Hai đại gia ngành nhựa “so găng”

(ĐTCK) Ra đời sau đàn anh Nhựa Tiền Phong (NTP) 10 năm, Nhựa Bình Minh (BMP) đang dùng sức trẻ để so găng và hiện đang ở mức “kẻ tám lạng, người nửa cân”.
Hai đại gia ngành nhựa “so găng”

Lần đầu tiên, sau nhiều năm chấp nhận đứng vị trí thứ 2, năm nay, BMP đã đặt kế hoạch lợi nhuận cao hơn so với NTP. Nhìn vào kế hoạch của công ty này, có thể thấy tham vọng của họ rất lớn và họ đang quyết liệt thực hiện mục tiêu đã đề ra. Cụ thể, năm 2012, BMP đặt kế hoạch doanh thu 1.830 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 350 tỷ đồng; trong khi NTP đặt kế hoạch doanh thu 2.265 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 346 tỷ đồng.

Nhìn vào cục diện thị trường nhựa hiện nay, nổi lên rất rõ cuộc so găng giữa 2 DN này, các DN còn lại có dấu ấn không mấy đậm nét. Theo thống kê của Hiệp hội Nhựa, Việt Nam hiện có hơn 1.000 DN hoạt động trong ngành nhựa, trong đó có 1.064 DN có quy mô vốn trên 500 triệu đồng, hoạt động theo mô hình hộ gia đình, sản phẩm tập trung vào nhóm mặt hàng nhựa tiêu dùng hoặc nhựa bao bì, không đòi hỏi cao về yêu cầu kỹ thuật, công nghệ. Do vậy, môi trường cạnh tranh của nhóm sản phẩm đòi hỏi yêu cầu cao về kỹ thuật và nguồn vốn đầu tư như: vật liệu xây dựng, công nghiệp phụ trợ, bao bì cao cấp chỉ tập trung ở rất ít tên tuổi, trong đó, có BMP và NTP.

Hai DN này có nhiều nét tương đồng trong hoạt động. Đơn cử như chiến lược tăng năng lực sản xuất và ưu tiên phát triển hệ thống phân phối. NTP có 3 nhà máy sản xuất tại Hải Phòng, Bình Dương và Vientiane (Lào) cùng hàng nghìn đại lý, điểm bán hàng, phủ khắp các tỉnh, thành của Việt Nam và lan tỏa sang Lào, Campuchia. Công ty này đang có kế hoạch xây dựng nhà máy tại miền Trung Việt Nam, đặt tại KCN Nam Cấm, tỉnh Nghệ An.

Với BMP, từ 3 cửa hàng đầu tiên trong những năm 90 thế kỷ trước, đến nay, hệ thống phân phối của công ty này gồm hơn 600 cửa hàng. Năm 2007, Nhà máy BMP miền Bắc với diện tích 40.000 m2 đã đi vào hoạt động. Trong vòng 1 năm trở lại đây, Công ty ráo riết tìm kiếm mở đại lý phía Bắc, từ Quảng Trị trở ra. Hiện dự án nhà máy 4 với diện tích trên 150.000 m2 đang trong giai đoạn phê duyệt thiết kế hoàn chỉnh, khi đưa vào hoạt động sẽ nâng tổng công suất của BMP lên gấp 3 lần hiện nay.

Phương thức bán hàng, “tấn công” các dự án lớn của 2 DN khá tương đồng. BMP đã trúng thầu hợp đồng cung cấp ống HDPE đường kính đến 1.200 mm cho Nhà máy xử lý nước thải Nam Bình Dương, dự án nhà máy xử lý nước thải lớn nhất Đông Nam Á và trở thành DN cung ứng ống nhựa có đường kính lớn nhất tại Việt Nam. Ống nhựa cỡ lớn của họ được sử dụng rộng rãi trong hệ thống cấp thoát nước, ống bảo vệ cáp ngầm trong ngành điện lực, hệ thống dẫn khí gas, thu hồi khí ở bãi rác. Trong khi đó, NTP năm 2011 mới đưa dây chuyền HDPE đường kính 1.200 mm, dây chuyền sản xuất ống PVC đường kính 800 mm vào hoạt động và năm 2012 đặt trọng tâm khai thác thị trường này. Ban điều hành công ty này cũng đặt ra quyết tâm trở thành đồng hành thân thiết với các ngành điện, nước, xây dựng.

Thị trường vật liệu nhựa xây dựng đang cạnh tranh rất quyết liệt và định hướng kinh doanh của 2 DN đã bộc lộ sự khác nhau. Chi phí bán hàng năm 2011 của NTP tăng rất lớn so với BMP. Cụ thể, chi phí bán hàng năm 2011 của NTP là 248 tỷ đồng, trong khi năm 2010 là 187 tỷ đồng mà theo ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch NTP thì lý do chi phí bán hàng lớn là do Công ty tăng chiết khấu cho các đại lý phân phối.

Còn BMP lại đi theo hướng khác. BMP ký những hợp đồng giao hàng cho các công trình lớn, nới lỏng thời gian thu hồi nợ. Với các đại lý, BMP tạo điều kiện cho khách hàng mua nợ với mức tối đa giá trị các tài sản mà họ thế chấp theo quy chế kiểm soát công nợ của Công ty. Với sự ưu đãi này, doanh số của Công ty đã tăng mạnh. Chi phí bán hàng và quản lý của BMP chỉ chiếm 5,1% trong doanh thu thuần, trong khi ở NTP chiếm tới gần 15%, bởi vậy doanh thu thấp hơn song lợi nhuận của BMP lại cao hơn, ước đoán năm 2012 sẽ vượt đàn anh NTP. Ngay tại sân nhà của NTP, năm 2011, BMP miền Bắc hoàn thành vượt mức kế hoạch doanh số được giao, tăng trưởng hơn 50% so với năm 2010.

Cùng là DN có vốn nhà nước chiếm tỷ lệ lớn nhất, không ít ý kiến cho rằng, tại sao 2 DN không có sự hợp lực phân chia thị trường để tránh cạnh tranh trực tiếp, bằng chứng là NTP có công ty phía Nam, BMP lại lập DN miền Bắc. Được biết, lãnh đạo 2 DN đã từng có trao đổi ý kiến để tránh sự phân tán và cạnh tranh như trên, nhưng kế hoạch bất thành. Trong khi đó, đại diện cổ đông nhà nước thì cho rằng, nên để cục diện như hiện nay để tạo sự cạnh tranh có lợi cho người tiêu dùng. Với quan điểm này, chắc chắn cuộc so găng giữa BMP và NTP sẽ còn ngày một gay cấn.

Thủy Nguyễn
Thủy Nguyễn

Tin cùng chuyên mục