Hoàn nhập dự phòng tác động lên lợi nhuận
Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2022, tổ chức vào đầu tháng 4/2022, cổ đông ACB đã thông qua kết quả kinh doanh năm 2021 với 18.944 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng gần 30% so với năm 2020; lãi thuần từ dịch vụ đạt 2.894 tỷ đồng, tăng hơn 70%...
Trong năm qua, ACB dành hơn 3.336 tỷ đồng trích lập dự phòng rủi ro, gấp 3,5 lần năm 2020 nên lợi nhuận trước và sau thuế tăng 25%, đạt lần lượt hơn 11.998 tỷ đồng và gần 9.603 tỷ đồng.
Năm 2022, ACB đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 558.187 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2021; tiền gửi khách hàng đạt 421.897 tỷ đồng, cũng tăng 11%; dư nợ cho vay đạt 398.299 tỷ đồng, tăng 10% và sẽ được điều chỉnh lên mức cao hơn khi có sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước (ACB phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt 16%, tùy thuộc vào sự phân bổ hạn mức của Ngân hàng Nhà nước, đầu năm được giao chỉ tiêu 10%); lợi nhuận trước thuế kỳ vọng đạt 15.018 tỷ đồng, tăng 25% và tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022 của ACB cho thấy, lợi nhuận trước thuế đạt 4.114 tỷ đồng, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành hơn 27% kế hoạch năm nhờ lãi thuần từ hoạt động kinh doanh tăng hơn 400 tỷ đồng (tương đương tăng gần 11%) và hoàn nhập dự phòng 2,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2021 phải trích lập gần 606 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên ACB được hoàn nhập dự phòng rủi ro kể từ quý I/2019.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2022, ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB cho biết, Ngân hàng đã trích lập dự phòng khoảng 2.300 tỷ đồng do ảnh hưởng của Covid -19. Đầu năm 2022, dư nợ khách hàng được cơ cấu đã cải thiện tích cực, từ mức 27.000 tỷ đồng trong năm 2021 giảm về mức 15.000 tỷ đồng tính đến hết quý I/2022.
Theo ông Phát, nếu tình hình tiếp tục khả quan, khả năng ACB sẽ có một khoản thu nhập bất thường trong năm nay nhờ được hoàn nhập dự phòng.
Trong quý I/2022, thu nhập lãi thuần của ACB đạt gần 5.441 tỷ đồng, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối tăng trưởng lần lượt 18,2% và 54,7%, mang về tương ứng hơn 739 tỷ đồng và 303 tỷ đồng. Đáng chú ý, ACB ghi nhận khoản lãi hơn 369 tỷ đồng từ các hoạt động kinh doanh khác.
Tuy chưa có thuyết minh chi tiết, nhưng theo chia sẻ của lãnh đạo ACB, thu nhập ngoài lãi trong kỳ đạt khoảng 1.300 tỷ đồng, tăng trưởng 37%. Trong đó, kênh bancassurance đóng góp 390 tỷ đồng doanh thu.
Tổng hợp các mảng kinh doanh, thu nhập hoạt động của ACB trong quý I/2022 đạt gần 6.850 tỷ đồng, tăng 20,7%. Trong khi chi phí hoạt động tăng 39,3%, lên gần 2.739 tỷ đồng (chủ yếu do chi phí nhân viên tăng 25%).
Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 10,8%, đạt hơn 4.111 tỷ đồng. Tính đến cuối quý I/2022, tổng tài sản ACB ở mức 528.636 tỷ đồng, tăng 0,2% so với cuối năm 2021; dư nợ cho vay khách hàng tăng 5% lên 379.983 tỷ đồng; tiền gửi khách hàng tăng 1,6% lên 386.051 tỷ đồng.
Trong năm 2022, ACB sẽ thay đổi mô hình kinh doanh theo hướng gia tăng tỷ trọng ngân hàng thuần túy trong tổng doanh thu, tập trung vào những thị trường còn chưa phát triển, gia tăng thị phần tại những thị trường đang có thị phần cao, tập trung phát triển khách hàng qua mảng ngân hàng số… để ổn định nguồn thu dài hạn.
Theo đánh giá của HĐQT ACB, hoạt động năm 2022 dù khó khăn hơn nhưng cơ hội tăng trưởng cao vẫn rộng mở xuất phát từ kinh tế thế giới tiếp tục đà phục hồi, kinh tế trong nước đã xuống đáy sẽ đi lên nhanh hơn.
Bên cạnh đó, nhu cầu tín dụng sẽ tăng cao, nhất là từ quý II/2022, đòi hỏi một sự chuẩn bị dài hạn hơn về nguồn vốn. Việc quản trị và điều hành vừa tiết giảm hợp lý chi phí vốn, vừa bảo đảm thanh khoản và nắm bắt cơ hội mở rộng cho vay là vấn đề các ngân hàng sẽ đối diện trong thời gian tới.
