Hạn chế giao dịch bằng tiền mặt, cần chiến dịch tổng thể

(ĐTCK) Nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 8/1/2019 trong đó có nội dung sẽ phối hợp với Bộ Tài chính công khai chi tiết danh mục bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng. Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng đã có cuộc phỏng vấn với TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế xung quanh vấn đề này. 
Đối với giao dịch bất động sản, thanh toán qua ngân hàng là rất cần thiết

Là người nhiều năm làm việc ở nước ngoài, ông có thể cho biết, các nước trên thế giới có lập danh mục thanh toán bắt buộc qua ngân hàng?

Ở Mỹ không bắt buộc phải giao dịch qua ngân hàng. Ở Mỹ mình trả bằng tiền mặt hay phương tiện khác như chuyển khoản, thẻ tín dụng đều tùy thuộc vào hai bên thương lượng, không có quy định về việc phải thanh toán như thế nào.

Người dân có thể mua nhà vài trăm nghìn USD, có thể mang tiền mặt đến thanh toán nếu là tiền hợp pháp. Vấn đề là người bán nhà có muốn nhận tiền mặt hay không, vì nhận tiền mặt với số tiền lớn họ phải khai báo với sở thuế và các cơ quan phòng chồng rửa tiền. Ngay cả khi người nhận tiền nghi ngờ tiền không hợp pháp, thì người nhận tiền hay tổ chức kinh tế nhận tiền phải làm báo cáo về giao dịch đáng nghi ngờ này và gửi lên các cơ quan có thẩm quyền. Không thực hiện nghĩa vụ này có thể bị truy tố trước pháp luật. Có một quy định rất chặt chẽ, một tổ chức, ngân hàng nhận được tiền mặt trên 10.000 USD thì phải khai báo với sở thuế. Nếu không khai thì phạm luật có thể bị truy tố và phạt nặng.

TS. Nguyễn Trí Hiếu
Các tổ chức kinh tế, cửa hàng, nhận được tiền từ 10.000 USD thì có mẫu của cơ quan thuế, IRS, (Mẫu IRS 8300) để khai nhận từ ai, rồi nộp thuế cho sở thuế. Sở thuế có thể tiếp tục điều tra về người dùng số tiền đó và nguồn gốc số tiền. Với các tổ chức kinh tế không phải ngân hàng, việc khai báo có thể không triệt để, nhưng các ngân hàng phải khai báo, nếu không phạm luật. Tất cả những vấn đề này liên quan luật rửa tiền AML (Anti-money laundering). Bên cạnh đó, một định chế tài chính (financial institution) phải lưu giữ những chứng từ liên quan đến việc chuyển tiền từ 3.000 USD trở lên, bất kể là tổ chức này nhận hay gửi số tiền này. Không thực hiện qui định này một ngân hàng sẽ vô cùng rắc rối với các cơ quan chống rửa tiền.

Tuy nhiên, những quy định trên của Mỹ không nhắm vào việc hạn chế thanh toán bằng tiền mặt, mà chủ yếu là để chống rửa tiền. 

Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ phối hợp với Bộ Tài chính công khai chi tiết danh mục bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng, ông nhận định thế nào về vấn đề này?

Việc này theo tôi việc này xuất phát từ nguyên nhân cơ bản là hướng đến nền kinh tế phi tiền mặt và cũng liên quan đến phòng chống rửa tiền. Ở Việt Nam, thì tồn tại hai vấn đề: sử dụng tiền mặt quá nhiều và chuyện rửa tiền. Ở đây, ai cũng phải có tiền mặt và dùng tiền mặt hằng ngày, nên để chuyển biến từ tiền mặt sang phi tiền mặt, cần phải có quy định chặt chẽ như thế này.

Vấn đề thứ hai là câu chuyện rửa tiền, như sử dụng tiền mặt (là tiền bẩn) mua tài sản, rồi bán, rồi chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng, nghĩa là chuyển từ tiền bẩn sang tiền sạch. Do đó, Ngân hàng Nhà nước muốn hạn chế sử dụng tiền mặt và chống rửa tiền bằng cách  đưa các giao dịch vào khuôn khổ để kiểm soát. Điều này khác với nền kinh tế Mỹ, bởi việc sử dụng tiền mặt ít hơn, chỉ có vấn đề rửa tiền là chuyện lớn mà thôi.

Dẫu vậy, việc xây dựng danh mục bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng tôi cho rằng, đây là vấn đề khá nhiêu khê. Nền kinh tế có hàng triệu hàng hóa sản phẩm, lựa chọn những hàng hóa sản phẩm nào để hạn chế rửa tiền và làm giảm thanh toán bằng tiền mặt là việc khó khăn, mà đưa bao nhiêu loại hàng hóa sản phẩm là đủ để đạt yêu cầu? Hơn nữa, nền kinh tế luôn phát sinh ra danh mục hàng hóa mới và các phương thức thanh toán mới, Không lẽ mỗi năm lại phải ban hành một danh sách các loại hàng hóa phải thanh toán bằng các phương tiện phi tiền mặt? Do đó, việc đưa ra danh sách trong chừng mực nào đó là không hợp lý.

Có lẽ, chúng ta nên quy định bất cứ thanh toán nào, ở số tiền nào đó trở lên, về giao dịch ở mức độ nhất định thì phải chuyển khoản, trừ một số trường hợp nào đó luật pháp cho phép sử dụng tiền mặt kể cả giao dịch lớn, nhưng phải có định nghĩa rõ ràng về giao dịch lớn.

Một vấn đề cần chú ý là chúng ta vốn đã có quy định về giao dịch lớn phải phi tiền mặt, nhưng câu chuyện này không biết việc thực hiện đến đâu. Do đó, tôi cho rằng, trước hết phải thực hiện những quy định vốn có. Quy định cũ không thực hiện được, nay thêm quy định mới sẽ khó tránh khỏi việc quy định mới đưa ra cũng rơi vào tình trạng đưa ra luật mà không thực hiện.

Dù vậy, tôi đồng ý một số giao dịch lớn phải quy định thanh toán bắt buộc qua ngân hàng thay vì đưa ra danh sách các giao dịch phải trả tiền mặt để loại trừ khả năng trong tương lai thêm giao dịch mới thì lại phải bổ sung danh sách này sẽ rất phức tạp.

Quan điểm của ông là cùng với việc đưa ra quy định, cần có cơ chế giám sát các quy định?

Đúng vậy, song song với quy định là những vấn đề liên quan đến giám sát, thực hiện, xử lý các vi phạm. Chẳng hạn, các giao dịch bất động sản từ 300 triệu đồng trở lên phải sử dụng thanh toán phi tiền mặt, là phải có cơ chế giám sát những giao dịch này. Công đoạn này thực tế không khó, bởi việc mua bán đều qua nhiều thủ tục, quy trình công chứng pháp lý…, nên dễ dàng kiểm soát được.

Cơ quan thanh tra của chính phủ phải thanh tra những giao dịch có dấu hiệu sử dụng tiền mặt, không đúng theo quy định để có hướng xử lý, xử phạt, nếu không chuyện đâu vẫn hoàn đó. Đặc biệt, đối với bất động sản, thanh toán qua ngân hàng là rất cần thiết, vì đây vốn là công cụ rửa tiền hữu hiệu ở Việt Nam và ở Mỹ cũng vậy, khi người rửa tiền thường có lượng tiền mặt lớn, qua hoạt động phạm pháp, buôn lậu, tham nhũng...

Việt Nam có nền kinh tế ngầm khá lớn, nhiều số tiền đi vào nền kinh tế ngầm thể hiện qua tín dụng đen, cho vay huy động vốn ngoài luồng chính thức, các giao dịch ngầm, đầu tư trong một hệ thông ngân hàng ngầm (Shadow banking). Đặc biệt, các hoạt động này càng ngày càng mạnh mẽ hơn nữa nhờ ứng dụng của công nghệ thông tin, và các loại đồng tiền kỹ thuật số (crypto currencies) giúp cho vấn đề chuyển tiền ngày càng lớn, nhanh chóng hiệu quả, và dễ dàng qua mặt các cơ quan an ninh tiền tệ.

Do vậy, hạn chế tiền mặt là để khuyến khích thanh toán phi tiền mặt và chống rửa tiền, chống tham nhũng, chống hoạt động kinh tế phạm pháp…, nhưng để giải quyết những vấn đề lớn hơn không chỉ là đưa ra danh mục về bất động sản hay chứng khoán, bởi điều này không giải quyết được vấn đề, chỉ mang tính chắp vá, xử lý tình huống, không lâu dài, mà cần có động thái bao trùm hơn, chiến dịch tổng thể ở các bộ, ban, ngành. Dẫu vậy, tôi cho rằng, để có ngay một hành động cụ thể, các giao dịch trên 100 triệu đồng phải bắt buộc qua hệ thống ngân hàng là hợp lý.

Mục II, phần nhiệm vụ đối với các đơn vị tại trụ sở chính Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chỉ thị số 01/CT-NHNN ban hành ngày 8/1/2019 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2019 do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng ký có nội dung: Hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; chính sách hạn chế thanh toán bằng tiền mặt; khuôn khổ pháp lý cho hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; quy định về phí đảm bảo thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Phối hợp với Bộ Tài chính công khai chi tiết danh mục giao dịch bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng; nghiên cứu đề xuất Chính phủ sửa đổi các quy định của pháp luật để khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch bất động sản.

Hồng Dung thực hiện.
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2019

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục