Hà Tĩnh khai hội Chùa Hương Tích

Sáng 30/1 (tức mùng 6 Tết), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh phối hợp với huyện Can Lộc long trọng tổ chức khai hội Chùa Hương Tích, mở đầu năm du lịch Hà Tĩnh 2020.
Hà Tĩnh tưng bừng khai hội Chùa Hương tích Hà Tĩnh tưng bừng khai hội Chùa Hương tích

Là một lễ hội thường niên đầu dịp Xuân đến, du khách khắp mọi miền đất nước lại nô nức về trẩy hội Chùa Hương - Thiên Lộc - Can Lộc. Lễ hội Chùa Hương Tích là một nét đẹp văn hoá truyền thống, một sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân xứ Nghệ nói chung và người Hà Tĩnh nói riêng.

Chùa Hương Tích hay còn gọi là Hương Tích Cổ Tự có nghĩa là Chùa Thơm. Chùa nằm ở độ cao 650 m so với mặt nước biển, tọa lạc trên lưng chừng đỉnh Hương Tích, một trong những đỉnh núi đẹp nhất trong số 99 đỉnh núi Hồng - thuộc xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Chùa được xây dựng vào đời Trần, được mệnh danh là “Hoan Châu đệ nhất danh lam”, được xếp vào hàng 21 thắng cảnh nổi tiếng nhất của nước Nam xưa. Các cứ liệu lịch sử còn cho thấy, chùa Hương Hà Tĩnh có từ thế kỷ thứ mười ba, là chùa gốc của chùa Hương Hà Nội, có trước chùa Hương Hà Nội hàng trăm năm.

Theo truyền thuyết, Chùa Hương Tích là nơi thờ Công chúa Diệu Thiện, con của Vua Trang Vương nước Sở, đi tu hóa Phật. Trên thực tế, Hương Tích là một quần thể di tích văn hóa - tôn giáo cổ truyền, gồm: chùa, am, tháp, đền, miếu, thờ Phật, thờ thần, thờ tín ngưỡng nông nghiệp, thờ mẫu và gắn liền với nhiều huyền thoại, truyền thuyết. Đến với Chùa Hương, du khách không chỉ đến một chốn tâm linh huyền bí mà còn được đắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, sơn thủy hữu tình.

Ông Bùi Xuân Thập, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh cho hay: Việc tổ chức lễ khai hội Chùa Hương, mở đầu năm du lịch Hà Tĩnh là dịp quảng bá hình ảnh con người và những giá trị di sản văn hóa đặc sắc của tỉnh Hà Tĩnh. Du khách thập phương, các tăng ni phật tử về đây hội tụ cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, gia đình hạnh phúc, ấm no...

Đồng thời, thể hiện tinh thần liên kết cộng đồng, không phân biệt dòng họ, ngược xuôi về đây đoàn kết để phát huy và giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc của người Việt Nam. Đó là sức mạnh tinh thần, sức mạnh văn hoá, làm cho đời sống tinh thần của nhân dân thêm phong phú, luôn hướng thiện, sống yêu thương, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh.

Với sự linh thiêng của chùa, vẻ đẹp quyến rũ của thiên nhiên, nhiều năm gần đây, lượng du khách và đạo hữu đến với Hương Tích ngày càng tăng. Năm 2019, Chùa Hương Tích đã thu hút được trên 16 vạn lượt du khách. Cùng với đó, nguồn lực đầu tư, tôn tạo, nâng cấp khu di tích được huy động từ ngân sách nhà nước và xã hội hóa của đạo hữu cũng ngày càng tăng.

Theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, tính đến nay, có trên 300 tỷ đồng được đầu tư xây dựng, tôn tạo Chùa Hương Tích, trong đó Tập đoàn An Viên và Tập đoàn Vingroup đã hoàn thành việc trùng tu, tôn tạo nền Trang Vương với tổng kinh phí trên 50 tỷ đồng; Dự án cải thiện cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện tiểu vùng sông Mê Công mở rộng của Ngân hàng Phát triển Châu Á đã hoàn thành giai đoạn 1 với nguồn vốn 120 tỷ đồng đầu tư vào Chùa Hương. Đây là những kết quả rất đáng phấn khởi cho điểm du lịch văn hóa tâm linh trọng điểm của Hà Tĩnh.

Thời gian tới, huyện Can Lộc và Ban Quản lý Khu di tích Chùa Hương tiếp tục tập trung quản lý tốt cơ sở hạ tầng, cảnh quan, tổ chức các hoạt động đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường..., tạo được nét riêng của điểm du lịch văn hóa tâm linh, thu hút ngày càng đông du khách gần xa.

Lễ khai hội Chùa Hương Tích mở đầu năm du lịch Hà Tĩnh 2020 mang tới kỳ vọng về một năm du lịch đầy thắng lợi của tỉnh nhà.

Việt Hương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục