Thưa ông, Việt Nam vừa trải qua hành trình 30 năm Đổi mới và cũng lại đang bước vào một chặng đường phát triển mới. Đâu là mấu chốt để chúng ta có thể tiếp tục thành công, nhất là khi Đại hội Đảng lần thứ XII đã xác định phải tiếp tục Đổi mới đồng bộ và toàn diện nền kinh tế?
Công cuộc Đổi mới bắt đầu từ Đại hội Đảng VI, đến nay đã là 30 năm. Đó là một chặng đường gian khổ nhưng cũng đầy vinh quang, có nhiều thành tựu khiến lòng dân phấn chấn, nhưng cũng để lại không ít bài học, không ít vấn đề cần tiếp tục xem xét trong thời gian tới.
Ông Vũ Mão
Có nhiều người nói, Đại hội Đảng lần thứ XII chính là cơ hội cho một công cuộc Đổi mới lần thứ hai. Với công cuộc Đổi mới lần hai này, kỳ vọng của chúng ta, của nhân dân là đổi mới phải mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, có hiệu quả hơn và trí tuệ hơn. Đó là nguyện vọng chính đáng.
Muốn vậy, như Đại hội Đảng lần thứ VI đã đặt ra, trước tiên chúng ta phải đổi mới tư duy, đổi mới từ trong Đảng. Đây là điều hoàn toàn đúng đắn, bởi có đổi mới tư duy, có chuyển biến nhận thức thì mới có chủ trương, đường lối đúng đắn, có chính sách tốt và chỉ đạo thực hiện quyết liệt.
Nhìn lại 30 năm Đổi mới vừa qua, đúng là đổi mới tư duy của chúng ta đã có một bước tiến quan trọng, nhưng không thể vì thế mà thỏa mãn được, phải tiếp tục đột phá, làm sao phát huy tối đa quyền làm chủ của nhân dân, bởi nhân dân là sáng tạo, nhân dân là động lực để đưa đất nước phát triển. Muốn phát huy quyền làm chủ của nhân dân thì phải dân chủ, hay nói cách khác bản chất hàng đầu của Đổi mới chính là dân chủ. Phải dân chủ hơn nữa để mỗi người dân, mỗi một đảng viên coi sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp Đổi mới này là của chính mình, đưa đất nước lên một giai đoạn phát triển mới.
Hồi Đại hội VI, chúng ta đã cởi mở, dân chủ, nhờ vậy đã phát huy được tất cả sức mạnh, tiềm năng để đưa đất nước vượt qua giai đoạn vô cùng khó khăn, tiến lên.
Như ông vừa nói, điều quan trọng là phải đổi mới từ trong Đảng. Cụ thể là thế nào, thưa ông?
Bên cạnh việc đổi mới tư duy, theo tôi, chúng ta phải đặt vấn đề một cách nghiêm túc, đầy đủ về sự lãnh đạo của Đảng. Đảng đã lãnh đạo Cách mạng tháng Tám và hai cuộc kháng chiến thắng lợi, lãnh đạo thực hiện công cuộc Đổi mới thành công, và điều này đã được thừa nhận.
Đảng của chúng ta là Đảng gương mẫu, trí tuệ, vì nước, vì dân, do vậy, bây giờ phải làm sao để sự lãnh đạo của Đảng cũng xứng đáng như ở giai đoạn trước, thậm chí ở một tầm cao mới. Muốn vai trò lãnh đạo của Đảng tốt, thì phải đổi mới sự lãnh đạo của Đảng.
Một thuận lợi là trong Hiến pháp 2013, Điều 4 đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, đồng thời cũng hiến định rằng “Đảng phải chịu trách nhiệm về các quyết định của mình và chịu sự giám sát của nhân dân”. Đây là một tư duy mới của chúng ta. Nhưng nếu chỉ hô khẩu hiệu chung chung thôi thì không được, quan trọng là phải làm rõ sự đổi mới này, Đảng sẽ chịu trách nhiệm trước dân thế nào, chịu sự giám sát của dân ra sao, cơ chế nào để giám sát và chịu trách nhiệm?...
Đảng cũng đã chủ trương phản biện xã hội, điều này rất hay, nhưng quan trọng là triển khai thế nào, cơ chế ra sao?
Tôi cho rằng, mọi thứ phải thật rõ ràng, phải có luật về Đảng, về phản biện xã hội. Điều lệ Đảng cũng cần phải sửa đổi, bổ sung theo hướng làm rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, từng cá nhân có vị trí lãnh đạo trong Đảng.
Chẳng hạn, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chấp hành Trung ương, của Bộ Chính trị, của Tổng bí thư… ra sao? Mối quan hệ giữa sự lãnh đạo của Đảng và các cơ quan nhà nước khác thế nào? Phải rõ ràng giống như Hiến pháp đã hiến định về quyền hạn, nhiệm vụ của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng… Quy định rõ ràng như thế để khắc phục tình trạng lạm quyền, làm thay, và để nhân dân có thể thực hiện quyền giám sát của mình.
Làm được như vậy, vai trò lãnh đạo của Đảng sẽ càng được khẳng định. Trong bối cảnh đất nước hiện nay, tôi cho rằng, Đảng cũng phải đổi mới sự lãnh đạo của mình thì mới đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, lấy lại niềm tin của dân.
Lại là câu chuyện niềm tin, thưa ông. Thực tế thì thời gian qua, niềm tin của nhân dân đã phần nào bị sứt mẻ và thực sự cũng thật là khó để tin khi mà sự tha hóa trong Đảng là có thật. Chúng ta đã vừa tổ chức thành công Đại hội Đảng lần thứ XII. Năm nay cũng là năm mà một Quốc hội mới, một Chính phủ mới, nói đúng hơn là một bộ máy chính trị mới sẽ được thành lập. Để lấy lại niềm tin của dân, thì những người lãnh đạo phải là người như thế nào, thưa ông?
Điều mà chúng ta nói muôn thuở, đó là đức và tài, trong đó đức là điều kiện tiên quyết. Người lãnh đạo cấp cao mà không có đức thì không xứng đáng, không nhận được sự tin yêu của dân. Đức thì như người xưa nói là phải qua rèn luyện phấn đấu, phải sống vì mọi người, không có chủ nghĩa cá nhân, cái đó bây giờ vẫn đúng. Hoặc như Bác Hồ nói là phải “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. Nhưng trong tình hình hiện nay, cốt tử là người đó phải trong sáng và trong sạch.
Trong sáng là người lãnh đạo đó phải xứng đáng với nhiệm vụ được giao, chứ không phải là chạy chức chạy quyền, giờ tình trạng đó nhiều lắm và đây là điều không lành mạnh. Trong sạch là không có tham nhũng. Chúng ta nói “tham nhũng là quốc nạn”, người lãnh đạo mà dính tới quốc nạn thì có xứng đáng không?
Còn tài, nói cụ thể thì cũng thật khó, nhưng đó phải là người có tư duy mới, có tầm nhìn xa trông rộng, phải nhạy bén với thời cuộc, nắm bắt được tri thức nhân loại, đồng thời là người có hành động quyết đoán, dám đi tới cùng.
Nhân nói chuyện lựa chọn lãnh đạo, tôi cũng muốn nhấn mạnh việc dành cơ hội cho những người trẻ tuổi, hay nói đúng hơn là chuyện đào tạo những người kế nhiệm.
Có hai nguồn kế cận. Thứ nhất, đó là những cán bộ trẻ và giỏi ở Trung ương, những người năng lực tốt nhưng lại thiếu thực tiễn, do vậy phải đưa họ về địa phương, để họ tắm mình trong đời sống của người dân, thấu hiểu nỗi khổ người dân. Đó là bài học từ thế hệ trước. Bản thân tôi cũng đi theo con đường như thế, từ cán bộ giảng dạy đại học, tôi về tỉnh làm cán bộ thủy lợi, rồi làm phó ty, trưởng ty thuỷ lợi, sau đó xuống huyện làm Bí thư huyện ủy vùng biên giới…
Chặng đường đó nhiều khi khó khăn, trăn trở, bão bùng ghê lắm và có tới 10 năm trời. Khi đã vượt qua được, trở về Trung ương công tác thấy con người mình, tâm hồn mình, trái tim mình vẫn luôn gắn với cơ sở, với địa phương, với đồng bào miền núi, từ đó mới mong góp được phần nhỏ bé vào những quyết sách, những văn bản pháp luật hợp lòng dân.
