Hải Phòng lần đầu công bố đánh giá năng lực cạnh tranh sở, ngành, địa phương

0:00 / 0:00
0:00
Sáng 24/6, UBND TP. Hải Phòng đã công bố kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương (DDCI) Hải Phòng năm 2020.
Sáng 24/6, UBND TP. Hải Phòng đã công bố kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương (DDCI) Hải Phòng năm 2020. Sáng 24/6, UBND TP. Hải Phòng đã công bố kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương (DDCI) Hải Phòng năm 2020.

Cuộc đua lần đầu tiên

Phát biểu khai mạc, ông Lê Anh Quân, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP. Hải Phòng khẳng định: Việc đánh giá DDCI là một bước đi mạnh mẽ và nỗ lực cải cách của Hải Phòng hướng tới cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh một cách toàn diện.

Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn ra phức tạp, nền kinh tế chịu nhiều tác động, đặt ra rất nhiều thách thức không chỉ cho cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh mà còn đối với cả hệ thống chính quyền trước bài toán cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính, chính sách phù hợp, kịp thời và hiệu quả theo hướng bền vững hơn, giảm tác động tiêu cực.

Kết quả đánh giá DDCI sẽ là một trong những công cụ hữu hiệu để đưa ra bức tranh chung về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Thành phố, là đầu vào cho những đánh giá, cải thiện chính sách sau này.

Theo bảng xếp hạng DDCI năm 2020 được công bố, đối với cấp sở, ngành, 03 đơn vị dẫn đầu bảng xếp hạng lần lượt là Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (77,49 điểm), Sở Du lịch (77,47 điểm), Sở Y tế (76,87 điểm). Đứng cuối bảng xếp hạng lần lượt là Sở Khoa học và Công nghệ (70,09 điểm), Sở Tài nguyên và Môi trường (71,84 điểm) và Công an Thành phố (72,13 điểm).

Có thể thấy, sự chênh lệch điểm số giữa đơn vị đầu bảng và cuối bảng trong lần đầu triển khai DDCI không quá lớn (chỉ cách nhau 7,4 điểm,) giữa các Sở, ban, ngành phổ biến trong khoảng 0,01 điểm - 0,3 điểm. Điều này cho thấy sự cạnh tranh, bám đuổi sát sao giữa các Sở, ban, ngành.

Tuy nhiên trong năm tới, nếu Sở, ban, ngành nào có nhiều cải thiện hơn thì điểm số và xếp hạng sẽ hứa hẹn tạo ra nhiều hoán đổi bất ngờ. Trên bình diện chung toàn Thành phố, điểm số DDCI Sở, ban, ngành ghi nhận ở mức điểm “khá” với 74,66 điểm, góp phần khẳng định thêm nhận xét chung của các doanh nghiệp/hợp tác xã trên địa bàn Thành phố trong năm qua.

Các địa phương họp trực tuyến
Các địa phương họp trực tuyến

Đối với cấp quận, huyện, huyện Bạch Long Vĩ đã trở thành địa phương dẫn đầu bảng xếp hạng DDCI năm 2020 với 88,63 điểm, nhóm tốt. Đứng cuối bảng xếp hạng là quận Hồng Bàng với 72,12 điểm, nhóm khá.

Khoảng cách giữa địa phương đứng đầu bảng xếp hạng và cuối bảng xếp hạng là 16,51 điểm, cho thấy sự chênh lệch khá lớn trong đánh giá của các hộ kinh doanh với các địa phương. Trong khi đó, khoảng cách điểm số giữa các địa phương thuộc nhóm “khá” tương đối sát sao, cho thấy sự đồng đều trong quá trình điều hành nói chung ở nhóm này. Mặc dù vậy, vẫn cần có động lực cải cách mạnh mẽ hơn nữa từ các địa phương để có thể vươn lên trong bảng xếp hạng, tiến vào nhóm điều hành “tốt” với điểm số cải thiện hơn.

Bộ chỉ số DDCI năm 2020 bao gồm 9 chỉ số đối với khối sở, ban, ngành và 10 chỉ số đối với khối địa phương, như gia nhập thị trường và hoạt động cấp phép; tính minh bạch và ứng dụng công nghệ thông tin; tính năng động và hiệu lực của hệ thống sở, ban, ngành và địa phương; chi phí thời gian thực hiện thủ tục hành chính và dịch vụ công; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng...

