Trước đó, cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo mức án 5 năm 6 tháng tù. Bà Thủy kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, một số giáo viên có quyền lợi nghĩa vụ liên quan cũng kháng cáo xin không thu hồi tiền.
Bản án sơ thẩm thể hiện, Trường tiểu học Đặng Cương có 2 tài khoản để quản lý thu, chi hoạt động dịch vụ công và các khoản kinh phí thuộc ngân sách. Bà Thủy được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng từ năm 2013.
Trong các năm học 2015- 2017, ngay từ đầu mỗi kỳ học, bà Thủy đã chỉ đạo thu nhiều khoản đóng góp của phụ huynh học sinh, trong đó có các khoản thu không được phép thu, khoản thu chưa được thẩm định, phê duyệt của cơ quan quản lý cấp trên. Một số khoản thu, Thủy chỉ đạo không nộp vào tài khoản tiền gửi của trường, mà chi tiền mặt vào nhiều hoạt động sai mục đích thu.
Tổng số tiền thu được trong 2 năm học trên là 6,7 tỷ đồng. Trong đó, có 2 khoản thu trái phép là tiền lao động vệ sinh 468,9 triệu đồng và tiền quản lý học sinh ngoài giờ năm học 2016 - 2017 là 196,2 triệu đồng. Tổng cộng là 665,1 triệu đồng.
Về chi tiền, bà Thủy chỉ đạo thủ quỹ nộp 2,1 tỷ đồng vào tài khoản tiền gửi của trường. Số tiền 4,5 tỷ đồng còn lại quản lý dưới dạng tiền mặt, không báo cáo quyết toán.
Cơ quan tố tụng xác định, từ việc không minh bạch tài chính, bà Thủy đã chi trái mục đích số tiền 1,1 tỷ đồng để vụ lợi tập thể; chi sai để vụ lợi cá nhân số tiền 415 triệu đồng.
Quá trình điều tra, gia đình bà Thủy đã khắc phục 43 triệu đồng, còn phải trả lại 372 triệu đồng.
Bản án sơ thẩm cũng buộc một số giáo viên của trường phải trả lại số tiền đã nhận từ bà Thủy để giao cho Hội phụ huynh quản lý, sử dụng chung cho các hoạt động của học sinh. Vì vậy, các giáo viên này đã kháng cáo, đề nghị không thu hồi số tiền trên. Song tại phiên tòa phúc thẩm, các giáo viên này đã rút kháng cáo trên.
Sau khi xem xét, tòa phúc thẩm nhận thấy không có tình tiết mới nên bác đơn kháng cáo của bị cáo Thủy, giữ nguyên mức hình phạt 5 năm 6 tháng tù.