Đẩy mạnh số hóa, tăng thu ngoài lãi
Theo báo cáo tài chính quý I/2022, tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) của ACB tại thời điểm cuối kỳ đạt 27%, mảng dịch vụ và bảo hiểm đều tăng trưởng tốt, trong đó doanh thu bancassurance dẫn đầu thị trường. Với lợi thế về ngân hàng số, mục tiêu CASA đạt 28-29% vào cuối năm 2022 là khả thi.
Được biết, ACB đã chính thức ra mắt thương hiệu Ngân hàng số ACB ONE vào trung tuần tháng 2/2022 cùng việc thành lập Khối Ngân hàng số. Đây là cột mốc quan trọng đánh dấu bước chuyển đổi lớn của ACB trong việc số hóa hoạt động kinh doanh, đồng thời hướng đến mục tiêu đơn giản, hiện đại và tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng.
“Bên cạnh thế mạnh kinh doanh theo mô hình ngân hàng truyền thống, ACB quyết tâm xây dựng Ngân hàng số ACB ONE trở thành mảng kinh doanh mũi nhọn giúp tăng trưởng lợi nhuận, thúc đẩy Ngân hàng phát triển theo xu hướng dịch vụ số của ngành. Thương hiệu Ngân hàng số ACB ONE sẽ góp phần xây dựng hình ảnh một ACB trẻ trung, năng động, luôn sáng tạo và đổi mới”, ông Từ Tiến Phát nhấn mạnh.
Thông qua bộ nhận diện thương hiệu Ngân hàng số ACB ONE, trong đó với ONE mang ý nghĩa Online “N” Exciting, ACB mong muốn giúp khách hàng chủ động hoàn toàn về thời gian và không gian khi giao dịch; từ đó dễ dàng tận hưởng những giây phút quý báu đầy hứng thú trong cuộc sống.
Logo ACB ONE được thiết kế sáng tạo với chữ “N” cách điệu từ biểu tượng dòng tiền IN-OUT, thể hiện thông điệp giao dịch nhanh chóng tiện lợi. Đặc biệt, nhân vật đại diện cho ACB ONE mang hình tượng gần gũi, sinh động, hiện đại, truyền tải tinh thần thương hiệu “sống nhẹ thêm vui”, là điểm nhấn cho đợt ra mắt thương hiệu lần này.
ACB ONE có giao diện thân thiện, đơn giản, dễ sử dụng dành cho mọi lứa tuổi, cùng các tính năng đáp ứng nhu cầu giao dịch hiện đại như mở thẻ online, gửi tiết kiệm kỳ hạn tự chọn ngày đáo hạn mong muốn, rút tiền mặt tại ATM bằng QR Code, chuyển khoản bằng QR Code…
Chào đón việc ra mắt thương hiệu Ngân hàng số ACB ONE, ngoài việc trải nghiệm giao diện, hình ảnh, tên gọi mới của các sản phẩm ngân hàng số theo bộ nhận diện mới, khách hàng cá nhân sẽ nhận được nhiều ưu đãi hấp dẫn khi giao dịch qua ACB ONE như miễn phí dịch vụ và phí thường niên ACB ONE, miễn phí chuyển tiền online tất cả ngân hàng (áp dụng tài khoản eBIZ, ECO Plus, thương gia và ưu tiên), tặng lãi suất lên đến 0,5%/năm khi gửi tiết kiệm trên ACB ONE...
Ngân hàng số là một trong những mảng kinh doanh trọng tâm của ACB, được xây dựng dựa trên 4 trụ cột chính, gồm xây dựng thương hiệu, đội ngũ ngân hàng số, mô hình vận hành chuyên biệt và tích hợp hệ sinh thái số bên ngoài. Trong tháng 4/2022, ACB đã cho ra mắt những sản phẩm ngân hàng số mới để tăng thu hút khách hàng, đồng thời tích hợp hệ sinh thái số từ các Fintech với kỳ vọng tỷ lệ CASA sẽ hoàn thành, thậm chí vượt kế hoạch đề ra.
ACB dự kiến phát hành hơn 675 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 cho cổ đông, tương đương tỷ lệ 25%. Nguồn sử dụng để tăng vốn điều lệ từ lợi nhuận có thể sử dụng chia cổ tức sau khi đã trích lập đầy đủ các quỹ và lợi nhuận năm trước còn lại chưa chia theo báo cáo tài chính kiểm toán tại thời điểm 31/12/2021. Sau khi chia cổ tức, vốn điều lệ ACB tăng từ 27.019 tỷ đồng lên 33.774 tỷ đồng. Thời gian dự kiến hoàn thành trả cổ tức trong quý III/2022. Kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2022, ACB dự kiến chia cổ tức với tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt.