Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tọa đàm về thuế tối thiểu toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
Tọa đàm sẽ diễn ra vào thứ Hai tới, ngày 20/3/2023, với sự tham gia của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, để có thêm ý kiến, khuyến nghị liên quan đến chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc và đại diện các hiệp hội doanh nghiệp tại VBF 2023, phiên kỹ thuật (sáng 17/3/2023) Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc và đại diện các hiệp hội doanh nghiệp tại VBF 2023, phiên kỹ thuật (sáng 17/3/2023)

Thông tin do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc chia sẻ tại Phiên kỹ thuật Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) năm 2023, diễn ra sáng 17/3.

"Việt Nam đã ủng hộ và tham gia một cách thiết thực vào việc xây dựng chính sách này và sẽ tiếp tục tham gia việc thực thi. Tuy nhiên, Luật Đầu tư cũng có nội dung về đảm bảo đầu tư. Vì vậy, chúng tôi sẽ lắng nghe thêm các ý kiến để có bức tranh toàn diện", Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết.

Trước đó, trong phần trao đổi, Nhóm công tác Thuế và Hải quan của VBF đã gửi hai khuyến nghị liên quan trực tiếp đến chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, thuộc trụ cột 2 trong Chương trình chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEFS).

Một là, xem xét các giải pháp để thúc đẩy việc nội luật hóa thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam.

Hai là, có các phương án hỗ trợ cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài bị ảnh hưởng.

Cuối tháng 12/2022, VBF cũng đã có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc thực hiện chính sách thuế này. Theo VBF, để thu hút các tập đoàn lớn, các dự án công nghệ cao, Việt Nam cần có những chính sách phù hợp, đối phó với những tác động bất lợi của việc áp dụng Trụ cột 2 của BEFS.

Theo kế hoạch đang được nhiều quốc gia đưa ra, việc áp dụng chính sách này có thể bắt đầu từ năm 2024. Khi đó, các công ty đa quốc gia đã và đang đầu tư vào Việt Nam có thể phải nộp thuế bổ sung tại các nước khác liên quan đến hoạt động của các công ty con tại Việt Nam, Khi đó, chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam sẽ trở nên không còn nhiều ý nghĩa.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư bên lề VBF 2023, phiên kỹ thuật, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc (KorCham) Hong Sun cũng chia sẻ quan điểm này.

“Chúng tôi sẽ có kiến nghị cụ thể tại Tọa đàm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào thứ Hai tới, nhưng trong bối cảnh này, để thu hút được các dự án có công nghệ cao, công nghệ mới, thu hút được các dự án quy mô lớn… như Chính phủ Việt Nam mong muốn, cần có những chính sách phù hợp, đảm bảo được cạnh tranh quốc tế”, ông Hong Sun nói.

Tại phiên kỹ thuật của VBF, đại diện của Bộ Tài chính cũng cho biết, ngày hôm nay, 17/3, Bộ Tài chính cũng có văn bản gửi Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu của OECD. Báo cáo này bao gồm đánh giá tác động và các đề xuất của Bộ Tài chính liên quan đến chính sách thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam.

Khánh Linh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục