Phát biểu tại kỳ họp, ông Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, năm 2023 là năm bản lề rất quan trọng trong việc phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 5 năm 2021-2025.
Tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2023, ngay sau sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII - HĐND Tỉnh tiếp tục khẳng định, ghi nhận đánh giá cao sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung tay, góp sức của các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đã từng bước khắc phục khó khăn để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong 9 tháng đầu năm 2023.
Theo đó, trên cơ sở xem xét các tờ trình của UBND tỉnh và báo cáo thẩm tra của các ban HĐND tỉnh; căn cứ quy định của pháp luật hiện hành và tình hình thực tế, HĐND tỉnh đã thảo luận dân chủ và thống nhất thông qua 15 nghị quyết về các nội dung phát triển kinh tế - xã hội và nhân sự.
Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023, đồng thời tạo điều kiện, tiền đề và dư địa phát triển cho năm 2024 và những năm tiếp theo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương đề nghị chính quyền các cấp, từ tỉnh đến cơ sở, trước hết là UBND tỉnh cần đánh giá sâu kỹ những hạn chế, yếu kém còn tồn tại đã được chỉ ra. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Thường vụ Tỉnh uỷ trong việc khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, không thực hiện hết chức trách, nhiệm vụ theo thẩm quyền.
Trên cơ sở đó, tập trung chỉ đạo sớm giải quyết những hạn chế, yếu kém; khắc phục những khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo điều kiện tối đa nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân trong tỉnh.
Đối với các nghị quyết được thông qua tại kỳ họp này, UBND tỉnh cần chỉ đạo khẩn trương cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện. Đề nghị Thường trực HĐND, các Ban HĐND, các tổ đại biểu, các đại biểu HĐND tỉnh đôn đốc, giám sát chặt chẽ quá trình triển khai, bảo đảm các nghị quyết được tổ chức thực hiện hiệu quả, đúng quy định pháp luật.
Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết của Kỳ họp. |
Theo đó, có 11 nghị quyết về các nội dung phát triển kinh tế - xã hội như:
Việc phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách địa phương 5 năm 2021-2025 và năm 2023;
Quyết định chủ trương đầu tư Dự án: Sửa chữa, nâng cấp trụ sở cũ của Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh để bố trí lại trụ sở làm việc của một số đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Trung tâm trợ giúp pháp lý (Sở Tư pháp);
Quyết định chủ trương đầu tư dự án: Mua sắm trang thiết bị y tế tại 04 bệnh viện tuyến tỉnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Phụ sản); quyết định chủ trương đầu tư Dự án cải tạo, sửa chữa Bệnh viện phổi Hải Dương – Hạng mục: Nhà điều trị bệnh nhân lao phổi AFB, lao ngoài phổi và lao/HIV (khoa hồi sức cấp cứu); Nhà hô hấp cấp cứu 02 tầng (khoa ung bướu) và Nhà điều trị lao phổi A;
Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Tu bổ, tôn tạo hạ tầng phía trước đền Kiếp Bạc, xã Hưng Đạo, TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương; quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Hải Dương;…
Về việc phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách địa phương 5 năm 2021-2025 và năm 2023 (phân bổ kế hoạch năm 2023 lần 5). UBND tỉnh Hải Dương đã đề nghị phân bổ, điều chỉnh kế hoạch vốn 5 năm 2021-2025 của 5 dự án và 1 chương trình là hơn 848,3 tỷ đồng.
Một dự án sử dụng vốn đầu tư công tại Hải Dương. |
Trong đó, vốn phân bổ cho 4 dự án khởi công mới dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025 là gần 501,2 tỷ đồng.
Đó là các dự án: mua sắm trang thiết bị y tế tại 4 bệnh viện tuyến tỉnh; cải tạo, sửa chữa Bệnh viện Phổi Hải Dương; sửa chữa, nâng cấp trụ sở cũ của Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh để bố trí lại trụ sở làm việc của một số đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Trung tâm Trợ giúp pháp lý (Sở Tư pháp); xây dựng trại tạm giam Công an tỉnh (giai đoạn 1).
UBND tỉnh Hải Dương cũng đề nghị bổ sung hơn 3 tỷ đồng cho Dự án Tu bổ, tôn tạo hạ tầng phía trước đền Kiếp Bạc (TP. Chí Linh). Vốn bổ sung từ nguồn điều chỉnh giảm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và gần 1,6 tỷ đồng chưa phân bổ chi tiết theo Nghị quyết số 37/NQ-HĐND ngày 13/7/2023 của HĐND tỉnh).
UBND tỉnh cũng đề nghị điều chỉnh tăng kế hoạch vốn năm 2023 hơn 173,2 tỷ đồng từ nguồn tăng thu thường xuyên ngân sách tỉnh năm 2022 chuyển nguồn sang năm 2023, bổ sung cho chi đầu tư phát triển. Đề nghị phân bổ cho 11 dự án và 1 chương trình hơn 680,7 tỷ đồng. Trong đó, phân bổ hơn 582,7 tỷ đồng cho 11 dự án theo dự kiến tiến độ thực hiện có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn giao trong năm 2023.
Hỗ trợ thực hiện đầu tư dự án của các xã đã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu là 98 tỷ đồng.