Hai nhà mạng lớn nhất Canada cùng lúc “quay lưng” với Huawei

(ĐTCK) "Quay lưng" với đại gia công nghệ Trung Quốc, 2 tập đoàn viễn thông Canada bắt tay với các nhà cung cấp từ châu Âu để xây dựng mạng 5G thế hệ mới.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Cụ thể, Tập đoàn viễn thông BCE Inc. có trụ sở ở Montreal, vừa thông báo sẽ sử dụng các trang thiết bị tiếp sóng radio bao gồm ăng-ten và trạm thu phát sóng từ nhà cung cấp Ericsson của Thụy Điển.

Cũng trong tuyên bố mới đây của mình, Telus Corp cho biết, sẽ lựa chọn Ericsson và Nokia là đối tác chính trong việc xây dựng mạng lưới 5G của riêng mình. Đây là hành động đầy bất ngờ của Telus, bởi cách cách đây ít lâu, Giám đốc Tài chính (CFO) của hãng, ông Doug French còn phát biểu với tờ National Post rằng sẽ ra mắt mạng di động 5G với sự hợp tác của Huawei.

Phát ngôn viên của Tập đoàn Telus, Donna Ramirez vẫn để ngỏ về khả năng có tiếp tục để Huawei là đối tác tham gia vào các dự án xây dựng mạng 5G của hãng hay không.

Trước đó, Rogers Communications - một nhà mạng lớn khác của Canada, vốn là đối tác lâu năm của Ericsson trong việc xây dựng mạng lưới viễn thông, đã tuyên bố sẽ tiếp tục sử dụng thiết bị của nhà cung cấp đến từ châu Âu này.

Như vậy, với động thái mới này, cả 3 nhà mạng lớn nhất của Canada đều đã sử dụng trang thiết bị viễn thông của các nhà cung cấp đến từ châu Âu, bao gồm Ericsson và Nokia, thay vì hãng Huawei.

Hai nhà mạng lớn nhất Canada cùng lúc “quay lưng” với Huawei ảnh 1

Thủ tướng Canada Justin Trudeau đang chờ đợi bản đánh giá an ninh trước khi quyết định có cấp phép cho Huawei triển khai mạng 5G tại nước này hay không.

Các thông báo trên được đưa ra trong tình cảnh Thủ tướng Canada Justin Trudeau đang cân nhắc về việc có nên cấm Huawei tham gia vào các dự án xây dựng mạng 5G của quốc gia hay không, bất chấp sức ép từ Mỹ. Trước đó, Huawei từng đóng vai trò rất lớn trong hệ thống mạng không dây của Canada, nhưng giờ đây họ đang phải đối mặt với các lo ngại về an ninh quốc gia từ những nước phương Tây.

Chính quyền Tổng thống Trump cáo buộc những thiết bị được cung cấp từ Huawei sẽ gây ra các lỗ hổng bảo mật trong mạng lưới, từ đó Chính phủ Trung Quốc sẽ có thể dễ dàng khai thác thông tin từ đó phục vụ mục đích gián điệp.

Chính vì vậy, Chính phủ Mỹ đã gây sức ép lên các quốc gia đồng minh nhằm “cấm cửa” Huawei liên quan tới các hoạt động phát triển mạng lưới dữ liệu di động 5G thế hệ tiếp theo, và xem đây là một “rủi ro về an ninh”. 

Cho tới nay, đồng minh chủ chốt của Mỹ ở châu Âu là Anh, từng tuyên bố rằng Huawei sẽ có thể cung cấp khoảng 35% các linh kiện không nhạy cảm trong mạng lưới 5G, hiện đang thay đổi quan điểm trong bối cảnh Mỹ đưa ra nhiều biện pháp trừng phạt và làn sóng chỉ trích Trung Quốc về cách nước này phản ứng với đại dịch Covid-19 ngày một lớn dần.

Là một đồng minh thân cận với Mỹ, Canada có khả năng theo chân Mỹ như Úc và New Zealand trong việc chặn hoặc hạn chế việc sử dụng các thiết bị của Huawei. Căng thẳng giữa hai nước Trung Quốc - Canada bắt đầu gia tăng kể từ khi Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou) bị bắt tại sân bay Canada vì cáo buộc gian lận tài chính, vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran.

Sau khi bà Mạnh bị bắt, Chính phủ Trung Quốc đã đưa hai công dân Canada vào tù và tạm dừng nhập khẩu hàng tỷ USD hàng hóa từ Canada.

Vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu đã đẩy mối quan hệ giữa Canada và đối tác thương mại lớn thứ hai của nước này vào tình trạng tồi tệ nhất trong chục năm qua. Bắc Kinh sau đó cáo buộc Canada là bàn đạp cho một cuộc “đàn áp chính trị” do Mỹ khởi xướng và lãnh đạo để chống lại nước này.

Anh Quý
Theo SCMP

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục