Lợi nhuận quý 3 ảnh hưởng bởi dịch bệnh
Kết thúc quý 3/2021, Báo cáo tài chính của Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco, mã chứng khoán BHN) cho biết doanh thu thuần hợp nhất giảm 36,76% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 1.733,82 tỷ đồng.
Mặc dù nhiều loại chi phí đã được nỗ lực tiết giảm nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn giảm 59,8%, đạt 137 tỷ đồng, trong đó phần lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 127,45 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Tổng công ty đạt 5.100,76 tỷ đồng doanh thu và 367,61 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 9,8% về doanh thu và 24,67% về lợi nhuận so với cùng kỳ năm 2020. Mức giảm trong 9 tháng thấp hơn đáng kể so với riêng quý 3 nhờ được bù đắp bởi khởi đầu tích cực trong giai đoạn đầu năm.
Bức tranh kinh doanh kém khả quan của Habeco cũng là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp ngành đồ uống khác trong quý 3/2021 khi làn sóng Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam kéo dài đã ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống của người dân cũng như nền kinh tế, xã hội.
Các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong điều kiện vừa sản xuất vừa phải tập trung vào công tác phòng, chống dịch, nhiều chi phí sản xuất khác gia tăng trong khi sản lượng sản xuất, kinh doanh sụt giảm.
Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của ngành đồ uống tháng 9/2021 đã giảm 34,3% so với cùng kỳ năm 2020. Tính cả quý 3/2021, mức giảm là 27,2%.
Riêng đối với chỉ số sản xuất công nghiệp ngành bia.mức giảm trong tháng 9/2021 là 40,4% so với cùng kỳ 2020, mức giảm của quý 3/2021 là 32,9%.
Tại khu vực phía Nam, Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cũng đã báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế trong Q3/2021 giảm lần lượt 47% và 68% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tình hình kinh doanh khó khăn, sức cầu yếu, Ban lãnh đạo Habeco đưa ra nhiều phương án kinh doanh linh hoạt để thích ứng và thúc đẩy sản lượng tiêu thụ, quảng bá thương hiệu, bảo vệ thị phần như đẩy mạnh phương thức bán hàng online, dịch vụ giao hàng tận nơi. Các chương trình khuyến mại bia Hà Nội Xanh, Bừng sắc hè cùng Bia Hà Nội diễn ra trong suốt quý vừa qua đã được người tiêu dùng đón nhận rất tích cực.
Triển vọng phục hồi khả quan dù vẫn còn nhiều khó khăn
Sau giai đoạn giãn cách xã hội nghiêm ngặt phòng chống dịch bệnh kết hợp với đẩy mạnh tiêm chủng vắc xin, nhiều địa phương đã từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế.
Chẳng hạn như tại Tp. Hà Nội, từ 6h ngày 14/10/2021 UBND TP. Hà Nội điều chỉnh một số hoạt động trên địa bàn Thành phố, theo đó các cơ quan, công sở, tổ chức, doanh nghiệp được được phép trở lại hoạt động, nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống được phép kinh doanh, phục vụ tại chỗ với giới hạn không quá 50% chỗ ngồi.
Nhiều địa phương khác cũng đã nới lỏng các biện pháp phòng dịch theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Việc từng bước mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế, lưu thông hàng hóa cũng mang đến triển vọng phục hồi cho các doanh nghiệp ngành đồ uống nói chung và Habeco nói riêng khi mùa cao điểm kinh doanh từ cuối năm nay đến đầu năm sau đang đến gần.
Tuy nhiên, trong bối cảnh diễn biến của dịch bệnh còn nhiều phức tạp, các dịch vụ ăn uống phục vụ tại chỗ đối với nhà hàng, quán bia, bia hơi vẫn chưa được nới lỏng thì hoạt động kinh doanh của Habeco sẽ vẫn đối mặt với nhiều khó khăn.
Việc sở hữu nhiều dòng sản phẩm thuộc phân khúc bia phổ thông giúp góp phần tạo lợi thế cạnh tranh cho Habeco trong xu hướng tiết kiệm của người tiêu dùng.
Quá trình tăng cường đầu tư vào marketing và các kênh phân phối thương mại hiện đại cũng như giới thiệu sản phẩm mới tiềm năng thời gian qua cũng giúp Tổng công ty có vị thế tốt để tận dụng đà phục hồi tiêu thụ bia trong nước.
Theo kế hoạch kinh doanh của Habeco, vào tháng 11/2021, Chương trình khuyến mại Bia Hà Nội Tết - chương trình thường niên và lớn nhất trong năm của Bia Hà Nội với giá trị giải thưởng lên đến hàng chục tỷ đồng sẽ được triển khai để tri ân Khách Hàng và chào đón Tết Nhâm Dần 2022.
Việc triển khai chương trình khuyến mãi lớn ngay khi sức cầu thị trường hồi phục được kỳ vọng giúp Tổng công ty phục hồi sản lượng tiêu thụ ngay trong quý 4. Biên lợi nhuận gộp cũng dự báo được cải thiện theo sự gia tăng sản lượng sản xuất sau khi chịu ảnh hưởng bởi hiệu suất hoạt động thấp trong quý vừa qua.