Trong bài trước, chúng tôi đã có bài phản ánh về tình trạng bán “căn hộ trên giấy” tại Dự án CT4 Vimeco Cầu Giấy, do CTCP Vimeco làm chủ đầu tư.
Theo đó, dù dự án mới đang trong giai đoạn khoan thăm dò và thi công phần hầm, vẫn chưa đủ điều kiện mở bán, nhưng căn hộ dự án này đã được rao bán nhiều trên thị trường, với mức chênh so với giá ghi trên hợp đồng từ 350 - 500 triệu đồng/căn hộ.
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản về việc huy động vốn thực hiện dự án theo dạng hợp đồng góp vốn, ông Nguyễn Văn Thương, Phó phòng Đầu tư, CTCP Vimeco thừa nhận, để huy động vốn triển khai dự án, Vimeco có 2 phương án là vay vốn ngân hàng hoặc huy động từ khách hàng và Công ty đã chọn cách thứ 2.
Dù việc huy động vốn góp không quá 20% khi dự án chưa đủ điều kiện làm hợp đồng mua bán là đúng quy định, nhưng việc căn hộ Dự án CT4 sau đó được bán ra thị trường với tiền chênh lên tới 500 triệu đồng/căn khiến nhiều cổ đông của Vimeco thấy “xót ruột” và đặt câu hỏi, số tiền chênh quá lớn này về túi của ai?
Theo danh sách khách hàng được quyền góp vốn mua căn hộ tại Dự án CT4 Vimeco mà Vimeco cung cấp cho Đầu tư Bất động sản, chúng tôi thấy có tên của nhiều lãnh đạo cấp cao Vinaconex, là công ty mẹ của Vimeco, như ông Thân Thế Hà, ông Dương Văn Mậu, ông Lê Doanh Yên, đều đang là Phó tổng giám đốc Vinaconex và một số cán bộ lãnh đạo khác…
Điều này càng khiến cổ đông của Vimeco và dư luận không thể không đặt câu hỏi về việc, có hay không lợi ích nhóm tại Dự án CT4 Vimeco Cầu Giấy?
Theo quy định của hợp đồng góp vốn, khách hàng không được phép chuyển nhượng cho bên thứ 3. Phía đại diện chủ đầu tư là ông Nguyễn Văn Thương cũng khẳng định, chủ đầu tư “cấm” việc chuyển nhượng. Khi ký hợp đồng mua bán, chủ đầu tư chỉ ký hợp đồng với người đứng tên hợp đồng góp vốn. Thế nhưng, trên thực tế, việc chuyển nhượng vẫn diễn ra.
Một khách hàng mua lại suất mua căn hộ tại Dự án CT4 (xin giấu tên) cho biết, chị mua lại suất mua căn hộ tại dự án này với tiền chênh khoảng 400 triệu đồng. Hợp đồng góp vốn ký với chủ đầu tư vẫn đứng tên chị. Tuy nhiên, trong danh sách khách hàng Vimeco huy động vốn khi chưa xong móng, mà doanh nghiệp này dự kiến gửi báo cáo lên Sở Xây dựng Hà Nội, người đứng tên khách hàng mua căn hộ này lại là người khác!
Theo tìm hiểu của Đầu tư Bất động sản, nếu bán hết quỹ nhà 20% (tương đương 80 căn hộ dự án), Vimeco sẽ huy động được từ 50 - 60 tỷ đồng. Số tiền này giúp Công ty giảm áp lực tài chính khi triển khai phần hầm của dự án. Thế nhưng, khi Công ty huy động được số tiền 50 - 60 tỷ đồng, ước tính các khách hàng bán suất "hợp đồng góp vốn" cũng kiếm được khoảng 30 - 40 tỷ đồng (là phần tiền chênh). Giả sử Công ty lựa chọn hình thức vay vốn từ ngân hàng, với khoản vay 60 tỷ đồng, nếu tính lãi suất cao hiện nay khoảng 11-12%/năm, thì mức lãi mà Vimeco phải trả cũng chỉ khoảng 6,6 - 7,2 tỷ đồng, so với con số khoảng 30 - 40 tỷ đồng quả là khoảng chênh quá lớn.
Liên quan đến việc bán “nhà trên giấy” tại Dự án CT4 Vimeco, Đầu tư Bất động sản sẽ tiếp tục có bài phản ánh tại số báo sau.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966. 43. 45. 46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com |