Hạn chế dùng bừa tiền góp vốn mua căn hộ, cách nào?

 (ĐTCK) Rất nhiều tranh chấp, kiện tụng cho thấy, các chủ đầu tư đã lợi dụng tiền khách hàng góp vốn mua căn hộ, sử dụng vào vô vàn mục đích khác nhau và để cho dự án chậm tiến độ, thậm chí không triển khai được, trong khi khách hàng mỏi cổ chờ nhà.
Lãnh đạo HAIC đã bị đưa ra xét xử do sử dụng sai mục đích hơn 263 tỷ đồng thu của khách hàng trong dự án B5 Cầu Diễn Lãnh đạo HAIC đã bị đưa ra xét xử do sử dụng sai mục đích hơn 263 tỷ đồng thu của khách hàng trong dự án B5 Cầu Diễn

Đơn cử, vụ án xảy ra ở Dự án B5 Cầu Diễn, kết quả điều tra cho thấy, hàng trăm tỷ đồng khách hàng nộp vào được sử dụng với nhiều mục đích, từ chi trả lương thưởng, mua văn phòng phẩm đến đầu tư các thiết bị máy tính, máy in… mà không sử dụng cho mục đích hoàn thiện dự án.

Cựu Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Nguyễn Văn Tuẫn của Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội (Công ty HAIC) đã bị cáo buộc có hành vi lạm quyền trong khi thi hành công vụ, thu hơn 263 tỷ đồng của khách hàng trái quy định pháp luật.

Cụ thể, Công ty HAIC được Nhà nước giao và cho thuê khu B5, diện tích gần 29.000 m2 thuộc thị trấn Cầu Diễn, Từ Liêm (Hà Nội). Sau đó, Công ty HAIC đã hợp tác với CTCP Đầu tư xây dựng nhà đất (sau đổi tên và gọi tắt là Housing Group) hợp tác đầu tư để thực hiện Dự án Khu chung cư và biệt thự nhà vườn tại khu đất B5 Cầu Diễn với diện tích hơn 22.000 m2, gồm 3 chung cư 21 tầng và 36 nhà vườn, tổng mức đầu tư 279 tỷ đồng.

Quá trình thực hiện dự án, khi chưa được UBND TP. Hà Nội phê duyệt quy hoạch điều chỉnh chi tiết, Nguyễn Văn Tuẫn đã chỉ đạo nhân viên dưới quyền huy động vốn của khách hàng với số tiền hơn 263 tỷ đồng. Số tiền này được gửi vào ngân hàng và rút dần, chi tiêu cho nhiều mục đích, ngoại trừ đầu tư vào Dự án B5 Cầu Diễn.

Cơ quan cảnh sát điều tra xác định Nguyễn Văn Tuẫn đã chỉ đạo chi dùng số tiền nói trên chi phí quản lý doanh nghiệp, chi trả lương nhân viên, hỗ trợ cán bộ nghỉ hưu, chi mua tài sản cố định, trả tiền thuê đất, tiền vay ngân hàng, mua bảo hiểm, chi tạm ứng, cho vay, nộp thuế… Riêng chi nhánh Hải Dương của công ty này được chi tạm ứng tới 15 tỷ đồng.

Vốn góp của khách hàng để mua nhà ở Dự án còn được sử dụng để chi đền bù hoa màu giải phóng mặt bằng Nhà máy gạch Tuynel Hải Dương (hơn 30 tỷ đồng), chi san lấp ao Tây Mỗ (Từ Liêm, Hà Nội), chi đầu tư Nhà máy chế biến gỗ Quảng Trị.

Công ty HAIC còn dùng tiền này để mua bán thép lòng vòng, dẫn đến chưa thu hồi được hàng trăm tỷ đồng. Ngoài ra, Nguyễn Văn Tuẫn còn chỉ đạo dùng 55 tỷ đồng để góp vốn mua cổ phần ở Dự án Khu nhà hỗn hợp cao tầng, dịch vụ đô thị và các công trình thương mại, công cộng tại Khu đô thị Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội). Việc mua bán không thành, Công ty HAIC lại dùng tiền này góp vốn vào Dự án khu biệt thự nhà vườn xã Tiến Xuân (Thạch Thất, Hà Nội) do Công ty Xây dựng Trường Giang làm chủ đầu tư. Hiện dự án đang được UBND TP. Hà Nội rà soát, phân loại, điều chỉnh quy hoạch phù hợp với quy hoạch chung của Hà Nội mở rộng.

Trong hàng trăm tỷ đồng đã được Công ty HAIC chi tiêu vào nhiều mục đích khác nhau, đến nay, mới chỉ thu hồi được hơn 20 tỷ đồng.

Tương tự, tại Dự án giãn dân phố cổ, cơ quan điều tra xác định các bị cáo đã thu 169,5 tỷ đồng của khách hàng khi dự án chưa được phê duyệt chi tiết, chưa triển khai thiết kế xây dựng, chưa ký kết hợp đồng thực hiện dự án. Số tiền này đã được sử dụng hết với các lý do chi tạm ứng phục vụ dự án mới, chi chuyển vốn cho Ban quản lý dự án…, nhưng không giải trình được chi tiết dùng vào việc gì.

Vụ án lừa đảo gần 800 tỷ đồng ở dự án Thanh Hà A cũng là một ví dụ. Hơn 264 tỷ đồng của khách hàng góp vốn đã được sử dụng để mua cổ phiếu của một công ty chưa niêm yết cùng với một khoản chi “ngoài” lên tới 43 tỷ đồng, chưa kể hàng trăm tỷ đồng khác được chi trả nợ ngân hàng, trả nợ cá nhân, chi thưởng, chi cho các dự án khác.

Đánh giá về tình trạng này, luật sư Hồ Anh Khoa, Công ty Luật Basico cho rằng, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 (có hiệu lực từ 1/7/2015) quy định: “chủ đầu tư phải sử dụng tiền ứng trước của khách hàng theo đúng mục đích đã cam kết”, tức muốn “nắn” mục đích sử dụng tiền ứng trước của chủ đầu tư theo nội dung đã thoả thuận với khách hàng. Luật cũng quy định thêm công cụ cho khách hàng nếu muốn kiểm soát mục đích sử dụng tiền ứng trước của chủ đầu tư.

Theo đó, khách hàng có quyền yêu cầu bên bán, bên cho thuê mua cung cấp thông tin về tiến độ đầu tư xây dựng, việc sử dụng tiền ứng trước và kiểm tra thực tế tại công trình. Trong khi đó, chủ đầu tư có nghĩa vụ cung cấp thông tin về tiến độ đầu tư xây dựng, việc sử dụng tiền ứng trước và tạo điều kiện để bên mua, bên thuê mua kiểm tra thực tế tại công trình. Tuy nhiên, theo luật sư Khoa, quy định là vậy, nhưng thực tế để kiểm soát được dòng tiền đầu tư của chủ dự án là rất khó, nếu không muốn nói là không khả thi.

Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục