Hai bộ đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công thương thống nhất cao việc đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia. Hội đồng là tổ chức phối hợp liên ngành, tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ chủ trương, chiến lược... phát triển toàn diện ngành hàng lúa gạo.

Chiều 6/8, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đồng chủ trì cuộc họp đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia.

Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong sản xuất và xuất khẩu lúa gạo. Năm 2023, xuất khẩu thành công 8,1 triệu tấn gạo, tăng 36,6% so với cùng kỳ và là mức cao nhất trong 16 năm qua.

Bộ Công thương đã dự thảo Tờ trình, trình Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia.
Bộ Công thương đã dự thảo Tờ trình, trình Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia.

Sản xuất lúa gạo thuận lợi và ổn định trong năm 2023 cũng như 7 tháng đầu năm 2024.

Sản lượng cả năm 2023 đạt 43,5 triệu tấn thóc, tăng 1,9% so với năm 2022, sản lượng lúa thu hoạch tính đến ngày 15/7/2024 khoảng 25 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ.

Bộ NN&PTNT tính toán, năm 2024, sản xuất lúa gạo ước đạt khoảng 43,4 triệu tấn thóc (giảm khoảng 35.000 tấn), trong đó tổng khối lượng cho xuất khẩu ước đạt khoảng 7,6 triệu tấn.

7 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo tiếp tục là điểm sáng, với 5,18 triệu tấn, trị giá 3,27 tỷ USD, tăng 5,8% về lượng và tăng 25,1% về trị giá. Giá xuất khẩu bình quân đạt 632,2 USD/tấn.

Theo dự thảo, Hội đồng Lúa gạo quốc gia có nhiệm vụ nghiên cứu đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách minh bạch, hiệu quả, đảm bảo phát triển ngành lúa gạo toàn diện, bền vững.

Sản xuất và xuất khẩu lúa gạo thuận lợi, song theo Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan, các khung pháp lý hiện nay đang bộc lộ nhiều vấn đề cần xem xét, sửa đổi, bổ sung khi chưa tạo ra được những động lực đủ mạnh và một môi trường thuận lợi cho người sản xuất và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo.

Thông tin, số liệu liên quan không đầy đủ, xác thực, kịp thời và không phản ánh đúng thực tế gây khó khăn cho điều hành, quản lý sản xuất, xuất khẩu gạo trong những thời điểm nhạy cảm.

Bên cạnh đó, ngành lúa gạo cũng còn một số hạn chế như sản xuất chưa theo quy hoạch dẫn đến dư thừa cục bộ ảnh hưởng đến người sản xuất; Thu nhập người nông dân trồng lúa còn thấp, đời sống của một số bộ phận còn khó khăn.

Cùng đó là thách thức về biến đổi khí hậu, thị trường trong nước và thế giới diễn biến nhanh, xu thế tiêu dùng thay đổi, nhiều nguồn tài nguyên suy giảm, nhất là tài nguyên nước.

Vì vậy, Bộ trưởng Hoan cho rằng: "Để đa dạng sản phẩm, thị trường, đa dạng nguồn thu nhập cho người trồng lúa và vùng sản xuất lúa, nâng cao khả năng chống chịu biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính và đóng góp cho bảo vệ môi trường, bảo vệ và sử dụng hiệu quả tài tài nguyên, rất cần một cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các Bộ, ngành, địa phương trong việc điều phối các hoạt động chung ngành lúa gạo".

Nhấn mạnh vai trò của ngành lúa gạo những năm qua, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên nói: "Từ việc là một quốc gia nhập khẩu lương thực, Việt Nam đã tự chủ nguồn cung, cân đối lương thực, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Đồng thời còn trở thành 1 trong số ít quốc gia được xem là cường quốc xuất khẩu gạo".

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Diên, hoạt động xuất khẩu gạo vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: sản xuất lúa gạo còn manh mún, công nghệ chưa tiên tiến; thu nhập người nông dân trồng lúa còn thấp; đời sống của một số bộ phận còn khó khăn.

Xuất khẩu gạo còn phụ thuộc vào các thị trường truyền thống, chưa đa dạng hoá thị trường, gây ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả xuất khẩu. Doanh nghiệp chưa chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, còn khó khăn trong quá trình giao dịch

"Ngành vẫn thiếu một chính sách phát triển ổn định, vững chắc. Hiện, đầu tư của nhà nước cả ngoài nước cho sản xuất lúa gạo nhất là gạo xuất khẩu chưa xứng tầm (về giống, khoa học công nghệ, quy trình sản xuất, chế biến). Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thiếu chuyên nghiệp, cạnh tranh không lành mạnh, thiếu sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và công tác kiểm tra giám sát, xử lý chưa tốt…", Bộ trưởng Diên nêu rõ.

Từ những vấn đề của ngành lúa gạo, Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia.

Theo dự thảo đề xuất lập Hội đồng lúa gạo quốc gia, Phó thủ tướng làm Chủ tịch Hội đồng; Bộ trưởng Bộ Công thương làm Phó chủ tịch thường trực, Bộ trưởng NN&PTNT làm Phó chủ tịch.

Uỷ viên Hội đồng là đại diện lãnh đạo các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao; đại diện lãnh đạo UBND một số địa phương

Hôm 1/8, Bộ Công thương đã dự thảo Tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Chính phủ phụ trách và hồ sơ liên quan về thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia.

Về chức năng, Hội đồng là tổ chức phối hợp liên ngành tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết các vấn đề quan trọng, liên ngành đối với sự phát triển ngành hàng lúa gạo.

Hội đồng có nhiệm vụ nghiên cứu đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý minh bạch, hiệu quả, đảm bảo ổn định và phát triển thị trường, thúc đẩy phát triển ngành hàng lúa gạo toàn diện, đảm bảo anh sinh xã hội và an ninh lương thực quốc gia, phát triển sản xuất, xuất khẩu hướng tới mục tiêu bền vững.

Nghiên cứu, tư vấn, khuyến nghị, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách thúc đẩy sự phát triển ngành lúa gạo.

Đồng thời, cho ý kiến về chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách... liên quan đến ngành hàng lúa gạo thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ. Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành để thu thập thông tin, phân tích đánh giá về tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành hàng lúa gạo.

Hải Yến
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục