Hà Nội và câu chuyện ứng xử với vi phạm xây dựng

(ĐTCK) Cùng với TP.HCM, Hà Nội là địa phương có nhiều công trình xây dựng, trong đó các dự án nhà ở chiếm số lượng lớn và tình trạng vi phạm cũng xảy ra nhiều.
Ảnh: Dũng Minh Ảnh: Dũng Minh

Vi phạm tràn làn

Các vi phạm về trật tự xây dựng chủ yếu là xây dựng không phép, xây vượt số tầng quy định, sai quy hoạch, phê duyệt thiết kế đã được duyệt… Đã có những vụ vi phạm ở mức độ nghiêm trọng như tại dự án chung cư CT6 Kiến Hưng (quận Hà Đông, Hà Nội).

Theo quy hoạch thiết kế, dự án được duyệt 2 tòa chung cư CT6A và CT6B với 970 căn, trong đó 936 là căn hộ chung cư cao tầng, còn lại là thấp tầng và biệt thự liền kề. Tuy nhiên, thực tế, chủ đầu tư đã xây dựng 3 tòa nhà, vượt một tòa CT6C so với được duyệt. Tổng số căn hộ xây vượt, không phép là 654 căn hộ và 4 căn biệt thự liền kề, nhà thấp tầng.

Vi phạm xây vượt số tầng diễn ra khá phổ biến, ví dụ như với dự án
Housinco Premium (huyện Thanh Trì), chủ đầu tư đã tự ý xây thêm 4 tầng bằng cách tăng số tầng dịch vụ so với giấy phép xây dựng (từ 2 tầng lên thành 6 tầng văn phòng, dịch vụ); tại chung cư Sakura Tower (quận Thanh Xuân), dự án cũng xây vượt 2 tầng; dự án Central Field 219 Trung Kính, chủ đầu tư cũng xây vượt 1 tầng…

Nhiều vi phạm đã kéo theo bao nhiêu hệ lụy cho người dân. Cụ thể, tại chung cư CT6C, hàng trăm hộ dân luôn phải sống trong cảnh thấm thỏm, lo âu vì cả tòa chung cư mọc thêm sai phép, nên các căn hộ không được cấp sổ đỏ, khiến nhiều người dân muốn thực hiện chuyển nhượng căn hộ cũng không được. Hay tại dự án nhà ở 8B Lê Trực, đã đúng 4 năm từ ngày dự án bị cưỡng chế cắt ngọn, nhưng tháo dỡ phần sai phép vẫn chưa được giải quyết xong, nên đến thời điểm hiện tại, các khách hàng của dự án vẫn chưa thể nhận nhà, thiệt hại là rất lớn…

Còn tại TP.HCM, là đô thị lớn và tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn ra phổ biến, phức tạp, mới đây, Sở Xây dựng TP.HCM đã yêu cầu các công trình cần treo biển báo và niêm yết giấy phép xây dựng tại công trường, niêm yết tại trụ sở UBND các phường, xã, thị trấn để phục vụ việc giám sát, theo dõi. Việc làm này được kỳ vọng sẽ giúp gia tăng tai mắt trong dân, nâng cao hiệu quả giám sát vi phạm xây dựng của các doanh nghiệp.

Dự án Chung cư C22. Ảnh: Thành Nguyễn

Tuy nhiên, khi đem câu hỏi, liệu Hà Nội có thực hiện giải pháp tương tự với các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố, thì phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản không nhận được câu trả lời từ phía Sở Xây dựng.

Cụ thể, khi liên hệ điện thoại với ông Lê Văn Dục (theo số cầm tay), Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội thì không bắt máy. Gửi mail liên hệ thì không nhận được trả lời. Một điều khá thú vị với Sở Xây dựng Hà Nội, đó là các số điện thoại được công bố công khai để liên hệ với người phát ngôn (ông Dục) và bộ phận thường trực tiếp nhận thông tin báo chí - Phòng Kế hoạch tổng hợp, Sở Xây dựng Hà Nội đều là “các số không đúng” (theo phản hồi của nhà mạng).

Trước đó, theo báo cáo của sở này, trong 6 tháng đầu năm 2019, các Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị xã đã kiểm tra 10.194 công trình, phát hiện, lập hồ sơ xử lý 357 trường hợp vi phạm. Trong số này, có 74 trường hợp xây dựng không phép, 116 trường hợp xây dựng sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế; 5 trường hợp xây dựng công trình gây ảnh hưởng đến công trình lân cận, ô nhiễm môi trường...