PCI và DDCI là cần thiết, nhưng chưa đủ

“DDCI Hải Phòng 2020 dựa trên sự tổng hợp ý kiến của 2.511 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh với 1.661 mẫu cấp Sở, ban, ngành (phần lớn đối tượng tham già là các doanh nghiệp chiếm 94,28%, còn lại 5,72% là hợp tác xã và hộ kinh doanh) và 850 mẫu cấp địa phương. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được lựa chọn điều tra theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên nhằm đảm bảo tính đại diện của mẫu điều tra. Với phương pháp chọn mẫu khoa học và đảm bảo nguyên tắc thống kê, kết quả DDCI Hải Phòng vẫn phản ánh tiếng nói chung cho cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn Thành phố về chất lượng điều hành kinh tế của các Sở, ban, ngành và địa phương”, ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng cho biết.

Ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng công bố kết quả DDCI Hải Phòng năm 2020
Ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng công bố kết quả DDCI Hải Phòng năm 2020

Ông Lê Duy Bình, Giám đốc Công ty Economica đánh giá, điểm mới của DDCI Hải Phòng năm 2020 mà các địa phương khác không có đó chính là việc lồng ghép các yếu tố về phát triển bền vững và bao trùm được xây dựng và lồng ghép bổ sung trong phương pháp luận DDCI về các vấn đề chuyển đổi số, xã hội, môi trường sinh thái, biến đổi khí hậu, dịch bệnh và các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống. Bên cạnh đó là tác động của dịch Covid-19; tính năng động và tiên phong của các cơ quan và lãnh đạo; ứng dụng CNTT trong quá trình triển khai DDCI.

Theo TS.Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương chia sẻ, DDCI là kéo dài và mở rộng PCI. Về hình thức, đó là việc thực hiện đo lường chất lượng của lãnh đạo Sở, quận, huyện nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế ngành và lãnh thổ cấp quận, huyện.

Còn về bản chất, coi cải cách nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thành phố Hải Phòng, không chỉ là công việc của lãnh đạo thành phố mà phải trở thành một phong trào rộng khắp, là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của tất cả các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện; của toàn hệ thống chính trị ở địa phương. Có như vậy, mới duy trì được tính bền vững, hiệu lực, hiệu quả của những nỗ lực cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh.

“Nhưng, những điều trên mới chỉ cho Hải Phòng. Nó chưa ĐỦ, vì Hải Phòng có vai trò, vị trí và chức năng riêng trong phát triển kinh tế vùng và cả nước mà ít địa phương có được. Đó là đến năm 2025, Hải Phòng phấn đấu trở thành đầu tàu vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc”, TS.Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

Theo kết quả PCI năm 2020 được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố tháng 4/2021, Hải Phòng đạt 69,27 điểm, tăng 0,54 điểm và thăng hạng 3 bậc so với năm 2019, xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố. Trong khối vùng Đồng bằng sông Hồng, Hải Phòng đứng thứ 2/11 địa phương. Đây là lần thứ ba, Hải Phòng lọt top 10 tỉnh, thành phố có PCI cao nhất cả nước.

Tại hội nghị, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá, kết quả PCI của Hải Phòng đã có sự chuyển biến tích cực với 6 chỉ số thành phần tăng điểm và 6 chỉ số thành phần cải thiện thứ hạng. Bộ máy lãnh đạo Hải Phòng năng động, quan tâm giải quyết vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp được cải thiện tích cực; hiệu quả giải quyết các thủ tục hành chính được cải thiện; việc giải quyết các thủ tục sau đăng ký kinh doanh có tiến bộ và doanh nghiệp có niềm tin lớn hơn vào hệ thống pháp luật tại địa phương. Và để có thể cải thiện điểm số PCI, việc thực hiện chỉ số DDCI hiệu quả sẽ là một yếu tố quan trọng, tạo ra sự khác biệt.

“Với DDCI, Hải Phòng đã bắt buộc các sở, ngành, địa phương phải lắng nghe doanh nghiệp nhiều hơn, có trách nhiệm giải trình rõ hơn, cụ thể hơn với tỉnh trong những vấn đề liên quan đến doanh nghiệp”, ông Tuấn khẳng định.

Ký bản cam kết phối hợp trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp gia nhập thị trường và công tác quản lý nhà nước về doanh nghiệp, đầu tư giữa Sở Kế hoạch và Đầu tư – Ban Quản lý Khu kinh tế - Cục Thuế Thành phố
Ký bản cam kết phối hợp trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp gia nhập thị trường và công tác quản lý nhà nước về doanh nghiệp, đầu tư giữa Sở Kế hoạch và Đầu tư – Ban Quản lý Khu kinh tế - Cục Thuế Thành phố

Tại hội nghị, Bản cam kết phối hợp trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp gia nhập thị trường và công tác quản lý nhà nước về doanh nghiệp, đầu tư giữa Sở Kế hoạch và Đầu tư – Ban Quản lý Khu kinh tế - Cục Thuế thành phố cũng đã được ký kết.

Thanh Sơn - Thu Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục