Trong lộ trình tự do hóa dòng vốn, các chính sách cần hướng tới mục tiêu: giảm thiểu các biện pháp can thiệp hành chính, chuyển sang áp dụng các biện pháp kinh tế tác động vào lợi ích của các chủ thể để điều chỉnh dòng vốn như chính sách thuế, lãi suất; tăng cường hiệu quả các biện pháp giám sát an toàn vĩ mô (chế độ thông tin báo cáo, cảnh báo sớm, theo dõi qua tài khoản); nghiên cứu bổ sung chính sách hỗ trợ nâng cao tính chuyển đổi của đồng Việt Nam thông qua việc tham gia sâu rộng hơn vào các giao dịch vốn quốc tế.
Đề án nhằm xác định định hướng lộ trình mở cửa dòng vốn phù hợp với mục tiêu, định hướng cơ cấu kinh tế của Nhà nước, điều kiện kinh tế - xã hội và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đang đàm phán hoặc đã tham gia ký kết có liên quan đến lộ trình tự do hóa dòng vốn; góp phần thúc đẩy thu hút vốn nước ngoài, giảm thiểu tác động từ sự biến động của các dòng vốn quốc tế; hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước về quản lý dòng vốn vào - ra khỏi lãnh thổ…
Theo đề án, lộ trình tự do hóa giao dịch vốn của Việt Nam cần hướng tới mục tiêu hỗ trợ tính hiệu quả của hoạt động đầu tư, tính đồng bộ của chính sách vĩ mô, hướng tới thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước nhằm phát huy mọi nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển kinh tế, đảm bảo an toàn và ổn định vĩ mô, tăng cường giám sát và dự báo biến động dòng vốn, tạo lập môi trường bình đẳng, minh bạch giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đồng thời, cần đánh giá kỹ lưỡng những rủi ro của việc tự do hóa từng dòng vốn cụ thể, từ đó có biện pháp dự phòng không trái với các cam kết quốc tế, đảm bảo khả năng phòng vệ trước các cú sốc kinh tế, hạn chế sự bất ổn định và khủng hoảng do biến động dòng vốn.