Habeco (BHN): Sáng cửa phục hồi tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sự chủ động đưa ra các giải pháp kinh doanh để ứng phó và vượt qua môi trường kinh doanh khó khăn nhất từ trước đến nay được đánh giá sẽ là cơ sở giúp Tổng công ty cổ phần Bia  -Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco - mã chứng khoán BHN) sáng cửa phục hồi tăng trưởng trong năm 2021- khi điều kiện kinh doanh đã thuận lợi hơn đáng kể.
Habeco (BHN): Sáng cửa phục hồi tăng trưởng

Năm 2020 nỗ lực vượt thách thức kép

Kết thúc năm 2020, báo cáo tài chính của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco - Mã chứng khoán BHN) cho biết, doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ hợp nhất đã đạt 7.452,6 tỷ đồng, trong đó doanh thu tiêu thụ sản phẩm chính đạt 5.893,8 tỷ đồng, vượt 39% kế hoạch đại hội đồng cổ đông đề ra.

Mặc dù vẫn giảm 20,17% so với thực hiện 2019, doanh thu hợp nhất của Tổng công ty vẫn được đánh giá tích cực trong bối cảnh ngành bia nói riêng và Habeco nói chung phải trải qua một năm đầy khó khăn với tác động kép từ Nghị định 100/2019 về phòng chống tác hại của rượu bia (có hiệu lực từ 1/1/2020) và dịch bệnh Covid-19 bùng phát, đặc biệt là trong quý II/2020 trở thành quý “tồi tệ nhất” của ngành bia do giãn cách xã hội trên toàn quốc, các cơ sở dịch vụ đồ uống - được xếp vào nhóm “dịch vụ không thiết yếu” phải đóng cửa dài hơn các ngành kinh doanh khác.

Trong bối cảnh khó khăn đó, Tổng công ty đã nỗ lực tìm giải pháp vượt khó khi một mặt đẩy mạnh công tác bán hàng, quảng bá thương hiệu để duy trì thị phần tại các thị trường truyền thống, một mặt tìm cách phát triển thị trường bên cạnh việc đổi mới sản phẩm phù hợp với nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng trong bối cảnh trạng thái “bình thường mới”.

Nếu như trong công tác thị trường, chiến dịch truyền thông “Tôi yêu Bia Hà Nội” đã được thị trường đón nhận tích cực góp phần đưa thương hiệu Bia Hà Nội lọt Top 3 thương hiệu ngành bia vào tháng 8/2020, thì đối với công tác phát triển sản phẩm, các sản phẩm Bia Hơi Hà Nội 500ml và Bia hơi Hà Nội 1l cũng được người tiêu dùng đón nhận rất tích cực.

Kết quả tổng sản lượng tiêu thụ các sản phẩm chủ yếu trong năm 2020 đã vượt 37,7% kế hoạch đề ra. Trong đó, tiêu thụ bia các loại đạt 307,8 triệu lít, vượt kế hoạch 37,9%. Tiêu thụ nước uống đóng chai đạt 2,1 triệu lít, vượt kế hoạch 10,4%.

Đáng chú ý, sau giai đoạn khó khăn trong nửa đầu năm 2020, sản lượng tiêu thụ đã ghi nhận mức hồi phục mạnh mẽ trong 2 quý cuối năm và tiếp tục duy trì thị phần dẫn đầu tại các thị trường truyền thống là miền Bắc và Bắc Trung bộ với thị phần 38,5% tính theo sản lượng.

Song song với việc đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, Habeco cũng nỗ lực tìm các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý chi phí sản xuất, kinh doanh, giúp biên lãi gộp hợp nhất cải thiện 0,21 điểm phần trăm so với năm 2019, đạt 26,34% - đây cũng là mức biên lãi gộp cao nhất mà Tổng Công ty đạt được trong vòng 4 năm trở lại đây.

Các khoản mục chi phí tài chính và chi phí bán hàng cũng được tiết giảm 22,1%, 25,3% so với năm 2019. Qua đó, giảm thiểu đáng kể tác động của việc suy giảm doanh thu lên lợi nhuận.

Cùng với việc khoản lợi nhuận khác tăng đột biến, chủ yếu nhờ hoàn nhập chi phí dự phòng, Tổng công ty đã đạt 660,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2020, tăng 26,28% so với năm 2019 và vượt 166,3% kế hoạch. Các chỉ số sinh lời trên tổng tài sản, vốn chủ sở hữu lần lượt đạt 8,6% và 11,52% - đều tăng so với 2019.

Dòng tiền kinh doanh thặng dự hơn 513 tỷ đồng tiếp tục là điểm sáng khi không chỉ giúp đáp ứng nhu cầu tái đầu tư, mà còn tạo điều kiện cho công ty giảm bớt nợ vay, gia tăng tích lũy.

Tính đến cuối năm 2020, tổng nợ vay ngắn và dài hạn của Tổng công ty chỉ còn 321 tỷ đồng, giảm 31,5% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ vay trên tổng nguồn vốn ở mức 4,17%. Trong khi đó, giá trị tiền và tiền gửi ngân hàng các loại lên đến 3.205 tỷ đồng, tăng 11,7% so với đầu năm và gấp gần 10 lần dư nợ vay.

Nguồn lực tài chính dồi dào giúp Habeco duy trì khả năng chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông. Cuối tháng 3/2021, Habeco đã hoàn tất thanh toán đợt chi trả cổ tức 2018 và 2019 với số tiền lên đến 2.830 đồng/cổ phiếu.

Triển vọng tăng trưởng năm 2021 vẫn sáng

Trước thềm Đại hội đồng cổ đông 2021 tổ chức ngày 28/4, Hội đồng quản trị Tổng công ty dự kiến sẽ trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm nay với sản lượng sản xuất và tiêu thụ 280 triệu lít, doanh thu các sản phẩm tiêu thụ chính 5.391,6 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 255 tỷ đồng

Tương tự, nhiều doanh nghiệp khác trong ngành, sự thận trọng trong kế hoạch kinh doanh của Tổng công ty là có cơ sở trong bối cảnh năm 2021 được đánh giá tiếp tục được đánh giá có nhiều thách thức khi dịch bệnh Covid-19 dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nhiều ngành kinh tế cũng như sức mua của người tiêu dùng.

Tuy vậy, các doanh nghiệp ngành bia nói chung, trong đó có Habeco vẫn có những điểm sáng tích cực để kỳ vọng. Trong đó, đáng kể nhất là việc Việt Nam đã xử lý rất tốt các đợt bùng phát Covid-19, giúp các ngành dịch vụ ăn uống và giải trí đã nhanh chóng quay trở lại hoạt động sau những đợt giãn cách xã hội ngắn.

Sau 1 năm Nghị định 100 có hiệu lực và dịch bệnh, thói quen của người tiêu dùng cũng đã điều chỉnh để thích nghi, chẳng hạn như tại các thành phố lớn người tiêu dùng đã dần quen với việc sử dụng các phương tiện giao thông công cộng (taxi, dịch vụ gọi xe) sau khi sử dụng rượu, bia để đảm bảo an toàn. Thói quen mua về nhà (off-premise) sử dụng cũng dần phổ biến hơn giúp hỗ trợ lượng bia, rượu tiêu thụ tăng trưởng trở lại trên mức nền thấp của năm 2020 đầy khó khăn...

Sự chủ động trong các giải pháp kinh doanh cùng điều kiện môi trường kinh doanh được cải thiện hơn trong năm 2021 sẽ là những yếu tố giúp Habeco có thể kỳ vọng về đích kế hoạch kinh doanh năm nay sớm hơn dự kiến.

Nguyễn Huyền

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục