Hài hòa lợi ích khi thực thi thuế tối thiểu toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
Dù giải pháp ứng phó với vấn đề áp thuế tối thiểu toàn cầu chưa thể sớm được đưa ra, song thông điệp nhất quán về việc đảm bảo “hài hòa lợi ích” Nhà nước và doanh nghiệp có thể sẽ khiến các nhà đầu tư tạm yên lòng.
Khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam cần có các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới để tiếp tục thu hút dòng vốn FDI. Khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam cần có các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới để tiếp tục thu hút dòng vốn FDI.

Nỗi lo của nhà đầu tư

Chưa bao giờ, nỗi lo của các nhà đầu tư về vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu lại lớn như lúc này. Hoàn toàn là dễ hiểu, bởi chỉ còn 9 tháng nữa là tới thời điểm quan trọng: hàng loạt quốc gia sẽ áp dụng thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty có doanh thu hợp nhất toàn cầu từ 750 triệu Euro, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc - các đối tác đầu tư lớn của Việt Nam.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2023, cả ở phiên Kỹ thuật và phiên Cấp cao, các khuyến nghị đã được đưa ra. Nếu như EuroCham đề nghị Chính phủ Việt Nam nghiên cứu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu đến lợi ích của nhà đầu tư và môi trường kinh doanh Việt Nam, có giải pháp thiết thực, hiệu quả và kịp thời để đảm bảo đầu tư, bù đắp lợi ích cho doanh nghiệp trong trường hợp các ưu đãi thuế bị giảm hoặc mất đi tác dụng do tác động của thuế tối thiểu toàn cầu, thì AmCham thẳng thắn: “Các tập đoàn đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam cũng như các tập đoàn Việt Nam có vốn đầu tư ra nước ngoài đang lo ngại về tác động của thuế tối thiểu toàn cầu”.

Ngay sau VBF, ngày 20/3, khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức cuộc tọa đàm về vấn đề này, lại tiếp tục có những tiếng nói đầy lo lắng.

“Nếu áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, các doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam sẽ phải nộp phần thuế được giảm (do được hưởng ưu đãi đầu tư - PV) về Hàn Quốc. Nếu như vậy, các nỗ lực mà Chính phủ Việt Nam đang thực hiện nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là vốn đầu tư từ Hàn Quốc, sẽ bị vô hiệu hóa. Điều này sẽ tác động xấu đến năng lực cạnh tranh thu hút đầu tư của Việt Nam”, ông Hong Sun, Chủ tịch KorCham, nói.

Trong khi đó, bà Đào Thị Thu Huyền, Phó tổng giám đốc Canon Việt Nam cho biết, Canon thuộc diện bị áp thuế tối thiểu toàn cầu. Một trong những lý do khiến Canon đầu tư sản xuất quy mô lớn tại Việt Nam chính là được hưởng ưu đãi thuế. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không có đối sách kịp thời đối với việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, thì rất có thể, Tập đoàn sẽ xem xét việc phân bổ sản xuất sang cứ điểm khác có lợi thế cạnh tranh khác.

Ví dụ được bà Huyền nhắc đến, là Thái Lan sẽ hỗ trợ tiền điện cho nhà đầu tư nếu áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. “Nếu Canon dịch chuyển sản xuất sang nước khác, không chỉ Canon Việt Nam bị ảnh hưởng, mà hơn 130 nhà sản xuất vệ tinh khác của Canon cũng bị ảnh hưởng”, bà Huyền nói.

Ông Kim Jin Seong, Phó tổng giám đốc Samsung Việt Nam, phụ trách Tài chính, cũng lo rằng, một khi thuế tối thiểu toàn cầu được thực thi, sẽ khiến năng lực cạnh tranh của Samsung ở Việt Nam giảm sút.

Có thể thấy, nếu các biện pháp ưu đãi đầu tư bị “vô hiệu hóa”, trong khi các quốc gia khác sẵn sàng có các biện pháp ưu đãi bổ sung, ví dụ bằng tiền, Việt Nam sẽ “hụt hơi” không chỉ trong cạnh tranh thu hút đầu tư mới, mà câu chuyện mở rộng đầu tư cũng sẽ bị ảnh hưởng. Thậm chí, nguy cơ dịch chuyển sản xuất sang nước khác không phải là không thể xảy ra.

