Hạ tầng mở lối
Khu Tây gồm các quận 6, Bình Tân, Tân Phú và huyện Bình Chánh, là khu vực có vị trí quan trọng, là cửa ngõ giữa TP.HCM với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Vì vậy, hạ tầng giao thông khu Tây được chú trọng đầu tư khá đồng bộ và hiện đại với các trục đường giao thông như Quốc lộ 1A, Cao tốc Trung Lương - TP.HCM, Đại lộ Nguyễn Văn Linh, Đại lộ Đông - Tây kết nối khu Tây với khu Đông, khu Nam. Theo kế hoạch, tuyến Metro số 2 Bến Thành - Tham Lương có vốn đầu tư lên đến 2,1 tỷ USD cũng sẽ được hoàn thành vào năm 2024, sẽ kết nối khu Tây với trung tâm Thành phố.
Ngoài ra, trong thời gian gần đây, UBND TP.HCM tiếp tục đầu tư mạnh mẽ để mở rộng, nâng cấp và đầu tư mới hạ tầng giao thông khu Tây. Cụ thể, hoàn thành mở rộng Quốc lộ 1A đoạn từ vòng xoay An Lạc đến An Sương; khánh thành hàng loạt cầu vượt trên Quốc lộ 1A như cầu vượt ngã tư Bà Hom, ngã tư Gò Mây, ngã tư Hương lộ 2; hoàn thành dự án nâng cấp đường Kinh Dương Vương kết nối khu Tây với trung tâm Thành phố.
Trong năm 2018, những điểm nóng về giao thông của khu Tây cũng được UBND TP.HCM đầu tư nâng cấp, mở rộng, như đầu tư 2.606 tỷ đồng xóa điểm kẹt xe ở giao lộ Trường Chinh - Âu Cơ, Tân Kỳ - Tân Quý; đầu tư gần 550 tỷ đồng xây dựng cầu Bưng mới và mở rộng đường lên 30 - 40 m nhằm tháo nút thắt “cổ chai” trên đường Lê Trọng Tấn; đầu tư 312 tỷ đồng xây dựng cầu Tân Kỳ - Tân Quý mới dài 225 m, rộng 16 m cho 4 làn xe….
Không chỉ những trục đường chính được đầu tư, mà những tuyến đường nội bộ, đường nhánh kết nối với trục đường chính cũng được đầu tư, nâng cấp, mở rộng như đường Lũy Bán Bích, kênh Tân Hóa, Bờ Bao Tân Thắng, đường số 7, Tên Lửa, Trần Văn Giàu…
Bất động sản đón sóng
Thực tế, so với khu Đông, khu Nam, thị trường bất động sản khu Tây TP.HCM không sôi động bằng. Khu vực này chỉ phát triển mạnh ở thời điểm thị trường bất động sản nóng sốt trong giai đoạn năm 2007 - 2009, sau đó lại rơi vào quên lãng. Năm 2010, khu Tây chỉ có vài dự án nhà ở xã hội, nhà dành cho người thu nhập thấp như Chung cư Lê Thành, Khu tái định cư Vĩnh Lộc…
Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2015 đến nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng giao thông, khu Tây đã đón nhận hàng chục dự án nhà ở thương mại mới có giá từ 1,2 - 3 tỷ đồng/căn như Western Dragon, Green Hill, Topaz Garden (quận Bình Tân); Oriental Plaza, Melody Residences, The Garden, CeLadon City (quận Tân Phú).
Khu Tây bắt đầu xuất hiện những dự án bất động sản cao cấp - Ảnh: Lê Thắng.
Không dừng lại ở đó, hiện nay, khu Tây cũng thu hút một số đại gia địa ốc như Hưng Thịnh, Nam Long, Him Lam hay Novaland rót tiền đầu tư dự án cao cấp. Dù số lượng dự án cao cấp còn hạn chế, nhưng điều này cho thấy, thị trường bất động sản khu Tây đã bắt đầu lọt vào tầm ngắm của các nhà đầu tư.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, hiện khu Tây đã có những dự án căn hộ cao cấp, quy mô lớn như Him Lam Chợ Lớn của Him Lam Land, khu phức hợp căn hộ thông minh Rich Star, quy mô gần 3 ha của Novaland, Khu đô thị xanh Emerald Preinct của Gamuda Land. Hay năm 2017, Celadon City chỉ có những căn hộ trung cấp, thì đến nay, chủ đầu tư Gamuda Land đã mở rộng thêm phân khúc cao cấp để đáp ứng nhu cầu của thị trường nơi đây.
Đặc biệt, dự án di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) thu hồi 44 ha để xây dựng công viên, trung tâm thương mại, chung cư cao tầng của UBND TP.HCM được triển khai, cùng với việc Thành phố phê duyệt quy hoạch 6 khu dân cư lớn trên địa bàn quận Bình Tân, khiến giá đất tại khu vực này tăng mạnh, dao động ở mức 50 - 100 triệu đồng/m2.
Nhiều chuyên gia nhận định, với sự đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng giao thông, cùng với vị trí thuận lợi, quỹ đất dồi dào, bất động sản khu Tây sẽ tạo nên sức hút đủ mạnh đối với những doanh nghiệp lớn trong thời gian tới và hứa hẹn sẽ là tâm điểm mới của thị trường địa ốc TP.HCM.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com