ngạch giảm 174 triệu USD); nên kim ngạch ước đạt 2,226 tỷ USD, giảm 13,3%, hay giảm 341 triệu USD so với cùng kỳ năm trước. Cà phê 10 tháng lượng xuất khẩu giảm 20,9% hay giảm 305.000 tấn, giá giảm 2,7% (làm giảm 59 triệu USD); nên kim ngạch chỉ đạt 2,153 tỷ USD, giảm 30,8% hay giảm 958 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ 5 mặt hàng là thủy sản, gạo, cà phê, cao su, chè đã làm giảm 2,641 tỷ USD. Xuất khẩu giảm do cả 3 yếu tố, ngoài lượng, giá như đã nêu trên, còn do thị trường xuất khẩu gặp khó khăn. Một số thị trường lớn do nhu cầu thấp đi, do sự cạnh tranh của hàng xuất khẩu từ các nước khác, do giảm giá đồng nội tệ lớn hơn của Việt Nam, do hàng rào kỹ thuật...
Ngoài ra, chất lượng và an toàn thực phẩm của nông sản Việt Nam cũng chưa được cải thiện - một điểm nghẽn không nhỏ của nông sản Việt Nam trong điều kiện mở cửa, hội nhập sâu, rộng hơn.