Kết quả này chủ yếu đến từ việc Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị các quận, huyện, thị xã mới được thành lập và tăng cường giám sát. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, con số vụ vi phạm sẽ lớn hơn nhiều nếu được giám sát bởi cộng đồng.

Tăng cường giám sát từ dân

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV vào tháng 6/2019, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cũng đã thừa nhận, tình hình vi phạm trật tự có giảm theo chiều hướng ngày càng tích cực hơn, nhưng vẫn còn ở mức cao. Đây cũng là vấn đề gây ra những lệch lạc trong hoạt động xây dựng và những bức xúc của nhân dân và cử tri.

Ông Hà cho rằng, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế này là do một số địa phương chưa quan tâm đúng mức tới công tác quản lý trật tự xây dựng. Mô hình thanh tra đô thị còn có điểm chưa hợp lý, chưa thực sự gắn kết với chính quyền địa phương, lực lượng thanh tra còn mỏng, một bộ phận cán bộ thanh tra chưa đáp ứng yêu cầu về tinh thần trách nhiệm và năng lực. Nhiều trường hợp chậm phát hiện hoặc phát hiện rồi, nhưng xử lý không kịp thời, không kiên quyết, triệt để.

Lâu nay, với nhiều lĩnh vực, cứ có sai phạm, vụ việc xảy ra, đại diện cơ quan quản lý thường lấy lý do lực lượng mỏng, địa bàn rộng. Câu hỏi đặt ra là trong khi nhà dân sửa cái chuồng gà, thanh tra xây dựng cũng phát hiện, thì tại sao những tòa chung cư xây vượt vài tầng, thậm chí vượt cả một tòa chung cư với cả trăm căn hộ lại bị bỏ qua.

Theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản tại một số công trình, dự án đang trong quá trình thi công tại Hà Nội, phần lớn các chủ đầu tư đều tập trung vào việc tuyên truyền nội dung an toàn, việc lắp đặt biển báo, có doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện, có doanh nghiệp thì bỏ qua. Thậm chí, vẫn còn một số công trình quên luôn cả hai nội dung trên.

Hà Nội và câu chuyện ứng xử với vi phạm xây dựng ảnh 2

Các công trình xây dựng cần được niêm yết giấy phép xây dựng.  Ảnh: Dũng Minh

Điển hình như tại dự án Phố Wall (quận Cầu Giấy), đến nay, dù công tác thi công vẫn đang diễn ra, nhưng các biển báo, biển nội quy an toàn đều không có. Dự án này hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện một số căn liền kề phía ngoài mặt đường Trần Thái Tông, còn các căn cao tầng và các hạng mục khác trong dự án vẫn đang dang dở.

Anh Nguyễn Thanh Tuấn (Dịch Vọng, Cầu Giấy) cho biết: “Dự án này ra mắt từ cách đây 4 - 5 năm, đến giờ tôi cũng quên quy mô dự án, chẳng biết họ được cấp phép bao nhiêu căn liền kề, bao nhiêu tòa nhà cao tầng, cao bao nhiêu tầng… Bảng thông tin dự án thì đã rách nát từ bao giờ cũng không thấy chủ đầu tư thay cái mới”.

Ngay gần đó, công trình xây dựng trụ sở Vinacomin, hay tòa nhà trung tâm thương mại, dịch vụ và văn phòng (FPT Tower), biển báo công trình cũng quên không được lắp. Người dân hoàn toàn không biết công trình có quy mô ra sao, chiều cao, số tầng thế nào, thời gian hoàn thành dự kiến…

Thực trạng này đang nói lên nhiều điều bất cập trong cách ứng xử với vi phạm trật tự xây dựng, công bố thông tin tại Thủ đô.

Có lẽ, khi cơ quan quản lý ngành không làm tròn trách nhiệm, thì cần trao thêm quyền giám sát cho cộng đồng, cho mỗi người dân, mà để làm được điều đó, trước mắt, phải là sự minh bạch về mặt thông tin.

Là đô thị lớn với diễn biến vi phạm trật tự xây dựng phổ biến, phức tạp, có lẽ, đã đến lúc Hà Nội cần học hỏi TP.HCM trong việc minh bạch tân chân công trình, tăng hiệu quả giám sát từ người dân, cộng đồng.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Thanh Huyền
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục