Cùng là đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), trong khi đầu tư BOT, đặc biệt là BOT giao thông gặp một số vấn đề thì đầu tư BT lại được ủng hộ. Vì sao vậy, thưa ông?
Đầu tư theo hình thức BOT, sau khi hoàn thành dự án, thậm chí chưa hoàn thành, chưa quyết toán, doanh nghiệp đã khai thác qua hình thức thu phí (vé cầu đường bộ).
Giá phí không hợp lý, giá phí mà người dân phải trả không tương xứng với chất lượng dịch vụ, con đường mà người dân địa phương từ đời ông cha đến giờ vẫn đi lại bình thường không phải trả tiền, giờ được nâng cấp bắt buộc họ phải trả tiền trong khi không có sự lựa chọn nên sự phản ứng là tất nhiên.
Còn đối với BT là hình thức đầu tư được ký kết giữa cơ quan nhà nước để xây dựng kết cấu hạ tầng, sau khi dự án hoàn thành, doanh nghiệp chuyển giao lại cho Nhà nước.
Nhà nước không có tiền thanh toán nên giao cho doanh nghiệp quỹ đất khác để khai thác. Hình thức này ai cũng được lợi.
Với Nhà nước (chủ yếu là địa phương) không phải bỏ ra đồng nào, mà vẫn có được công trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi bộ mặt đô thị. Doanh nghiệp thì thu được “lợi nhuận khủng” từ đầu tư BT nên rất sốt sắng.
Còn người dân cũng rất “hoan hỉ” vì được sử dụng công trình phúc lợi công cộng miễn phí, thậm chí nhờ những công trình này mà giá đất tại nơi có công trình, dự án tăng lên, nhiều người dân ở xung quanh công trình, dự án có cơ hội kiếm thêm việc làm, tăng thu nhập, nên không ai phản ứng.
Nếu vậy thì phải nhân rộng hình thức đầu tư này, thay vì việc hạn chế?
Không thể phủ nhận đầu tư theo hình thức BT là động lực phát triển hạ tầng đối với lĩnh vực công.
Đây cũng là một kênh huy động vốn hiệu quả để phát triển hạ tầng, nhằm xã hội hóa nguồn lực tài chính của các nhà đầu tư có năng lực trong và ngoài nước, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, đất đai là tài nguyên quốc gia và không phải là vô tận, nếu quá lạm dụng hình thức BT được gọi bằng “đổi đất lấy hạ tầng”, vừa lãng phí tài nguyên đất đai, lãng phí nguồn lực của Nhà nước.
Ngoài ra, hình thức đầu tư này rất dễ bị bóp méo, biến tướng, là cơ hội cho lợi ích nhóm, tham nhũng và tiêu cực do hoạt động đầu tư phi thị trường, thiếu công khai, minh bạch.
Theo ông, đầu tư theo hình thức BT phi thị trường, thiếu công khai, minh bạch ở những điểm nào?
Bản chất của BT là Nhà nước mua lại công trình, dự án của doanh nghiệp. Đáng ra phải tổ chức đấu thầu rộng rãi, công khai để mua được sản phẩm với giá thấp nhất, chất lượng cao nhất, nhưng do không có “tiền tươi thóc thật” để thanh toán, nên cho doanh nghiệp sử dụng quỹ đất khác theo kiểu hàng đổi hàng.
Nhà nước - người mua không có sản phẩm tương tự để so sánh và cũng không có sự lựa chọn sản phẩm.
Còn bên bán - doanh nghiệp không có đối thủ chào giá cạnh tranh, do hầu hết dự án BT là chỉ định thầu, doanh nghiệp một mình một chợ.
Phi thị trường, không tuân theo quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh và quy luật giá trị, dẫn đến thiếu công khai, minh bạch, nên hình thức này dễ bị biến tướng, khả năng tham nhũng, tiêu cực, gây thất thoát tài sản nhà nước rất cao.
Ông có thể chỉ ra điểm mấu chốt dẫn đến tiêu cực, tham nhũng, gây thất thoát tài sản nhà nước?
Theo Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư thì việc lựa chọn nhà đầu tư được đấu thầu rộng rãi hoặc chỉ định thầu.
Nhưng trên thực tế, tổ chức, cá nhân đại diện cho cơ quan nhà nước sẽ vin vào rất nhiều lý do để chỉ định thầu. Trong chỉ định thầu, người ta sẽ đưa ra nhiều tiêu chí nhằm loại bỏ doanh nghiệp làm ăn chân chính “ngay từ vòng gửi xe” để lựa chọn doanh nghiệp “cánh hẩu”.
Theo Quyết định 23/2015/QĐ-TTg về cơ chế thanh toán bằng quỹ đất khi thực hiện dự án đầu tư BT thì Nhà nước phải thanh toán cho doanh nghiệp quỹ đất sạch với đầy đủ hồ sơ pháp lý.
Giá đất do địa phương công bố thường thấp hơn giá thị trường. Thị trường đất đai tăng liên tục, trong khi lại “chốt” giá đất khiến Nhà nước bị thất thoát lần thứ nhất.
Ngay sau khi nhận được quỹ đất, doanh nghiệp công bố đầu tư công trình, dự án, giá đất lập tức tăng rất mạnh, có khi tăng 2-3 lần, doanh nghiệp chưa cần làm gì, chỉ việc “xắn” ra một ít, phân lô bán nền đã thu rất nhiều tiền, như vậy tài sản nhà nước bị thất thoát lần thứ hai.
Khi doanh nghiệp đầu tư sẽ kéo theo hoạt động đầu tư của tổ chức, cá nhân khác, giá đất lại tiếp tục tăng, còn giá đất dùng để “đổi đất lấy hạ tầng” không tăng, như vậy tài sản nhà nước mất thêm một lần nữa.
Nếu vậy, theo ông có nên chấm dứt hình thức đầu tư BT không?
BT cùng với BOT, BTO, BOO, BTL, BLT, O&M là các hình thức đầu tư PPP. Mỗi hình thức đầu tư PPP có đặc tính riêng, ưu điểm riêng, bổ sung cho nhau nhằm xã hội hóa đầu tư công.
Tùy thuộc vào từng điều kiện cụ thể, Nhà nước áp dụng hình thức đầu tư PPP nào cho phù hợp nhất, vì vậy không nên chấm dứt đầu tư BT.
Tuy nhiên, theo tôi, chỉ đầu tư BT trong các trường hợp không thể áp dụng hình thức đầu tư khác và không thể kêu gọi doanh nghiệp bỏ vốn ra đầu tư, nhưng phải hạn chế tối đa tình trạng chỉ định thầu.