Nguồn thứ hai, là đội ngũ đang làm lãnh đạo ở địa phương, ở cấp huyện, xã. Nguồn cán bộ này có thực tiễn nhưng lại thiếu tầm nhìn quốc tế, đôi khi “ếch ngồi đáy giếng”. Cần bổ sung họ vào các cơ quan Trung ương. Trong quá trình ấy, đưa họ đi đào tạo ở nước ngoài, nghiên cứu năm châu bốn biển để có tầm nhìn và có thêm ngoại ngữ để giao tiếp, không tự ti và không cảm thấy lép vế. Bác Hồ của chúng ta đã làm như thế. Đó là tấm gương cho chúng ta học tập.
Đó mới chính là quy hoạch và luân chuyển đúng nghĩa, chứ không phải kiểu “chuồn chuồn đạp nước” như thời gian qua đã tồn tại.
V.I. Lê-nin từng cảnh báo nguy cơ sai lầm về đường lối và xa rời quần chúng nhân dân của đảng cộng sản cầm quyền, chỉ rõ những kẻ thù của người cộng sản, đó là tính kiêu ngạo, sự dốt nát và nạn hối lộ (tham nhũng). Còn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của dân tộc Việt Nam coi sự thoái hóa, biến chất, hư hỏng trong Đảng là “giặc nội xâm”, không mang gươm, súng nhưng vô cùng nguy hại. Điều này, đặt trong bối cảnh đất nước hiện nay, nên được hiểu như thế nào, thưa ông?
Tất cả những lời răn dạy này cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Muốn nhân dân tin tưởng thì phải có cả đức và tài. Nhưng có một điều rất đáng lưu ý nữa, đó là những người lãnh đạo, những người cộng sản phải hết sức khiêm tốn.
Bài học của chúng ta, đó là trước Đại hội VI, khi đất nước đang rơi vào khủng hoảng, nền kinh tế đã xuống tận đáy, đời sống nhân dân cùng cực, Đảng đã dám nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, từ đó vạch ra được con đường đổi mới, quyết tâm đưa đất nước đi lên. Bây giờ cũng vẫn vậy, dù thành tựu sau 30 năm Đổi mới là rất lớn, nhưng chỉ nhìn thành tựu mà không thấy tồn tại, không vui khi người khác nói về thiếu sót, khuyết điểm…, thì đó là điều rất nên tránh và thậm chí là bất hạnh đối với những người cộng sản. Đó là “căn bệnh” nguy hiểm nhất - “kiêu ngạo cộng sản”, nó luôn tồn tại trong mỗi chúng ta và phải hết sức cảnh giác để nó không trỗi dậy.
Ở đây, tôi cũng muốn nhấn mạnh thêm về vai trò lãnh đạo của Đảng. Chúng ta đang bước vào một chặng đường phát triển mới. Trước đây, Đảng lãnh đạo tốt thì ta kháng chiến thành công, bây giờ nếu Đảng lãnh đạo tốt thì đất nước tiến lên, phát triển. Đảng ta phải phát huy tính dân chủ trong Đảng và trong nhân dân. Hãy để dân được tham gia vào các quyết sách về vận mệnh đất nước, về các vấn đề mang tính quốc kế dân sinh. Muốn vậy cần coi trọng việc trưng cầu ý dân.
Tôi cho rằng, đây là thời điểm mà chúng ta phải “hâm nóng” lại tinh thần của Đại hội VI, nhìn thẳng sự thật và nói đúng sự thật, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm và đưa ra quyết sách, với một tinh thần quyết tâm đổi mới và một tinh thần phơi phới đi lên để đưa đất nước sánh cùng năm châu.
Và tôi tin là với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, với những cá nhân lãnh đạo chủ chốt biết trăn trở trước sự tụt hậu của đất nước để quyết tâm Đổi mới ở tầm cao hơn, chúng ta sẽ làm được điều đó.