Và cam kết của Việt Nam

Ông Đỗ Văn Sử, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng là người rất lo lắng, bởi khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng, các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ không còn đem lại lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam trong thu hút đầu tư.

35 năm qua, Việt Nam đã và đang sử dụng ưu đãi thuế như một đòn bẩy quan trọng để thu hút đầu tư. Hiện tại, mặc dù thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông của Việt Nam là 20%, cao hơn mức thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu. Nhưng thực tế, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang được hưởng ưu đãi với các mức thuế suất 10%, 15%, tùy lĩnh vực, ngành nghề, quy mô và địa bàn đầu tư.

Thậm chí, khi chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt được ban hành vào năm ngoái, mức thuế suất ưu đãi chỉ còn 5%; 7%; 9%. Ngoài ra, doanh nghiệp còn được hưởng miễn, giảm thuế suất trong một thời gian nhất định.

“Khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng, tất cả những ưu đãi trước đây và hiện nay mà Việt Nam dành cho các doanh nghiệp, như miễn giảm thuế, thuế suất ưu đãi dưới 15% không còn tác dụng. Điều này ảnh hưởng đáng kể đến chính sách, phương tiện, công cụ thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng nói như vậy.

Vấn đề quan trọng là, Việt Nam sẽ có phản ứng chính sách thế nào, bởi dù Việt Nam không thu thêm thuế, thì các doanh nghiệp thuộc diện chịu thuế tối thiểu toàn cầu vẫn phải nộp thuế bổ sung ở các nước khác?

Tại VBF, trước các kiến nghị chính sách của cộng đồng nhà đầu tư, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ Việt Nam đang bám sát thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm các nước để sớm có chính sách phù hợp về thuế tối thiểu toàn cầu, phấn đấu ban hành ngay trong năm nay, tạo cơ hội cho doanh nghiệp nước ngoài hoạt động thuận lợi, đóng góp nhiều hơn cho Việt Nam, nhưng không ảnh hưởng tới lợi ích của nhà đầu tư.

Thông điệp tương tự đã được Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh tại cuộc tọa đàm ngày 20/3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính mới đây đã “nhận lệnh” của Chính phủ về việc khẩn trương hoàn tất nghiên cứu, hoàn thiện báo cáo tổng thể về cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2023. Trước đó, ngày 4/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ Công tác đặc biệt về nội dung này.

“Thời gian áp dụng đã rất gần, chúng ta phải hành động. Phải làm sao hài hòa lợi ích Nhà nước và doanh nghiệp, hỗ trợ nhà đầu tư hoạt động đầu tư, kinh doanh hiệu quả”, Thứ trưởng Nguyễn Bích Ngọc nói.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh sự thống nhất trong những đề xuất của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, đó là cần nghiên cứu nội luật hóa thuế tối thiểu toàn cầu để giành được quyền đánh thuế bổ sung, đồng thời ban hành các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới.

Thông điệp của Chính phủ, của các cơ quan quản lý nhà nước về việc “hài hòa lợi ích” có thể sẽ tạm an lòng nhà đầu tư. Tuy vậy, hành động nhanh, có giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả vẫn là yêu cầu cấp bách hiện nay.

“Sức nóng” của vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu cũng chính là lý do Bộ Kế hoạch và Đầu tư không chỉ mời các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, mà cả các công ty luật, công ty tư vấn đầu tư tới tham dự cuộc tọa đàm vào ngày 20/3, để “hiến kế” cho Việt Nam.

Kỳ vọng, với sự giúp sức này, Việt Nam sẽ sớm có biện pháp ứng phó, để vừa duy trì được sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư nước ngoài, vừa có thể được hưởng lợi từ việc thu thuế bổ sung, đồng thời vẫn hài hòa lợi ích cho các nhà đầu tư, khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng.

Nguyên Đức
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục