Habeco: Chuyển động tích cực từ chiến lược liên tục “làm mới”

(ĐTCK) Sau cổ phần hóa vào năm 2007, Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) đã có những bước tăng trưởng tích cực, thể hiện rõ nét qua các chỉ tiêu kinh doanh tăng trưởng hàng năm. Vượt qua sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thương trường, các sản phẩm của Tổng công ty vẫn giành được sự thiện cảm và đánh giá cao về chất lượng của đông đảo người tiêu dùng.
Habeco đang nắm giữ khoảng 20% thị phần bia nội địa Habeco đang nắm giữ khoảng 20% thị phần bia nội địa

Bước nhảy vọt sau cổ phần hóa

Habeco đã “thay da đổi thịt” sau khi cổ phần hóa. Nếu như trước khi chính thức cổ phần hóa, năm 2006, doanh nghiệp này chỉ đạt doanh thu hợp nhất trên 2.461 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất gần 342 tỷ đồng, thì nay con số doanh thu và lợi nhuận đã tăng trưởng mạnh.

Biểu đồ lợi nhuận hợp nhất của Habeco liên tục biến đổi theo chiều tăng qua các năm. Năm 2009, doanh nghiệp đạt lợi nhuận 584 tỷ đồng, đến năm 2010 có bước tăng vọt lên 956 tỷ đồng và tiếp sau đó, các năm 2012, 2015 đều đạt đỉnh cao về tăng trưởng lợi nhuận. Cụ thể, năm 2012, Habeco lãi 981 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ khi cổ phần hóa; năm 2015 lãi 938 tỷ đồng.

Năm 2016 vừa qua, Habeco đạt doanh thu hơn 10 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 796 tỷ đồng, giảm so với năm 2015, nhưng vẫn ở mức cao so với các doanh nghiệp lớn cùng ngành. Trong câu chuyện của Habeco, cổ phần hóa thực sự là “chìa khóa” cho doanh nghiệp tăng trưởng thành công.

Năm nay, Tổng công ty đặt mục tiêu kinh doanh của riêng công ty mẹ là doanh thu 8.866 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.001,1 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 808,6 tỷ đồng, chia cổ tức 20%.

Những năm gần đây, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành ngày càng gay gắt, nhiều thương hiệu bia nước ngoài tham gia thị trường Việt Nam với nguồn ngân sách dồi dào, không bị giới hạn trong việc đầu tư từ máy móc công nghệ hiện đại đến các hoạt động quảng cáo, tiếp thị. Trong khi đó, thuế tiêu thụ đặc biệt được điều chỉnh tăng từ 50% lên 55%.

Trong bối cảnh đó, Habeco đã có những chiến lược nhằm đứng vững và duy trì đà tăng trưởng. Bên cạnh việc giữ vững và phát triển thị trường trong nước, Habeco chú trọng xuất khẩu sản phẩm sang các nước châu Á, châu Âu và châu Úc, trong đó tập trung vào thị trường Australia và Anh. Tổng sản lượng xuất khẩu năm 2016 của Habeco tăng 58,1% so với năm 2015.

Cùng với đó, Habeco nâng cao chất lượng sản phẩm, kiểm soát tỷ lệ bia men dài ngày, lượng bia tồn kho tại những mùa thấp điểm hợp lý hơn, bảo quản hàng hóa tốt hơn, đưa các chỉ tiêu mới vào trong kiểm soát quản lý chất lượng hàng hóa, quan tâm nhiều đến công tác chăm sóc khách hàng…

Đặc biệt, Tổng công ty chuyển giao công nghệ sản xuất bia lon Hà Nội 330, triển khai các dự án đầu tư chiều sâu đổi mới công nghệ, phát huy các sáng kiến cải tiến.

Những nỗ lực sáng tạo liên tục, các chương trình hoạt động dày đặc… cho thấy Habeco có những chuyển động mạnh mẽ để giữ vững và mở rộng thị trường.

Thu hút nhiều nhà đầu tư quan tâm

Chủ trương của Chính phủ về thoái vốn nhà nước tại Habeco được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Hiện nay, trong cơ cấu cổ đông của Habeco, Bộ Công thương sở hữu 81,79% cổ phần, Carlsberg Breweries A/S nắm giữ 17,34%, các cổ đông khác nắm giữ 0,87%.

Carlsberg luôn theo dõi sát sao tiến trình thoái vốn nhà nước tại Habeco, muốn nâng cao tỷ lệ sở hữu đến mức chi phối.

Habeco niêm yết vào tháng 1/2017, với mã chứng khoán BHN. Hiện thị giá mỗi cổ phiếu BHN đạt trên 130.000 đồng (ngày 4/10), thuộc nhóm các doanh nghiệp dẫn đầu thị trường niêm yết.

Ngoài cổ đông nước ngoài là Carlsberg mong muốn được gia tăng tỷ lệ sở hữu tại Habeco, doanh nghiệp này còn hút sự quan tâm nhiều của nhiều nhà đầu tư ngoại khác. Mới đây, công ty sản xuất bia lớn nhất Australia là Carlton & United Breweries (CUB) đã bày tỏ ý định rót vốn vào Habeco.

Tại cuộc gặp Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhân chuyến thăm và gặp gỡ doanh nghiệp Australia ngày 24/7/2017, ông Jan Craps, Tổng giám đốc CBU mong muốn Công ty có thể mua cổ phần tại Habeco và Sabeco.

Theo ông Jan Craps, CUB đang có nhu cầu mở rộng nhà máy sản xuất bia tại tỉnh Bình Dương và mong muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược của Sabeco và Habeco, khi Nhà nước thoái vốn tại 2 doanh nghiệp này trong năm nay.

CUB có lịch sử hoạt động từ năm 1832, chính thức thành lập năm 1907 với tên gọi giữ nguyên từ đó đến nay, hiện chiếm 47% thị phần bia tại Australia, với các thương hiệu như Victoria Bitter, Carlton Draught, Crown Lager, Pure Blonde, Cascade, The Yak Ales, Great Northern. Một số thương hiệu bia toàn cầu và cao cấp của CUB là Corona, Budweiser, Stella Artois.

Tháng 10/2016, CBU trở thành công ty con của hãng bia AB InBev (Bỉ). Trước đây, AB InBev từng được nhắc tới là một trong 7 đại gia ngoại, bên cạnh Heineken, Asahi, Thai Beverage Pcl... muốn mua cổ phần của Sabeco, Habeco.

Theo lộ trình được Bộ Công thương công bố, Nhà nước sẽ tiến hành thoái vốn tại 2 doanh nghiệp lớn nhất ngành bia Việt Nam - Habeco và Sabeco trong năm 2017.

Rộng cửa chào đón các nhà đầu tư

Habeco hiện đã ký hợp đồng tư vấn về giải pháp thực hiện thoái vốn theo hình thức đấu thầu rộng rãi với liên doanh Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt và Công ty cổ phần Định giá và dịch vụ tài chính Việt Nam. Tổng công ty cũng đang chuẩn bị các kế hoạch để rộng đường chào đón các nhà đầu tư.

Được biết, Habeco đang nắm giữ khoảng 18% thị phần bia nội địa, nếu có sự tham gia sâu của các nhà đầu tư sau cổ phần hóa, nhiều chuyên gia dự báo, doanh nghiệp sẽ tăng trưởng mạnh hơn cả về doanh thu, lợi nhuận và thị phần.

Thị trường bia Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng, thực sự là “mảnh đất màu mỡ” để các nhà đầu tư khai thác phát triển. Dự kiến, mức tiêu thụ bia sẽ cán mốc 4 tỷ lít trong năm 2017, đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiêu thụ bia đứng đầu Đông Nam Á.

Riêng Habeco, trong năm 2016 đã tiêu thụ được 526 triệu lít bia thương hiệu Hà Nội, tăng 3% so với năm 2015 và hoàn thành 100,2% kế hoạch năm. Trong đó, bộ sản phẩm bia chai Hà Nội nhãn xanh và bia lon Hà Nội nhãn xanh có mức tăng trưởng cao và vượt kế hoạch sản xuất, lần lượt là 200,8% và 190,9%. Bộ sản phẩm này đã được người tiêu dùng ở khu vực miền Trung hào hứng đón nhận.

Hiện Habeco đang chuyển mình mạnh mẽ để đón vận hội mới. Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, để nắm bắt được cơ hội và vượt qua những thách thức, duy trì mức tăng trưởng, thực hiện được mục tiêu kế hoạch đề ra, đòi hỏi sự nỗ lực, đoàn kết của toàn thể cán bộ, công nhân viên trong Tổng công ty, sự ủng hộ của các cổ đông. Đây sẽ là sức mạnh giúp Tổng công ty vượt qua những khó khăn trước mắt để hoàn thành tốt nhiệm vụ do Chính phủ, Bộ Công thương và các nhà đầu tư giao phó, trông đợi.

Habeco là thương hiệu Việt có truyền thống lâu đời, được đông đảo người tiêu dùng yêu mến, bia Hà Nội cũng là một nét ẩm thực đặc sắc của Hà thành… Chắc chắn rằng, cổ phần Habeco sẽ đến được với những nhà đầu tư có chiến lược phát triển dài hạn, gắn bó và tiếp tục “làm mới” thương hiệu Habeco, qua đó phát triển mạnh mẽ tại thị trường trong nước, đồng thời vươn ra thị trường quốc tế.

Huyền Vy - Hải Yến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục