
Hiện nay, toàn tỉnh Hải Dương có tổng số 207 trụ sở công của đơn vị hành chính cấp xã, 13 trụ sở của đơn vị hành chính cấp huyện. Theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã năm 2025 của UBND tỉnh Hải Dương, 117 trụ sở công dự kiến sẽ được sử dụng làm trụ sở làm việc của Đảng uỷ, HĐND, UBND đơn vị hành chính cấp xã mới hình thành sau sắp xếp (106 trụ sở cấp xã, 11 trụ sở cấp huyện hiện nay). Có 103 trụ sở công (101 trụ sở cấp xã, 2 trụ sở cấp huyện) dự kiến dôi dư.
Theo Đề án hợp nhất tỉnh Hải Dương và TP. Hải Phòng, tỉnh Hải Dương hiện có 450 trụ sở cấp tỉnh. Trong đó, khối Đảng 1 trụ sở, khối cơ quan nhà nước 26 trụ sở, khối các tổ chức chính trị - xã hội 4 trụ sở, khối các tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức khác 11 trụ sở, còn lại là trụ sở các đơn vị sự nghiệp công lập.
Việc bố trí, sử dụng trụ sở, xử lý tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính sẽ thực hiện theo quy định của Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý tài sản công và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực.
Mới đây, UBND tỉnh Hải Dương đã có hướng dẫn về việc sắp xếp, bố trí và xử lý tài sản công trong quá trình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã. Hướng dẫn này nhằm bảo đảm việc quản lý tài sản công được thực hiện tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí, thất thoát sau khi tinh gọn bộ máy hành chính.
Theo hướng dẫn, trong các trường hợp sáp nhập hoặc hợp nhất cơ quan, đơn vị, tổ chức mới sẽ kế thừa toàn bộ quyền quản lý và sử dụng tài sản của đơn vị bị sáp nhập. Điều này bao gồm cả quyền và nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng thuê, cho thuê, liên doanh, liên kết hoặc khai thác tài sản công.
Sau khi hoàn tất việc sáp nhập, đơn vị tiếp nhận có trách nhiệm bố trí tài sản theo tiêu chuẩn, định mức; rà soát, xác định phần tài sản dôi dư, không còn nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả để lập hồ sơ xử lý trình cấp có thẩm quyền quyết định. Không để tình trạng bỏ trống, sử dụng sai mục đích gây lãng phí.
Trong trường hợp cơ quan, đơn vị kết thúc hoạt động và chuyển giao chức năng, nhiệm vụ cho cơ quan khác, đơn vị tiếp nhận nhiệm vụ cũng sẽ tiếp quản quyền quản lý, sử dụng tài sản, tương tự như trường hợp sáp nhập.
Trường hợp không có nhu cầu tiếp nhận, tài sản sẽ được bàn giao về cơ quan cấp trên trực tiếp, hoặc cơ quan được UBND tỉnh Hải Dương phân công tiếp nhận, xử lý tài sản. Các đơn vị này có trách nhiệm lập hồ sơ xử lý tài sản theo quy định của pháp luật.
Về định hướng cụ thể với trụ sở làm việc, tỉnh Hải Dương phân loại như sau: Đối với trụ sở cấp tỉnh, giao Sở Tài chính Hải Dương chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và UBND TP Hải Dương xây dựng phương án sắp xếp, xử lý.
Trụ sở cấp huyện (sau khi bỏ cấp huyện) sẽ ưu tiên bố trí cho chính quyền cấp xã hoặc cơ quan, đơn vị nhà nước khác có nhu cầu sử dụng làm trụ sở làm việc hoặc cơ sở hoạt động sự nghiệp.
Trường hợp có 2 trụ sở UBND và Huyện ủy, sẽ được cân nhắc bố trí cho xã mới hoặc đơn vị khác theo quy mô, tiêu chuẩn.
Đối với trụ sở cấp xã, trước mắt vẫn bố trí làm việc tại cả hai điểm sau sáp nhập. Khi tinh giản xong biên chế và đạt tiêu chuẩn diện tích, sẽ hợp nhất về một trụ sở phù hợp. Những trụ sở không còn nhu cầu sử dụng sẽ được xem xét chuyển đổi công năng làm cơ sở giáo dục, y tế, công an, văn hóa hoặc thu hồi, giao đơn vị quản lý quỹ đất khai thác theo quy định.
Hướng dẫn trên được kỳ vọng góp phần sử dụng hiệu quả tài sản công sau khi sắp xếp bộ máy, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của chính quyền các cấp trong giai đoạn mới.
Thực hiện việc sử dụng hiệu quả tài sản công, vừa qua, 3 nhà văn hoá, điểm trường dôi dư không sử dụng nhiều năm ở Hải Dương đã được đấu giá thành công, tránh lãng phí. Theo đó, UBND TP Hải Dương đã phê duyệt kết quả đấu giá công trình trên đất và quyền sử dụng đất tại điểm trường tiểu học Mỹ Xá (xã Ngọc Sơn) và nhà văn hóa khu 3 ở số 7, ngõ 27 phố Mạc Thị Bưởi (phường Trần Phú).
Công trình trên đất và quyền sử dụng đất tại điểm trường tiểu học Mỹ Xá (xã Ngọc Sơn) có diện tích đất đấu giá 127,4 m2 và 72 m2 diện tích sàn công trình xây dựng thuộc địa bàn xã Ngọc Sơn quản lý. Tổng số tiền trúng đấu giá hơn 2,4 tỷ đồng. Còn nhà văn hóa khu 3 ở số 7, ngõ 27 phố Mạc Thị Bưởi (phường Trần Phú) có diện tích đất 38,9 m2 và diện tích sàn 48,7 m2 do UBND phường Trần Phú quản lý. Số tiền đấu giá thành công là hơn 1,1 tỷ đồng.
Tại TP. Chí Linh, 2/3 lô đất ở vị trí nhà văn hoá khu dân cư Cao Đường cũ (phường Phả Lại) đã được đấu giá thành công sau 2 lần tổ chức đấu giá. UBND phường Phả Lại đã có tờ trình đề nghị UBND TP Chí Linh phê duyệt kết quả trúng đấu giá. Tổng diện tích đất bán đấu giá thành công là 331 m2. Tổng số tiền trúng đấu giá hơn 1,2 tỷ đồng.
Tổng số tiền trúng đấu giá của 3 tài sản công này là gần 4,8 tỷ đồng. Đây đều là các công trình dôi dư, không sử dụng nhiều năm nay đã được bán đấu giá thành công cho những người có nhu cầu quản lý, sử dụng, tránh lãng phí và tăng thu ngân sách.